Loạt bất cập tại dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng
(CLO) Bộ Xây dựng vừa chỉ ra một loạt bất cập liên quan đến dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Thời gian dự kiến tiến độ thi công xây dựng quá dài
Dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nằm trên địa bàn hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà.
Dự án được đầu tư góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải giữa huyện Khánh Sơn với các địa phương khác, phá thế độc đạo do hiện nay chỉ có một tuyến đường (ĐT.656) đi vào trung tâm huyện nhưng dễ bị sạt lở trong mùa mưa bão, góp phần tăng cường an ninh, quốc phòng giữa các vùng phòng thủ trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Cùng với đó, dự án góp phần phát triển tiềm năng du lịch thác Yang Bay, thác Tà Gụ.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 56,9km (trong đó: đoạn qua huyện Khánh Vĩnh dài khoảng 29,3km; đoạn qua huyện Khánh Sơn dài khoảng 27,6km). Hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện từ năm 2022.

Chiều rộng mặt đường trong sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được tính toán với quy mô chưa phù hợp với thiết kế sơ bộ. (Ảnh minh họa)
Ngày 6/10/2022, Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 7108/BKHĐT-GSTĐĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xin ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Mới đây, Bộ Xây dựng chính thức có văn bản hồi âm gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, chủ đầu tư làm rõ và thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tuyến đường; đồng thời có đánh giá về khả năng việc nâng cấp từ đường cấp IV lên đường cấp III trong tương lai.
Chiều dài tuyến dường khoảng 56,9km trong đó khoảng 26,9km là cải tạo, sửa chữa, điều kiện địa hình tuyến đi qua vùng đồng bằng và đồi thấp, khoảng 30km là vùng núi, địa hình khó khăn. Tuy nhiên, dự kiến tiến độ thi công xây dựng từ quý 1/2024 và hoàn thành năm 2027, thời gian thi công khoảng hơn 3 năm là dài. Bộ Xây dựng đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu, tính toán để rút ngắn thời gian, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Văn bản của Bộ Xây dựng cho thấy: “Thuyết minh phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa làm rõ về phạm vi GPMB, phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, diện tích rừng cần chuyển đổi. Đề nghị làm rõ hơn về nội dung này và làm rõ phương án trồng rừng thay thế…
Trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thuyết minh, làm rõ cơ sở tính toán đối với diện tích đất, khối lượng nhà, tài sản trên đất, đơn giá, mức chi phi áp dụng và các chế độ chính sách có liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, tái định cư. Đề nghị làm rõ cơ sở xác định diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án, loại tài sản trên đất, bổ sung căn cứ, thuyết minh tính toán theo từng loại đất, tài sản trên đất tại các khu vực, địa phương thực hiện dự án phù hợp với thời điểm tính toán, quy định pháp luật về đất đai và các pháp luật có liên quan”.
UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ
Đề cập tới chi phí dự phòng, chi phí đầu tư, chi phí thiết bị và khối lượng công tác xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Việc tách riêng chi phí dự phòng của cả dự án và chi phí dự phòng cho công tác bồi thường, GPMB, tái định cư là chưa phù hợp với quy định.
Chiều rộng mặt đường trong sơ bộ tổng mức đầu tư được tính toán với quy mô chưa phù hợp với thiết kế sơ bộ. Đề nghị rà soát, hoàn thiện đảm bảo phù hợp với thiết kế sơ bộ của dự án.
Khối lượng công tác xây dựng được xác định trên cơ sở ước tính theo thiết kế sơ bộ, tuy nhiên chưa có thuyết minh, cơ sở tính toán, tổng hợp khối lượng công tác xây dựng của dự án. Đề nghị bổ sung, làm rõ, đảm bảo theo đúng nội dung, quy mô đầu tư của dự án.
Chi phí thiết bị là một khoản mục chi phí thuộc sơ bộ tổng mức đầu tư, tuy nhiên trong sơ bộ tổng mức đầu tư chưa xác định giá trị đối với khoản mục chi phi thiết bị. Đề nghị làm rõ, rà soát tính toán theo thiết kế sơ bộ, đảm bảo phù hợp với nội dung, quy mô, nhu cầu đầu tư của dự án, tránh trùng lắp chi phí tư vấn và chi phí khác”.
Theo thuyết minh sơ bộ tổng mức đầu tư, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác được xác định với tỷ lệ là 6,5% của chi phí xây dựng và chi phí thiết bị. Các chi phí này được xác định trên cơ sở giá trị hợp đồng, định mức tỷ lệ phần trăm (%) đối với một số chi phí tư vấn, chi phí khác theo quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 hoặc tạm tính để dự trù kinh phí. Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa: “bổ sung thông tin về hợp đồng; Chuẩn xác lại chi phí tính theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) phù hợp với giá trị xây dựng, thiết bị sau khi hoàn thiện tính toán; rà soát, đánh giá về nội dung, danh mục các chi phí thuộc khoản mục chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác theo đúng quy định”.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa: Rà soát, hoàn thiện sơ bộ tổng mức đầu tư dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tính chính xác, đúng đắn của số liệu tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và bổ sung các tài liệu, số liệu công trình tương tự đã hoặc đang thực hiện được tham khảo làm cơ sở tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư (nếu có). Trong sơ bộ tổng mức đầu tư chưa có thông tin cá nhân chủ trì lập sơ bộ tổng mức đầu tư, hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân lập sơ bộ tổng mức đầu tư. Đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ năng lực, thông tin và ký đóng dấu theo đúng quy định.
Theo yêu cầu tiến độ của dự án, hồ sơ thiết kế sơ bộ, dự tính sơ bộ tổng mức đầu tư ở mức độ dự báo. Do vậy, việc triển khai thiết kế ở bước tiếp theo của dự án, các đơn vị có liên quan phải tiến hành khảo sát, đánh giá, thuyết minh tính toán thiết kế đầy đủ theo quy định, làm cơ sở xác định khối lượng, đơn giá, các chi phí có liên quan để xác định tổng mức đầu tư đảm bảo tính đúng, tính đủ, nâng cao hiệu quả dự án, không thất thoát vốn Nhà nước - Bộ Xây dựng cho biết.