Thế giới 24h

Liên minh châu Âu lên kế hoạch cắt đứt quan hệ khí đốt với Nga

Cao Phong (theo Reuters, CNN) 05/05/2025 13:21

(CLO) Liên minh châu Âu (EU) dự kiến công bố lộ trình nhằm chấm dứt hoàn toàn quan hệ nhập khẩu khí đốt với Nga vào năm 2027, nhưng việc thoát khỏi các hợp đồng với công ty Nga Gazprom gặp nhiều trở ngại pháp lý.

Hiện khoảng 19% lượng khí đốt của EU vẫn đến từ Nga, chủ yếu qua đường ống TurkStream dưới Biển Đen và các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Mặc dù EU đã đặt mục tiêu không ràng buộc pháp lý là chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027, nhưng việc thực hiện điều này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Screenshot 2025-05-05 at 12.46.46
Đường ống TurkStream. Ảnh: X/RibereF

Ủy ban châu Âu đang xem xét các phương án pháp lý để cho phép các công ty châu Âu viện dẫn "bất khả kháng" nhằm chấm dứt hợp đồng khí đốt với Nga mà không phải chịu phạt. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng điều này khó khả thi, bởi nguồn cung khí đốt từ Nga vẫn ổn định trong suốt ba năm chiến tranh.

Agnieszka Ason, luật sư chuyên về hợp đồng LNG, nhận định: "Bất kỳ hành động cố ý nào của EU nhằm chấm dứt hợp đồng đều làm suy yếu lập luận về bất khả kháng. Điều này trái ngược với bản chất của khái niệm bất khả kháng".

Ngoài ra, các hợp đồng với Gazprom thường bao gồm điều khoản "nhận hoặc trả tiền" (take-or-pay), buộc người mua phải thanh toán tới 95% khối lượng khí đốt đã cam kết, ngay cả khi không nhận hàng.

Các tranh chấp pháp lý giữa Gazprom và các công ty châu Âu, liên quan đến vi phạm hợp đồng và nợ thanh toán, hiện có giá trị ước tính 18,5 tỷ euro (21 tỷ USD).

Việc áp đặt lệnh trừng phạt chính thức đối với khí đốt Nga đòi hỏi sự đồng thuận từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Slovakia và Hungary đã bày tỏ mong muốn duy trì quan hệ chính trị và kinh doanh chặt chẽ với Nga, và Hungary đã cam kết sẽ chặn bất kỳ lệnh trừng phạt năng lượng nào.

Kế hoạch này diễn ra trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, có thể mở đường cho việc nới lỏng trừng phạt năng lượng Nga, làm phức tạp thêm mục tiêu của EU.

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, EU đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Theo kế hoạch REPowerEU, EU đã giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga từ 45% năm 2021 xuống còn 15% vào năm 2023. Tuy nhiên, nhập khẩu LNG từ Nga lại tăng 18% trong năm 2024, làm dấy lên lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu vào năm 2027.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Liên minh châu Âu lên kế hoạch cắt đứt quan hệ khí đốt với Nga
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO