Liên hợp quốc: La Nina có thể giúp nhiệt độ hạ thấp trong năm nay
(CLO) Sự quay trở lại của hiện tượng thời tiết mát mẻ La Nina vào cuối năm nay sẽ giúp nhiệt độ giảm phần nào sau nhiều tháng nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết vào thứ Hai (3/6).
Tác động có thể sẽ được cảm nhận trong vài tháng tới vì kiểu thời tiết El Nino ấm lên - vốn đã khiến nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến từ giữa năm 2023 - "đang có dấu hiệu kết thúc", theo WMO cho biết trong báo cáo mới nhất của mình.
Tuy nhiên, WMO cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn do biến đổi khí hậu do con người gây ra, điều này tiếp tục làm cho thời tiết khắc nghiệt trở nên tồi tệ hơn và làm đảo lộn các mô hình nhiệt độ và lượng mưa theo mùa.
La Nina đề cập đến sự hạ nhiệt độ bề mặt đại dương ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, cùng với gió, mưa và những thay đổi về áp suất khí quyển. Ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, La Nina tạo ra những tác động khí hậu trái ngược với El Nino.
WMO cho biết có "60%" khả năng xảy ra hiện tượng La Nina trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 và "70%" trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11.
Cơ quan này cho biết thêm, khả năng El Nino tái phát triển là không đáng kể. Kể từ tháng 6 năm 2023 khi El Nino quay trở lại, nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng tháng đều lập kỷ lục cao mới, khiến năm 2023 là năm ấm nhất từng được ghi trong lịch sử.
WMO cho biết hành tinh này sẽ tiếp tục nóng lên do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tạo ra khí nhà kính.
Phó tổng thư ký WMO Ko Barrett nhấn mạnh: “Sự kết thúc của El Nino không có nghĩa là biến đổi khí hậu tạm dừng trong thời gian dài, vì hành tinh của chúng ta sẽ tiếp tục ấm lên do hiệu ứng nhà kính".
WMO lưu ý rằng 9 năm qua là kỷ lục nóng nhất, ngay cả khi có ảnh hưởng hạ nhiệt của sự kiện La Nina kéo dài từ năm 2020 đến đầu năm 2023. Barrett nói: “Thời tiết của chúng ta sẽ tiếp tục khắc nghiệt hơn do nhiệt độ và độ ẩm tăng thêm trong bầu khí quyển”.
Bùi Huy (theo WMO, AFP, CNA)