Loạt nhà cung cấp nhiên liệu Châu Á tranh thủ gửi “mọi thứ” đến Châu Âu
(CLO) Các nhà bán nhiên liệu châu Á tăng xuất khẩu nhiều lô hàng dầu diesel đến châu Âu, xoa dịu khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trầm trọng.
Lượng tồn kho dầu diesel toàn cầu đã giảm mạnh kể từ khi nhu cầu tăng trở lại trong hai năm qua, phần lớn là do công suất nhà máy lọc dầu giảm trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, cuộc đình công của công nhân nhà máy lọc dầu ở Pháp chắc chắn sẽ làm gia tăng các vấn đề về nguồn cung dầu diesel, làm suy giảm nguồn cung cấp nhiên liệu cho giao thông và nông nghiệp.

Ảnh minh hoạ: Oilprice.
Một thương nhân giấu tên chia sẻ với Reuters trong tuần này: “Phía đông Suez đang gửi tất cả những gì họ có thể vận chuyển… vấn đề là Trung Quốc xuất khẩu bao nhiêu trong tháng 11”. Cơ quan này trích dẫn dữ liệu theo dõi cho thấy lượng dầu diesel tải từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến Tây Bắc châu Âu trong tháng này có thể đạt 289.000 tấn, tăng 151.500 tấn so với mức 137.500 tấn trong tháng Chín.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt không chỉ giới hạn ở châu Âu. Trên thực tế, một trong những nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất của châu Âu hiện đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Theo một báo cáo khác của Reuters, từ đầu tuần này, ít nhất hai chuyến hàng nhiên liệu diesel và nhiên liệu máy bay ban đầu dự kiến đến châu Âu đã được chuyển hướng đến Mỹ.
Dự trữ nhiên liệu chưng cáy ở Hoa Kỳ đang ở mức thấp hàng thập kỷ và các nhà máy lọc dầu không tăng cường sản xuất theo bất kỳ cách nào đang làm trầm trọng thêm tình hình.
Trong khi đó, Ấn Độ và các nước Trung Đông cũng đang gửi nhiều sản phẩm chưng cất hơn đến châu Âu. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Tây Bắc châu Âu trong tháng này đạt 480.000 tấn, theo dữ liệu của Refinitiv được Reuters trích dẫn. Xuất khẩu của Trung Đông được tính là 834.000 tấn. Cả hai con số đều tăng đáng kể so với tỷ lệ xuất khẩu của tháng Chín.
Theo những người trong ngành, khối lượng có thể sẽ tăng hơn nữa trong tháng 11. Reuters dẫn nguồn tin thương mại của họ cho biết các lô hàng từ phía đông Suez có thể đạt 3 triệu tấn vào tháng tới, với các nhà sản xuất Trung Đông chiếm khoảng 2/3 trong tổng số này.
Lê Na (Theo Oilprice)