Tham gia lắp đặt và đưa vào sử dụng hàng nghìn công trình lớn nhỏ thuộc các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, văn hoá, quốc phòng… Thương hiệu LILAMA đã và đang được khẳng định một cách vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước, màu áo xanh LILAMA đã tràn ngập trên hầu hết các công trình trọng điểm có tầm cỡ quốc gia, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Năm 2005 LILAMA đã vinh dự đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới. Ngày 1/12/2010, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Lắp máy Việt Nam, LILAMA lại tiếp tục vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập, một phần thưởng hết sức tự hào.
Những ngày đầu gian khó
Ngày 01/12/1960 Công ty Lắp máy được ra đời từ ba công trường Lắp máy lớn nhất ở miền Bắc lúc đó là Công trường Lắp máy Hà Nội, Công trường Lắp máy Hải Phòng và Công trường Lắp máy Việt Trì. Ðược hợp nhất lại với vẻn vẹn 591 cán bộ công nhân viên, trong đó chỉ có 2 kỹ sư cơ khí và 8 kỹ thuật viên lắp máy với phương tiện thi công thô sơ, thiết bị lạc hậu, nhưng ngay từ những bước chập chững ban đầu, bàn tay những người thợ lắp máy đã thực hiện lắp đặt thành công nhiều công trình công nghiệp, dân dụng và quốc phòng quan trọng như: Thủy điện Thác Bà, thủy điện Cao Bằng, nhiệt điện Hàm Rồng, nhiệt điện Lào Cai, nhiệt điện Việt Trì, nhiệt điện Ninh Bình, nhiệt điện Uông Bí, Khu công nghiệp Việt trì, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy đường Vạn Ðiểm 2, Nhà máy Suppe phốt phát Lâm Thao, Nhà máy cơ khí Cẩm Phả, Nhà máy Dệt 8/3, Nhà máy xi măng Hải Phòng mở rộng...
Ngày đầu thành lập với đội ngũ trí thức non trẻ nhưng toàn thể cán bộ công nhân viên Lắp máy đã ra sức học tập, tự đào tạo lực lượng, tiếp thu khoa học kỹ thuật từ các Chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Liên tục mở các lớp đào tạo công nhân lành nghề về hàn, gò, lắp máy, lắp điện, sắt hình, nguội, ống, công nghiệp, dân dụng. Hiện nay, toàn ngành LILAMA có hai Trường Cao đẳng nghề tại Ninh Bình và Long Thành - Ðồng Nai đã đào tạo hàng vạn công nhân và cán bộ kỹ thuật các nghề cung cấp cho ngành và xã hội.
Ðồng hành với cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, vì chủ nghĩa xã hội”, “Giặc đến là đánh, giặc đi lại lắp máy”, toàn ngành Lắp máy đã không quản hy sinh gian khó ra sức chi viện cho chiến trường Miền Nam cả về vật chất lẫn tinh thần và hoàn thành bàn giao nhiều công trình lớn phục vụ quốc phòng cũng như củng cố hậu phương vững chắc như xây dựng các Sân bay, các Hệ thống điện cao thế, Cột điện vượt sông Hồng, sông Cấm, sông Thương; tham gia lắp đặt và phục hồi các cơ sở kinh tế bị phá hoại như cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, cầu Long Biên, Ðài nước Vĩnh Linh, Cột cờ phía Bắc cầu Hiền Lương,... Ðặc biệt đã sản xuất được 40 con tàu không số và 03 tàu phá ngư lôi phục vụ đắc lực cho việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam và phá ngư lôi ở cảng Hải Phòng.
Ngày 11/10/1979, Công ty Lắp máy chuyển sang hoạt động theo mô hình “Liên hiệp các xí nghiệp Lắp máy” trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến người công nhân quen sản xuất theo phương thức kế hoạch hóa tập trung. Tại một số xí nghiệp, công nhân thiếu việc làm, cuộc sống khó khăn. Trước tình hình đó, Liên hiệp các xí nghiệp Lắp máy đã tìm mọi biện pháp để thích nghi, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, cán bộ với phong cách làm việc mới phù hợp với tình hình thực tế. Vượt qua mọi khó khăn trở ngại, khuyến khích các đơn vị thành viên không ngừng nâng cao ý thức tự chủ, năng động mở rộng các hình thức kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn liền với thị trường, tận dụng năng lực sẵn có, từng bước thoát khỏi cách làm ăn theo cơ chế quan liêu bao cấp bảo toàn lực lượng và đưa Liên hiệp phát triển mạnh và ổn định. Những công trình, nhà máy mới lần lượt hoàn thành tiếp thêm sức mạnh cho những người thợ Lắp máy như: Nhà máy thủy điện Hòa Bình-công trình thế kỷ lớn nhất Ðông Nam Á, thủy điện Vĩnh Sơn, thủy điện An Ðiềm, thủy điện Trị An, thủy điện Yaly, nhiệt điện Phả Lại, nhiệt điện Phú Mỹ, xi măng Bỉm Sơn, xi măng Hoàng Thạch, nhà máy Giấy Bãi Bằng, Trạm phát sóng Tam Ðảo, Ba Vì. Ở nước ngoài, chúng ta đã tham gia thi công nhiều công trình có quy mô lớn như Trường đại học Oran ở Angiêri, Nhà máy nhiệt điện ở Bungari, Liên Bang Nga, các công trình ở IRắc, Libi...
Sự vững mạnh của một thương hiệu
Qua 50 năm, có thể nói, những người thợ lắp máy Việt Nam đã tự xây dựng được cho mình thương hiệu Lilama- đơn vị lắp máy hàng đầu Việt Nam, được đối tác trong và ngoài nước biết đến. Từ thời kỳ đầu non trẻ (năm 1960 - 1964), cho tới những năm tháng cả đất nước đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh (1965-1975), Lilama đã là một thương hiệu được lựa chọn để góp mặt vào những công trình trọng điểm như Nhà máy điện Uông Bí, nhà máy đường Vạn Ðiểm, nhà máy điện Vinh (Nghệ An), Ðiện Hàm Rồng Thanh Hoá, Việt Trì, Phú Thọ, điện Lào Cai, Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, nhà máy thuỷ điện Thác Bà, nhiệt điện Uông Bí, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, nhà máy thuỷ điện Thác Bà, cơ khí Cẩm Phả, cơ khí Hà Nội… Càng về sau, trong thời kỳ đất nước hoà bình, đổi mới, phát triển, những công trình trọng điểm mang đậm dấu ấn Lilama ngày càng nhiều: Công trình Nhà máy Nhiệt điện chạy khí Cà Mau 1 & 2; Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1& 2; Công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Xi măng Thăng Long; Nhà máy Nhiệt điện đốt than Vũng Áng 1; Nhà máy Xi măng Sông Thao.
LILAMA là doanh nghiệp đầu tiên của ngành Xây dựng và cũng là doanh nghiệp đi tiên phong trong cả nước, được Chính phủ giao trọng trách làm Tổng thầu trọn gói các Dự án lớn, từ công tác Tư vấn thiết kế đến Cung cấp vật tư, thiết bị và Tổ chức xây dựng Dự án, Chạy thử bàn giao, bảo hành công trình, đánh dấu sự thay đổi về chất của một nhà thầu xây lắp, từ vai trò làm thầu phụ cho các Tập đoàn nước ngoài trở thành Nhà thầu chính. Thành công trong vai trò Tổng thầu EPC một số Dự án đã giúp LILAMA có đủ điều kiện củng cố vững chắc năng lực sản xuất của các Nhà máy cơ khí, đầu tư tăng năng lực thi công, tăng năng lực gia công, chế tạo thiết bị, quản lý dự án đảm bảo mục tiêu nâng cao tỷ trọng nội địa hoá các sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước. Ðội ngũ cán bộ CNV ngành Lắp máy đã tăng thêm cả về số lượng và chất lượng với hơn 25.000 người cùng với bề dày kinh nghiệm được đúc kết qua các công trình trọng điểm Quốc gia. Thành công tiếp nối thành công, Dự án Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trach 2, Vũng Áng 1, Xi măng Sông Thao, Xi măng Ðô Lương với tổng giá trị hợp đồng gần 5 tỷ USD tiếp tục được LILAMA đảm nhận vai trò Tổng thầu EPC, điều này không những đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể mà còn góp phần tăng trưởng GDP, giảm tỷ trọng nhập siêu của đất nước.
Có thể nói, trải qua chặng đường hình thành và phát triển tròn nửa thế kỷ, LILAMA đã xây dựng được cho mình thương hiệu mạnh, có bản sắc riêng không chỉ tại thị trường trong nước mà vươn ra ngoài thế giới, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khẳng định vững chắc đơn vị dẫn đầu trong ngành cơ khí chế tạo và thi công các dự án lớn trong nước cũng như vươn ra thi công tại nước ngoài. Nhiều Công ty, Tập đoàn lớn của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Mỹ, Ðức Anh, Pháp, Nga, Ðan Mạch, Tây Ban Nha, Singapore, Newzealand, Canada, Venezuela... đã tìm đến LILAMA như một địa chỉ tin tưởng để hợp tác kinh doanh, đặc biệt là trong liên doanh đấu thầu, nhận thầu các công trình theo hình thức Tổng thầu EPC, xuất nhập khẩu thiết bị, thành lập các Công ty trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, quản lý Dự án. Tháng 9/2010 vừa qua, lãnh đạo LILAMA đại diện quốc gia Việt Nam đến thăm và làm việc với Chính phủ nước Cộng hòa Venezuela để hợp tác đầu tư, thi công xây dựng các Nhà máy lọc hóa dầu tại quốc gia giầu tài nguyên này, đây là một hướng phát triển mới, tạo ra thị trường rộng lớn về việc làm, tăng năng lực cạnh tranh, uy tín quốc tế và tích lũy tài chính trong thời kỳ phát triển tiếp theo.
Qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể CBCNV Lilama đã đạt được những thành tích to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Ðảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Huân chương Ðộc lập hạng nhì, Huân chương Ðộc lập hạng ba, Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể và cá nhân khác. Ðặc biệt, đến nay Lilama đã có 8 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Hoàng Hà