Liệu Ukraine có thể vượt qua áp lực từ Nga chỉ nhờ UAV?
(CLO) "Máy bay không người lái, máy bay không người lái, chỉ toàn là máy bay không người lái" - đó là lời thốt ra đầy mệt mỏi của một chỉ huy trung đội Ukraine đang được sơ tán khỏi tiền tuyến.
Theo hàng chục sĩ quan và quan chức Ukraine, chính những cỗ máy bay không người lái giá rẻ nhưng cực kỳ hiệu quả này đang giúp Ukraine cầm chân lực lượng Nga đang áp sát và giữ vững thế trận trong năm 2025.
Một vùng chiến sự kéo dài 10 km ở cả hai phía tiền tuyến giờ được gọi là “vùng tử địa” – nơi mọi vật thể lớn di chuyển đều bị UAV phát hiện và tấn công ngay lập tức.
Chiến tranh UAV đã làm thay đổi hoàn toàn tương quan lực lượng. OCHI – hệ thống tích hợp video từ hơn 15.000 đơn vị UAV tiền tuyến – cho biết xe cơ giới Nga không còn có thể tiến nhanh như năm 2022 vì dễ bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, Nga đã thay đổi chiến thuật, chuyển sang các nhóm tấn công nhỏ từ 5–6 người đi xe máy hoặc xe 4 bánh để dụ hỏa lực Ukraine và sau đó điều UAV tấn công ngược lại.
Dù vậy, quân Nga vẫn giữ được thế chủ động ở miền đông và miền bắc Ukraine. Nga hiện sản xuất UAV hàng loạt trong nước với tốc độ hàng triệu chiếc mỗi năm, san bằng khoảng cách công nghệ từng tụt lại phía sau vào đầu cuộc chiến.
Giữa lúc chiến sự diễn biến phức tạp, châu Âu đang theo dõi sát tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine thông qua NATO, nhưng các quốc gia châu Âu sẽ phải chi trả.
Chi tiết cụ thể về loại vũ khí, khối lượng và phương thức thanh toán vẫn chưa được làm rõ. Nhà Trắng hiện từ chối bình luận về kế hoạch này, chỉ nói rằng ông Trump muốn kết thúc cuộc chiến càng sớm càng tốt.
Trước tuyên bố của ông Trump, nhiều quan chức Ukraine vẫn tin rằng nước này có thể tiếp tục kháng cự mà không cần thêm viện trợ Mỹ, nhờ vào ưu thế UAV và sự hỗ trợ ngày càng nhiều từ châu Âu.
Theo Oleksandr Kamyshin, cố vấn chiến lược của Tổng thống Zelenskyy, Ukraine hiện có thể cầm cự trong nhiều tháng, khác với năm 2023 khi mọi thứ chỉ có thể kéo dài vài tuần nếu không có viện trợ.
Dù UAV đang tạo ra ưu thế tạm thời, các chuyên gia cảnh báo không nên đánh giá quá cao. Theo nhà phân tích quân sự Ba Lan Konrad Muzyka, để gây sát thương tương đương với một quả đạn pháo, Ukraine cần hàng chục UAV. Ông nói thêm: “Chúng có thể lấp chỗ trống, nhưng không thay thế được pháo binh”.
.png)
UAV: Sát thủ trên cao
Trong chiến sự kéo dài trên dải chiến tuyến 1.000 km, UAV đã trở thành mối đe dọa số một. Những chiếc UAV trinh sát trông như đồ chơi bằng nhựa, xốp, được trang bị camera độ phân giải cao, có thể phát hiện đối phương từ vài km, truyền trực tiếp hình ảnh về căn cứ chỉ huy.
Chúng dẫn đường cho các UAV ném bom, thường là drone 6 cánh có thể thả lựu đạn có cánh đuôi in 3D, và UAV cảm tử gắn đầu đạn RPG xuyên giáp.
Theo ước tính, trong năm 2024, UAV đã thực hiện 69% các cuộc tấn công vào quân đội Nga và 75% vào phương tiện, thiết bị. Pháo binh chỉ chiếm 18%, còn súng cối chỉ 15%.
Cả hai bên hiện sử dụng UAV có sợi quang chống gây nhiễu, cũng như UAV đánh chặn chuyên tiêu diệt UAV đối phương. Ukraine đặt mục tiêu sản xuất 30.000 UAV tầm xa trong năm nay, dùng để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga.
Theo Vadym Sukharevskyi, cựu chỉ huy lực lượng UAV Ukraine, mỗi chiếc UAV tấn công loại này có giá từ 50.000 đến 300.000 USD, rẻ hơn ít nhất 10 lần so với tên lửa tầm xa có cùng khả năng. “Đó là cách Ukraine đối phó bất tương xứng vì thiếu tên lửa”, Sukharevskyi nói.
.png)
Cuộc đua công nghiệp quân sự và sự phụ thuộc vào Mỹ
Tổng thống Zelenskyy tuyên bố ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine hiện đã sản xuất khoảng 40% vũ khí và thiết bị dùng trong chiến sự, bao gồm UAV, với mục tiêu đạt 50% trong 6 tháng tới.
Châu Âu cũng đang tăng cường viện trợ, giúp Ukraine giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ. Theo Viện Kiel, tổng viện trợ quân sự từ châu Âu đã vượt Mỹ kể từ tháng 6/2022, với 72 tỷ euro so với 65 tỷ USD từ Mỹ.
Dù vậy, Kiev vẫn phụ thuộc lớn vào Mỹ trong phòng không và tình báo. Hệ thống Patriot của Mỹ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, thứ vũ khí mà Nga đang tăng cường sử dụng, được xem là “vũ khí không thể thiếu”. Tính đến tháng 4 năm nay, Ukraine chỉ có 7 hệ thống hoạt động, so với con số 25 mà ông Zelenskyy kêu gọi.
Ngoài ra, các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine cũng dựa nhiều vào dữ liệu vệ tinh Mỹ. Giới phân tích cho rằng nếu Mỹ ngừng chia sẻ thông tin, châu Âu không thể hoàn toàn thay thế.