Liên quan đại án Vạn Thịnh Phát, Trustbank, Phương Trang nợ nần chồng chất
(CLO) Không chỉ liên quan đến hai đại án Vạn Thịnh Phát và Trustbank, Phương Trang còn gặp vấn đề với khối nợ khổng lồ, nợ chiếm tới 96,7% tổng nguồn vốn.
Đại án Trustbank vừa qua, Vạn Thịnh Phát lại tới
Đầu tháng 11/2023, nhà xe Thành Bưởi chính thức bị tước giấy phép 3 tháng cùng với vụ việc ông Lê Dương, Phó giám đốc Công ty Thành Bưởi bị bắt.
Ở thị trường miền Nam, Thành Bưởi và Phương Trang là hai nhà xe có quy mô lớn nhất. Chính vì vậy, sau cú sảy chân của Thành Bưởi, Phương Trang được xem là nhà xe được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, gần đây, “vận đen” lại đến với Phương Trang khi nhà xe này vướng vào đại án Vạn Thịnh Phát.
Liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát, ngày 15/3, Hội đồng xét xử, luật sư tiếp tục xét hỏi đối với các công ty có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến các tài sản, dự án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trong đó, dự án bất động sản tại quận 7 và 2 dự án dân cư Thành Hiếu tại Long An của Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Thành Hiếu (Công ty Thành Hiếu) - thuộc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang được nhắc đến.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã nói về dự án liên quan đến Phương Trang. Ảnh: Công Lý
Đại diện Hội đồng xét xử cho biết theo hồ sơ, Phương Trang đã chuyển nhượng cho bà Lan thông qua 3 cá nhân 100% số cổ phần với giá 3.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới thanh toán được khoảng 1.200 tỷ đồng, còn thiếu hơn 2.000 tỷ đồng.
Sau khi thỏa thuận, Phương Trang đã chuyển toàn bộ hồ sơ, giấy tờ và con dấu cho Trương Mỹ Lan, bà Lan chưa thanh toán số tiền còn lại, nên Công ty Phương Trang đề nghị hủy hợp đồng, trả lại bà Lan số tiền đã nhận.
Không chỉ trong vụ Vạn Thịnh Phát, Phương Trang từng "có mặt" trong đại án Trustbank, liên quan Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn.
Ở vụ án này, nhóm Phương Trang dùng 36 tài sản là bất động sản thế chấp để vay tiền tại Trustbank. Các tài sản này cũng đã bị kê biên trong quá trình truy tố vụ án.
Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty Phương Trang phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ gốc mà Công ty Phương Trang thực nhận là hơn 3.936 tỷ đồng cùng lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án với tổng số tiền là hơn 6.400 tỷ đồng.
Phương Trang không phải là một công ty mà là hệ sinh thái khổng lồ của đại gia Nguyễn Hữu Luận hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực từ xe khách, chuyển phát, đầu tư tới bất động sản. Trong đó, nổi bật nhất là mảng xe khách với đại diện là Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang Futabuslines (Xe khách Phương Trang).
Xe khách Phương Trang quản lý với vài ngàn đầu xe các loại, khai thác hơn 60 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh và cố định, trải dài từ Nam ra Bắc với quy mô 350 phòng vé, trạm trung chuyển, bến xe trên toàn hệ thống. Mỗi ngày nhà xe này có khoảng 1.000 tuyến xe đường dài và liên tỉnh hoạt động.
Doanh thu cao, lợi nhuận lớn
Nhờ hệ thống xe khổng lồ và các tuyến đường rộng khắp, Xe khách Phương Trang ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tích cực.
Cụ thể, năm 2022, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Phương Trang đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 1.482 tỷ đồng, tương đương 200% so với năm 2021. Đây không phải đà bứt phá mà chỉ là hoạt động vận chuyển đã phục hồi sau hai năm đình trệ bởi Covid-19.
Nhờ đó, thay vì lỗ gộp 122 tỷ đồng trong năm 2021, bước sang 2022, Xe khách Phương Trang đạt lãi gộp 466 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong khi doanh thu tăng mạnh, các chi phí của công ty hoặc giảm nhẹ hoặc tăng nhẹ. Chi phí tài chính giảm từ 70,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 16,3 tỷ đồng; Chi phí bán hàng giảm từ 167 tỷ đồng xuống 151 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 134 tỷ đồng lên 146 tỷ đồng.
Kết quả là Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Xe khách Phương Trang lên tới 162 tỷ đồng, tăng 161,2 tỷ đồng, tương đương… 20.150% so với năm 2021.
Hiệu quả sử dụng vốn của Xe khách Phương Trang rất tốt. Tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu đạt tới 0,432%. Nghĩa là 1 đồng vốn mang về cho nhà xe này 0,432 đồng lợi nhuận.
Xe khách Phương Trang nợ nần chồng chất
Có thể thấy Xe khách Phương Trang ghi nhận doanh thu rất lớn và lợi nhuận cao ngất ngưởng. Thế nhưng, điểm nhấn của công ty này lại là khối nợ khổng lồ, đa phần tài sản của công ty đều được tài trợ bởi nợ.

Không chỉ liên quan đến hai đại án Vạn Thịnh Phát và Trustbank, Phương Trang còn gặp vấn đề với khối nợ khổng lồ, nợ chiếm tới 96,7% tổng nguồn vốn. Ảnh minh họa
Tại ngày 31/12/2022, Nợ phải trả của Xe khách Phương Trang lên đến 10.963 tỷ đồng, tăng 2.527 tỷ đồng, tương đương 30% so với năm 2021. Nợ cao gấp 29,2 lần Vốn chủ sở hữu và chiếm 96,7% Tổng nguồn vốn.
Phải trả dài hạn khác và Phải trả ngắn hạn khác là các chỉ tiêu lớn nhất, lên tới 6.697 tỷ đồng và 2.488 tỷ đồng.
Ngoài ra, Xe khách Phương Trang còn khoản nợ đáng chú ý khác là nợ vay. Hồi cuối năm 2022, Vay và nợ thuê tài chính của nhà xe này lên tới 923 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần Vốn chủ sở hữu.
Tổng nợ vay giảm nhẹ từ 939 tỷ đồng của năm 2021 xuống 923 tỷ đồng nhưng Chi phí lãi vay năm 2022 lại giảm rất sâu, giảm 53,7 tỷ đồng, tương đương 76,7% xuống chỉ còn 16,3 tỷ đồng.