Lợi nhuận tăng 21%, Gemadept (GMD) vẫn phải huy động thêm 3.000 tỷ đồng
(CLO) Dù kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận sau thuế tăng 21%, CTCP Gemadept (Mã: GMD) vẫn phải huy động thêm 3.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu để đầu tư vào Cảng Nam Đình Vũ.
Gemadept (GMD) lợi nhuận tăng trưởng 21%
CTCP Gemadept (GMD) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3/2024. Doanh thu đạt 1.264,1 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm trước. Lợi nhuận gộp cũng tăng 25,1%, đạt 581,3 tỷ đồng, nhờ hiệu quả hoạt động khai thác cảng và logistics. Biên lợi nhuận gộp đạt 46%.
Đáng chú ý trong kỳ phần lãi từ các công ty liên doanh, liên kết tăng vọt 324,7%, lên 221,8 tỷ đồng, đã đóng góp đáng kể vào tổng lợi nhuận.

Lợi nhuận tăng trưởng, Gemadept (GMD) vẫn huy động thêm 3.000 tỷ để đầu tư vào cảng Nam Đình Vũ (Ảnh TL)
Bài liên quan
Gemadept (GMD) lãi Quý 3 tăng 26,7% nhờ đầu tư công ty liên kết
Gemadept (GMD) chuẩn bị khởi công cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3
Cổ đông lớn Gemadept (GMD) thoái vốn khi lãi Quý 2 sụt giảm 77%
Tuy nhiên, một số chi phí như bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 78,7%, đạt 182,1 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm tới 85,9%, chỉ còn 4,6 tỷ đồng, do sự sụt giảm từ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Kết quả, Gemadept ghi nhận lãi sau thuế 448,4 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Gemadept đạt 3.420,55 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 1.549,46 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 1.728,38 tỷ đồng, vượt 102,5% so với kế hoạch cả năm 2024 là 1.686 tỷ đồng.
Với mục tiêu doanh thu năm 2024 là 4.000 tỷ đồng, Gemadept đã hoàn thành hơn 85% chỉ tiêu chỉ sau 9 tháng.
Gemadept huy động gần 3.000 tỷ đồng góp vốn vào Cảng Nam Đình Vũ
Gemadept là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics tại Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2024, dù kết quả kinh doanh vô cùng tích cực, Gemadept vẫn phải huy động thêm gần 3.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu.
Cụ thể, trong đợt phát hành cổ phiếu từ ngày 31/10 đến ngày 21/11/2024, Gemadept đã chào bán thành công 102.698.366 cổ phiếu với mức giá 29.000 đồng/cổ phiếu, huy động được gần 2.978,25 tỷ đồng, tương đương 99,2% lượng cổ phiếu đăng ký.
Cũng trong kế hoạch huy động vốn, Gemadept dự kiến tiếp tục chào bán thêm 797.286 cổ phiếu còn lại với giá 45.000 đồng/cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Đợt chào bán này sẽ diễn ra từ ngày 7/12 đến ngày 12/12, với Công ty Chứng khoán Agribank đăng ký mua 297.286 cổ phiếu và ông Phan Văn Tuấn dự kiến mua 500.000 cổ phiếu.
Nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng vào các mục tiêu chiến lược gồm: mua sắm tài sản cố định, trả nợ vay ngân hàng, và tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ, nơi Gemadept nắm giữ 60% vốn điều lệ.
Hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn chủ
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Gemadept (mã GMD) đạt 14.366 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với đầu năm. Phần lớn tài sản của công ty nằm ở các tài sản cố định phục vụ hoạt động khai thác cảng và logistics.
Đáng chú ý, khoản đầu tư vào các công ty liên doanh và liên kết đạt 3.462 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% tổng tài sản. Cho thấy một lượng lớn tài sản đang nằm dưới dạng các khoản đầu tư vào công ty liên kết cùng ngành.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Gemadept tại cuối quý 3 đạt 1.768 tỷ đồng, tương đương hơn 12% tổng tài sản, cho thấy lượng thanh khoản tương đối tốt của đơn vị. Lượng tiền mặt này đã đóng góp 41 tỷ đồng tiền lãi cho Gemadept ngay trong 9 tháng đầu năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của công ty tính đến cuối quý 3 đạt 1.929 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chiếm khoảng 13% tổng nguồn vốn. Điều này cho thấy công ty không tận dụng nhiều lợi thế từ đòn bẩy tài chính Phần lớn nợ vay đến từ các khoản vay dài hạn tại các ngân hàng.
Vốn chủ sở hữu của Gemadept đạt 10.528 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm 3.387 tỷ đồng cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy đơn vị đang tích luỹ lợi nhuận tương đối lớn.