Liên quan tới thông tin cơ quan kiểm toán đã xác định phải truy thu gần 600 tỷ đồng của Unilever, trả lời báo giới mới đây, ông Vũ Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế) cho biết: Tổng Cục thuế đã yêu cầu Cục Thuế TP. HCM phối hợp với công ty giải quyết vụ việc.
“Theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi. Phía Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu Unilever nhưng đơn vị này chưa đồng ý với số tiền truy thu trên”, ông Cường thông tin.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu gần 580 tỷ đồng thuế đối với Unilever Việt Nam (Ảnh TL)
Trước đó, tranh luận tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội về Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), khi nhắc đến vụ Unilever, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh sẽ nỗ lực hết sức khi Quốc hội giao cho chúng tôi kiểm toán thuế, hoạt động của cơ quan thuế và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ông Hồ Đức Phớc nói: “Đụng vào doanh nghiệp nào, doanh nghiệp đó cũng phản ứng. Chẳng hạn như Unilever, vừa rồi họ đã có đơn kiện lên Thủ tướng và Ủy ban Tài chính ngân sách. Sau đó, chúng tôi kiểm tra lại thì xác định là 584 tỷ đồng. Giờ Unilever đề nghị được nộp nhưng không xử phạt. Vấn đề xử phạt hay không thì phải do Tổng Cục thuế quyết định chứ chúng tôi không quyết định được”.
Dẫn ví dụ đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi, ông Hồ Đức Phớc cho biết thất thu thuế đã lên tới 94% so với số đối chiếu. Kiểm tra dữ liệu cho thấy chính việc chọn rủi ro không chính xác nên nhiều doanh nghiệp sau khi nằm trong dạng rủi ro không thu được thêm thuế.
Riêng kiểm toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2017 là hơn 1.496 tỷ đồng, vừa rồi kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở TP. HCM, Kiểm toán cũng kiến nghị truy thu 1.749,5 tỷ đồng. Đối chiếu 4 quận ở TP. HCM có 658 khu đất không lập có thu. Riêng quận 1, sau khi kiểm toán kiến nghị thì Chi cục thuế của quận đôn đốc và lập nguồn thu 283,3 tỷ đồng.
“Kiểm toán nỗ lực kết sức mình khi được Quốc hội giao kiểm toán, không chỉ chi tiêu công, tài sản công mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thu thuế. Chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình”, Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định.
Về thông tin Unilever bị truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế, thông cáo mới đây của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam do ông Trần Vũ Hoài - Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại của Unilever lí giải đó là thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013.
“Do có sự khác nhau trong Luật Thuế đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trước giai đoạn 2014 nên đã dẫn đến có sự hiểu khác nhau cũng như gây nên sự bất cập đối với việc thực hiện trong thực tế doanh nghiệp và các cơ quan hữu trách”, thông cáo của Unilever Việt Nam cho biết.
Theo đại diện Unilever Việt Nam, vấn đề này công ty đã giải trình và kiến nghị với Chính Phủ Việt Nam, Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước để tìm ra các giải pháp thỏa đáng cho các doanh nghiệp, trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng thông lệ và pháp luật quốc tế. Hiện Unilever đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong thời gian qua nhằm tìm được giải pháp chung.
Được biết, Unilever là một trong những công ty đa quốc gia chuyên về các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và thực phẩm. Bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào năm 1995, ngày nay, rất nhiều các nhãn hàng của công ty như OMO, P/S, Clear, Pond's, Knorr, Lifebuoy, Sunsilk, VIM, Lipton, Sunlight, VISO, Rexona ... đã trở thành những cái tên quen thuộc với các hộ gia đình Việt Nam. Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 35 triệu sản phẩm của Unilever được sử dụng bởi người tiêu dùng trên toàn quốc. Viết Cường |