Lộ trình một số trường hợp trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) lên tới 10 năm là rất dài
(CLO) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), lộ trình thực hiện một số trường hợp là cần thiết nhưng lộ trình lên tới 10 năm là rất dài; sẽ giảm tính thời sự và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Cần quy định cụ thể hơn về Hội đồng y khoa quốc gia
Sáng 14/12, tại phiên họp thứ 18 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, thống nhất chưa thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp này để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành y tế.
Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã tích cực, chủ động họp bàn, thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu chỉnh lý gồm 12 Chương, 123 Điều.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận sáng 14/12.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên UBTVQH cho ý kiến về một số nội dung như quy định đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hành nghề… cùng các vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đặc biệt, cần cho ý kiến về việc dự án Luật có đủ điều kiện trình xin ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 hay không.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao và thống nhất với nhiều nội dung chỉnh lý của dự thảo Luật.
Theo Chủ nhiệm UBPL, dự thảo Luật quy định rất cụ thể về điều kiện cấp phép hành nghề, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, cũng như thu hồi giấy phép.
Liên quan đến quy định về Hội đồng y khoa quốc gia quy định tại Điều 24, Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thống nhất cần quy định về Hội đồng y khoa học quốc gia ở trong luật. Đây cũng là nội dung để thể chế hóa chủ trương của Đảng được xác định trong Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong Báo cáo giải trình của Thường trực Ủy ban Xã hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cũng khẳng định đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có hoạt động trong thực tiễn. Điều 24 của dự thảo Luật quy định khái quát, xác định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Các đại biểu dự phiên họp.
Chủ nhiệm UBPL cho rằng, nếu quy định như dự thảo chưa rõ về địa vị pháp lý, trực thuộc ai, quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về y tế như thế nào. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để quy định cụ thể hơn, làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết.
Lộ trình lên tới 10 năm là quá dài
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định lộ trình thực hiện Hội đồng Y khoa quốc gia là 5 năm (bắt đầu từ ngày 1/1/2029) để đủ thời gian xây dựng năng lực hoạt động và tổ chức bộ máy, điều kiện đảm bảo cho Hội đồng Y khoa quốc gia… Chủ nhiệm UBPL cho rằng, lý do này không thỏa đáng, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về quy định Hội đồng Y khoa quốc gia và cân nhắc thêm lộ trình hợp lý, đủ thời gian để Hội đồng Y khoa quốc gia đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng đồng tình quy định về phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. Sau Kỳ họp thứ 4, dự thảo đã quy định cụ thể hơn về nguyên tắc phân cấp chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn và cũng rất quan trọng khi chuyển đổi từ phân tuyến theo 4 cấp như hiện nay sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.
Chủ nhiệm UBPL cho rằng, quy định như dự thảo chưa đầy đủ cơ sở để giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn, quy định đầy đủ hơn tiêu chí, điều kiện, các yêu cầu bảo đảm khác đối với từng cấp chuyên môn kỹ thuật, làm căn cứ để đánh giá các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, cũng như y tế tư nhân vào từng cấp chuyên môn kỹ thuật tương ứng.
Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng góp ý về quy định liên quan đến hiệu lực thi hành luật. Dự thảo Luật quy định lộ trình để thực hiện một số những quy định trong dự thảo. Đại biểu khẳng định, lộ trình thực hiện trong một số trường hợp cần thiết nhưng lộ trình lên tới 10 năm là khoảng thời gian rất dài. Đề nghị cân nhắc kỹ hơn về lộ trình, nếu có quy định lộ trình thì cũng chỉ khoảng 3 năm, nếu quy định lộ trình dài sẽ giảm tính thời sự và không đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cần tăng cường và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, qua rà soát dự thảo luật còn tới 41 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết; một số nội dung giao cho Bộ Y tế, cho thấy tính cụ thể hóa, tính chi tiết để thực thi luật ngay sau khi có hiệu lực cũng cần phải nghiên cứu thêm.