Liên Hợp Quốc: Các nước nghèo đang phải đối mặt với đa khủng hoảng
(CLO) Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết hôm thứ Tư (13/4) rằng các nước nghèo đang cùng một lúc phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính bởi xung đột Nga - Ukraine.
Nga là nước xuất khẩu dầu và khí đốt hàng đầu thế giới, cả Nga lẫn Ukraine đều là những nhà sản xuất ngũ cốc lớn, cùng nhau chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Giá hàng hóa thế giới đã tăng kỷ lục, làm tổn thương các nước phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters
Ông Guterres nói với các phóng viên rằng: “Cuộc chiến đang làm gia tăng một cuộc khủng hoảng ba chiều - lương thực, năng lượng và tài chính - gây nguy hiểm cho người dân, các quốc gia và nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.
Ông cho biết, có tới 1,7 tỷ người - tương đương 1/3 dân số toàn cầu đã sống trong cảnh nghèo đói - đã bị tác động nặng nề bởi những gián đoạn về lương thực, năng lượng và tài chính, những nguyên nhân dẫn đến gia tăng nghèo đói.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói thêm rằng 36 quốc gia dựa vào Nga và Ukraine vì hơn một nửa lượng lúa mì nhập khẩu từ 2 quốc gia đang xung đột này, bao gồm một số quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Các tổ chức quốc tế lớn khác cũng đang đưa ra lời kêu gọi về các biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng ở các nước nghèo, bao gồm tài trợ để hỗ trợ nông dân và tăng nguồn cung cấp lương thực.
Việc Nga tấn công Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt trong những tuần gần đây, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng cũng tác động đến sản xuất phân bón, từ đó gây thiệt hại cho nông dân.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho biết trong một tuyên bố chung: “Điều quan trọng là phải nhanh chóng cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia bị mất an ninh lương thực theo cách thức phối hợp”.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở một số quốc gia bởi giá cả leo thang, vì vậy tuyên bố cho biết: "Việc tăng giá lương thực và các cú sốc về nguồn cung có thể gây ra căng thẳng xã hội ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, đặc biệt là những quốc gia vốn đã manh nha hoặc bị ảnh hưởng bởi xung đột".
Người biểu tình ở Peru mới đây đã xuống đường để yêu cầu chính phủ hành động, cũng như cả những người dân ở Sri Lanka - nơi chính phủ hôm thứ Ba vừa rồi đã thông báo rằng họ đang vỡ nợ 51 tỷ đô la Mỹ nợ nước ngoài .
Nghèo đói vốn đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19, và Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng cứ tăng một điểm phần trăm giá lương thực thì sẽ có thêm 10 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới.
Hoàng Anh (theo AFP, Reuters)