Thế giới 24h

Liệu Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc sản xuất iPhone?

Hoài Phương (theo DW, CNBC) 20/05/2025 17:12

(CLO) Từ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc, Apple đang dịch chuyển mạnh mẽ chuỗi cung ứng sang Ấn Độ và Việt Nam nhằm thích nghi với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh quý đầu vào tháng 5, CEO Tim Cook khẳng định phần lớn iPhone bán tại Mỹ trong tương lai sẽ được sản xuất tại Ấn Độ. Cùng lúc, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò sản xuất chính đối với các thiết bị khác của Apple như iPad, Mac, Apple Watch và AirPods.

Quyết định này được xem là bước đi chiến lược nhằm giảm thiểu tác động của các chính sách thuế thương mại cứng rắn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn từng gây ảnh hưởng đến doanh thu và biên lợi nhuận của Apple khi công ty còn phụ thuộc vào Trung Quốc.

untitled(5).png
Ảnh minh họa: Unsplash

Theo số liệu từ Bloomberg, trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2025, Apple đã sản xuất lượng iPhone trị giá 22 tỷ USD tại Ấn Độ, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính hiện nay, khoảng 20% tổng số iPhone toàn cầu được lắp ráp tại nước này. Apple có kế hoạch nâng con số này lên hơn 60 triệu chiếc mỗi năm vào năm 2026, gần gấp đôi so với hiện tại.

Ba đối tác chính đang thực hiện lắp ráp iPhone tại Ấn Độ là Foxconn, Pegatron và Tata Group (trước đây là Wistron). Trong số đó, Foxconn hiện là nhà sản xuất lớn nhất, chiếm phần lớn sản lượng iPhone tại quốc gia này.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng việc thay thế Trung Quốc không phải là điều có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Bà Lekha Chakraborty, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện Chính sách và Tài chính Công Quốc gia Ấn Độ, cho rằng chi phí sản xuất iPhone tại Ấn Độ cao hơn Trung Quốc từ 5–10% do linh kiện nhập khẩu đắt đỏ và năng suất nhà máy còn thấp.

Ngoài ra, sự cứng nhắc trong thị trường lao động và lỗ hổng trong chuỗi cung ứng cũng là những trở ngại lớn.

“Các yếu tố tài chính như doanh thu thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng và các khoản trợ cấp tiềm năng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Một cách tiếp cận chính sách khéo léo là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi ích”, bà Chakraborty nhận định.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Shrijay Sheth, nhà sáng lập công ty tư vấn LegalWiz.in, đánh giá cao tiềm năng của Ấn Độ nhưng cho rằng nước này cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, đào tạo kỹ năng và cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ nếu muốn trở thành trung tâm sản xuất độc lập của Apple.

Ông cảnh báo rằng chuyển giao công nghệ và chuyên môn từ Trung Quốc sẽ không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh việc làm gia tăng.

Chính phủ Ấn Độ đã ban hành một số chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp thiết bị điện tử, phù hợp với sáng kiến “Made in India”. Tuy nhiên, hiệu quả của những chính sách này vẫn cần thời gian để được kiểm chứng trên thực tế.

Apple từng phụ thuộc gần như tuyệt đối vào các nhà máy tại Trung Quốc. Nhưng những biện pháp thuế quan từ chính quyền Tổng thống Trump, cùng các đòn đáp trả thương mại từ Bắc Kinh, đã buộc công ty phải tìm kiếm hướng đi mới. Hiện tại, hai nước đã đồng ý tạm dừng leo thang tranh chấp thuế trong vòng 90 ngày nhưng triển vọng dài hạn vẫn còn nhiều bất định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Liệu Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc sản xuất iPhone?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO