Lộ lọt dữ liệu cá nhân đang là vấn đề rất bức xúc và 'nóng hổi'
(CLO) Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có quy định rõ ràng và chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với những trường hợp thu thập, xâm hại trái phép dữ liệu cá nhân.
Ngày 12/5, thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, lộ lọt dữ liệu cá nhân đang là vấn đề rất bức xúc và “nóng hổi” vì dữ liệu cá nhân bị xâm hại, lợi dụng.
“Vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng đối với chúng ta là vô cùng khó”, ông Quản Minh Cường nói.
.jpg)
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong môi trường số, do đó, việc làm thế nào để bảo vệ được dữ liệu cá nhân liên quan đến bí mật đời tư, kinh tế, tài chính... là rất quan trọng. Đặc biệt, khi luật hóa thì những trường hợp bị lộ lọt, bị lợi dụng, sử dụng với mục đích khác thì xử lý thế nào?
Đại biểu Quốc hội Quản Minh Cường dẫn chứng việc đi siêu thị, khi mua hàng bị yêu cầu phải đọc số điện thoại; khi đi máy bay, trên vé cũng có số điện thoại, vừa xuống đến cửa đã có người gọi điện có đi taxi về không?...
Theo đại biểu Quản Minh Cường, hiện nay, việc lộ lọt thông tin rất nhiều. Theo đó, chỉ cần vô tình xem, chạm vào một quảng cáo nào đó về mua bán nhà thì ngay ngày hôm đó có cả chục cuộc điện thoại gọi đến giới thiệu dự án.
“Đây là một hình thức lộ lọt thông tin. Do đó, cơ quan chức năng cần làm thế nào để công dân được đảm bảo dữ liệu cá nhân”, ông Quản Minh Cường nêu vấn đề.
Cũng tham gia đóng góp ý kiến tại tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho biết: Hiện nay, nhiều đối tượng vào các trang mạng xã hội của các cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội để lấy thông tin, khai thác các dữ liệu cá nhân mà chủ thể đã đăng rồi biên tập, cắt ghép. Sau đó, các đối tượng này lại đăng tải trên mạng xã hội của mình nhằm tăng lượt xem, tương tác, bình luận, gây hậu quả nghiêm trọng cho chủ thể dữ liệu.
.jpg)
Vì vậy, nữ đại biểu Quốc hội kiến nghị bổ sung hành vi “thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, gây hậu quả nghiêm trọng” vào hành vi nghiêm cấm, qua đó, tội phạm hóa với hành vi này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị, bổ sung quy định về các hành vi tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là đối với hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân. Bởi, hiện nay, tội phạm này ngày càng trở nên phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định tội phạm trong lĩnh vực này.