Lỗ triền miên, sẽ ra sao nếu Ví điện tử Momo không còn tiền để "đốt"
(CLO) Momo vừa hoàn tất vòng huy động vốn thứ tư, với quy mô ước tính có thể vượt qua 100 triệu USD. Con số này được xem là thành công trong bối cảnh Covid-19, nhưng ở khía cạnh ngược lại, điều này càng cho thấy sự "khát vốn" của ví điện tử đứng đầu thị trường này.
"Đốt tiền" lấy thị phần
Ra mắt cách đây 10 năm, Momo là ví điện tử được quản lý và vận hành bởi Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service).
Sau thời gian đầu tập trung phát triển hệ thống và sản phẩm, khoảng 4 năm gần đây, Momo lấy khách hàng làm mục tiêu trọng tâm. Chiến lược "đốt tiền" như các nền tảng thương mại điện tử như khuyến mãi rầm rộ, hoàn tiền hay tặng tiền cho những người giới thiệu khách hàng mới giúp thị phần của Momo gia tăng nhanh chóng. Kết quả là năm 2016, ví điện tử này cán mốc 1 triệu khách hàng đầu tiên và đến năm 2020, con số này gấp hơn 20 lần, với quy mô khách hàng lên tới 23 triệu.
Trong bối cảnh thị trường trở nên chật chội với hàng chục ví điện tử đang hoạt động, con số hàng chục triệu khách hàng của Momo được xem là một thành công lớn.
Nhưng ngược lại, sự đánh đổi là các khoản chi phí để lôi kéo khách hàng khiến ví này mỗi năm chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Hai năm 2016 và 2017, công ty này báo lỗ lần lượt là 146,8 tỷ đồng và 242,7 tỷ đồng. Khoản lỗ ngày càng tăng trong 2 năm gần đây, với mức lỗ 853,9 tỷ đồng năm 2019, cao gần gấp đôi so với năm trước. Nếu tính chi phí trên mỗi người dùng thì cứ 1 tài khoản khách hàng đăng ký trên Momo thì M_Service sẽ chịu lỗ 40.000 đồng.

Tuy nhiên, việc thu hút khách hàng mới chỉ là một phần của bức tranh. Điều quan trọng với các ví điện tử là giữ chân khách hàng ở lại sau khi đã bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để leo kéo. Với riêng Momo, nhiều chuyên gia cho rằng điều này là không dễ dàng.
Gần đây, ngoài những hoạt động thông thường, Momo giới thiệu nhiều tiện ích mới, các trò chơi gia tăng sự tương tác, các chương trình hotdeal, đồng thời ví này cũng mở rộng liên kết với nhiều đơn vị cung cấp, tăng số điểm thanh toán. Các giải pháp này giữ chân khách hàng sử dụng Momo nhiều hơn. Nhưng ví này vẫn tồn tại một điểm yếu khó thay đổi là không gắn với một nền tảng mang tính độc quyền nào khác, điểm khác biệt so với VinID gắn với hệ sinh thái của Vingroup, hay ví Moca sử dụng thanh toán cho dịch vụ Grab.
Điều này khiến Momo không có sự khác biệt. Nói cách khác, nếu các đối thủ mới xuất hiện hoặc các đối thủ hiện tại cũng cung cấp các dịch vụ tương tự Momo, đồng thời khuyến mãi mạnh tay hơn, điều gì sẽ giữ chân khách hàng với ví điện tử này. Cuộc đua đốt tiền không bao giờ là bền vững khi Momo không có bản sắc riêng trên thị trường.
Vấn đề này không chỉ là bài toán cho ban lãnh đạo Momo, mà cũng là vấn đề mà những chủ sở hữu thực sự của ví này cần xem xét. Đặc biệt khi sở hữu chi phối Momo hiện tại không còn là những người sáng lập.
Vốn nước ngoài chi phối Momo
Với một ví điện tử đi lên từ startup không có doanh nghiệp hay ngân hàng lớn nào "chống lưng", việc huy động vốn đều đặn trở thành yếu tố sống còn với Momo. Liên tục từ giai đoạn 2014 khi bắt đầu mở rộng, nguồn vốn từ các quỹ ngoại trở thành nguồn lực chính để Momo "đốt". Điều này đẩy sở hữu nước ngoài tại ví này lên con số cao kỷ lục trên thị trường.
Cuối năm 2017, quy mô vốn điều lệ của M_Service ở mức 69,46 tỷ đồng, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nâng lên mức 43,55%.
Tới tháng 11/2018, M_Service tăng vốn lên 118,36 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận bước ngoặt đáng chú ý trong cơ cấu sở hữu. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài vượt lên nắm giữ 65,71% cổ phần, chiếm tỷ lệ chi phối tại đơn vị quản lý ví điện tử MoMo.
Có 7 nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: Valence Private Investment Limited (4%), SCPE (16,97%), Private Opportunities (LUX) S.A.R.L (11,41%), Global Long Short Partners Holdings Offshore Luxembourg S.A.R.L (4,01%), Ganymede Holdings B.V (4,73%), E-Mobile VN Investment SIB.V (24,17%) và Jonathan Charles Eames (0,42%).
Tới tháng 8/2020, M_Service tăng vốn điều lệ lên mức 130,629 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 66,49% vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiện cơ cấu cổ đông công ty này không được tiết lộ.
Trong đợt huy động vốn mới công bố, những đối tác rót vốn cho Momo tiếp tục là các quỹ nước ngoài, khiến tỷ lệ vốn ngoại trong cơ cấu cổ đông của Momo có thể tiến tới con số 70%.