Liên hợp quốc: Hơn 11 triệu người tị nạn có nguy cơ mất viện trợ
(CLO) Hơn 11,6 triệu người tị nạn và người buộc phải di tản trên toàn cầu đang đứng trước nguy cơ mất viện trợ nhân đạo do các khoản cắt giảm tài trợ nghiêm trọng từ Mỹ và các quốc gia khác, theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).
UNHCR cho biết họ cần 10,6 tỷ USD để hỗ trợ người tị nạn trên toàn thế giới trong năm 2025, nhưng hiện chỉ nhận được 23% số tiền này, tương đương khoảng 2,44 tỷ USD. Kết quả là, các chương trình thiết yếu trị giá 1,4 tỷ USD đã bị cắt giảm hoặc tạm hoãn.
Bà Dominique Hyde, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại của UNHCR, cảnh báo: “Chúng ta đang đối mặt với một hỗn hợp chết người gồm sự gia tăng số người di tản, nguồn tài trợ thu hẹp và sự thờ ơ về chính trị”. Bà bày tỏ: “Chúng tôi vô cùng lo ngại cho người tị nạn và các cộng đồng di tản trên toàn thế giới”.
Việc cắt giảm tài trợ đã gây ra những tác động nghiêm trọng, đặc biệt ở các khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột và khủng hoảng nhân đạo.

Người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh ở Sudan đang đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. UNHCR đã phải giảm khẩu phần lương thực và các chương trình sàng lọc dinh dưỡng tại Chad, gây ra “tác động tàn khốc đối với trẻ em chạy trốn đến đây”. Hơn nữa, việc tạm dừng di chuyển người tị nạn từ khu vực biên giới đến các địa điểm an toàn hơn ở Chad và Nam Sudan đã khiến hàng ngàn người bị mắc kẹt ở những khu vực xa xôi.
Gần 1 triệu người tị nạn Rohingya từ Myanmar đang đối mặt với khủng hoảng y tế và giáo dục. Các chương trình giáo dục cho khoảng 230.000 trẻ em có nguy cơ bị tạm dừng, trong khi hơn 40.000 phụ nữ mang thai có thể mất dịch vụ chăm sóc trước sinh, và 19.000 trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính có nguy cơ không được điều trị cứu sống.
Tại Lebanon, toàn bộ chương trình y tế của UNHCR có nguy cơ bị đóng cửa vào cuối năm 2025, khiến hàng triệu người mất dịch vụ y tế thiết yếu.
Các gia đình tị nạn đang phải đối mặt với những lựa chọn đau lòng giữa việc mua thực phẩm cho con cái, thuốc men hay trả tiền thuê nhà. Các dịch vụ y tế, giáo dục và hỗ trợ cơ bản khác cũng bị cắt giảm trên toàn cầu.
Do thiếu hụt ngân sách, UNHCR đã thông báo cắt giảm 3.500 nhân viên, tương đương gần 1/3 lực lượng lao động toàn cầu, và giảm gần 50% các vị trí cấp cao tại trụ sở Geneva và các văn phòng khu vực. Một số văn phòng trên thế giới cũng đã bị đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô.
UNHCR kêu gọi các nhà tài trợ – bao gồm chính phủ, tổ chức và cá nhân – tăng cường hỗ trợ để tránh những hậu quả thảm khốc hơn. Bà Hyde nhấn mạnh: “Tình hình tài trợ của chúng tôi đang rất nghiêm trọng. Có tới 11,6 triệu người tị nạn và người bị buộc phải di tản có nguy cơ mất viện trợ nhân đạo từ UNHCR”.
Theo báo cáo từ UNHCR, số người bị buộc phải di tản trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 123,2 triệu người vào cuối năm 2024, chủ yếu do các cuộc xung đột kéo dài ở Sudan, Myanmar và Ukraine. Mặc dù một số thành tựu đã đạt được, như việc tái định cư 188.800 người tị nạn trong năm 2024, nhưng các giải pháp lâu dài vẫn còn hạn chế do thiếu kinh phí.