Liên minh châu Âu đối mặt hóa đơn 1.000 tỷ USD nếu Mỹ ngừng hỗ trợ quân sự
(CLO) Châu Âu có thể phải chi tới 1.000 tỷ USD trong 25 năm tới để tự trang bị lại năng lực quốc phòng nếu Mỹ rút khỏi vai trò hỗ trợ quân sự tại khu vực này.
Báo cáo được đưa ra hôm 14/5 bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Theo đó, khoản chi khổng lồ này chủ yếu để bù đắp khoảng trống mà Mỹ để lại, từ lực lượng không quân, hải quân cho đến nhân lực và kho đạn dược.
Báo cáo chỉ ra phần tốn kém nhất là thay thế khoảng 400 máy bay của Mỹ đang hoạt động tại châu Âu, chiếm tới 1/5 tổng chi phí dự kiến. Ngoài ra, châu Âu cũng sẽ phải mua thêm 20 tàu khu trục mới và tuyển dụng, huấn luyện để thay thế hơn 128.000 binh sĩ Mỹ. Riêng phần nhân lực này đã tiêu tốn hơn 12 tỷ đô.
.png)
Kịch bản được đặt ra là cuộc chiến Ukraine kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn vào giữa năm 2025, sau đó Mỹ bắt đầu rút quân, dời thiết bị và năng lực chiến lược khỏi NATO để tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Việc các quốc gia châu Âu đạt được năng lực phòng thủ độc lập là khả thi nhưng đi kèm nhiều thách thức. Nếu mỗi nước NATO ở châu Âu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng từ năm 2024, họ sẽ có thêm khoảng 62 tỷ USD để tăng cường lực lượng.
Tuy vậy, IISS lưu ý điều này đòi hỏi "những thay đổi mang tính triệt để", tiệm cận mức chi tiêu thời Chiến tranh Lạnh – tức vượt quá 3% GDP.
Chính quyền ông Trump thời gian qua đã thể hiện rõ ý định giảm vai trò quân sự ở châu Âu, thậm chí từ bỏ vị trí Tổng tư lệnh tối cao NATO (SACEUR). Tuy vậy, Lầu Năm Góc chưa công bố lộ trình rõ ràng về những năng lực nào sẽ rút và những gì châu Âu cần thay thế gấp.
Một quan chức Trung Âu cho biết Mỹ có thể cần tới hai năm để xác định danh sách rút lui, trong khi châu Âu đang đứng trước áp lực thời gian và thiếu sự chủ động trong công nghiệp quốc phòng.
Một số nước châu Âu đã bắt đầu đặt mua thêm vũ khí để bù lại số thiết bị đã gửi cho Ukraine, nhưng tiến độ vẫn bị cho là quá chậm. Trong khi đó, các tướng lĩnh Mỹ như Tướng Christopher Cavoli, người đang giữ chức Tổng tư lệnh NATO, nói rằng ông “dự định giữ nguyên” lực lượng Mỹ ở các căn cứ chính tại châu Âu. Nhưng ở Quốc hội Mỹ, nhiều người đã bắt đầu lo lắng và cảnh báo về khả năng rút quân.
Giữa tháng 3, hai nghị sĩ Cộng hòa quyền lực – Thượng nghị sĩ Roger Wicker và Hạ nghị sĩ Mike Rogers – đã lên tiếng cảnh báo về “tin đồn nguy hiểm” rằng Lầu Năm Góc muốn cắt giảm đáng kể hiện diện quân sự ở nước ngoài. Riêng ông Rogers thẳng thừng chỉ trích một số quan chức cấp trung tại Lầu Năm Góc vì “tư duy sai lầm” về việc rút khỏi châu Âu.
Theo Financial Times, các cường quốc quân sự lớn của châu Âu đang lên kế hoạch tiếp quản dần vai trò an ninh khu vực, với một đề xuất sẽ được gửi đến Nhà Trắng trong thời gian tới. Nhưng ngay cả trong viễn cảnh lạc quan, châu Âu cũng cần từ 5 đến 10 năm mới có thể thực sự thay thế được những gì Mỹ đang cung cấp – chưa kể các năng lực chiến lược như vũ khí hạt nhân thì vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào Washington.