Kinh doanh - Tài chính

Lợi nhuận VPS quý II/2025 tăng mạnh nhờ tự doanh, mảng môi giới bị thu hẹp thị phần

Thúy Lê 20/07/2025 11:06

(CLO) Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với nhiều biến động đáng chú ý trong cơ cấu doanh thu và tài sản.

Môi giới giảm tốc, các mảng khác giữ nhịp tăng trưởng

Doanh thu từ hoạt động môi giới đạt 748 tỷ đồng, giảm 16% so với quý II/2024 – phản ánh xu hướng thu hẹp thị phần trên thị trường. Tính đến cuối quý, VPS còn nắm 15,37% thị phần trên HoSE, giảm gần 3 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự tại HNX, thị phần của công ty này là 18,82%, giảm 0,27% so với quý I/2025 và 5,38% so với quý II/2024. Còn tại UPCoM, thị phần của VPS chỉ còn 16,57%, giảm tới 4,65% so với quý I/2025 và 11,59% so với quý II/2024.

Ngược lại, các mảng chủ lực khác tiếp tục tăng trưởng tốt. Hoạt động cho vay ghi nhận 530 tỷ đồng doanh thu, tăng 16%; lãi từ đầu tư FVTPL đạt 259 tỷ đồng, tăng 9%; lãi từ tài sản nắm giữ đến đáo hạn (HTM) tăng gấp đôi, lên 145 tỷ đồng.

avatar1711337292422-17113372927721757571393.webp
Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (Ảnh minh họa)

Chi phí hoạt động trong kỳ được tiết giảm đáng kể, giảm 21% còn 669 tỷ đồng. Nhờ đó, dù doanh thu môi giới đi xuống, lợi nhuận thuần mảng này vẫn tăng 9%, đạt hơn 124 tỷ đồng. Tương tự, chi phí tự doanh giảm sâu 38%, giúp lãi thuần mảng này đạt 228 tỷ đồng, tăng 16%.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VPS trong quý II/2025 đạt 878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 702 tỷ đồng – cùng tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tái cơ cấu danh mục tài sản, dồn lực vào margin và trái phiếu

Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPS ghi nhận 3.192 tỷ đồng doanh thu hoạt động (giảm 3%), nhưng nhờ tối ưu chi phí, công ty vẫn đạt 1.797 tỷ đồng lãi trước thuế và gần 1.438 tỷ đồng lãi sau thuế – tăng 40% so với nửa đầu năm 2024. Với kết quả này, VPS đã hoàn thành khoảng 51% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 (3.500 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của VPS đạt 32.138 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng gấp ba, từ 1.732 tỷ lên 5.154 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đạt 6.000 tỷ đồng, tăng thêm 1.200 tỷ đồng.

Đặc biệt, dư nợ cho vay tăng mạnh hơn 4.900 tỷ đồng lên 17.436 tỷ đồng, phần lớn đến từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin).

Ở chiều ngược lại, danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh từ 8.092 tỷ đồng xuống 2.499 tỷ đồng – chủ yếu do thu hẹp đầu tư công cụ thị trường, giảm từ 6.953 tỷ xuống chỉ còn 600 tỷ đồng. Trái phiếu niêm yết vẫn duy trì tỷ trọng trên 1.500 tỷ, trong khi phát sinh thêm khoản đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào trái phiếu chưa niêm yết.

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả ghi nhận 19.337 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn giảm mạnh 26%, còn trên 13.400 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng tăng tỷ trọng nợ dài hạn thông qua lô trái phiếu trị giá 5.000 tỷ đồng, phát hành ngày 3/3/2025 với kỳ hạn 24 tháng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lợi nhuận VPS quý II/2025 tăng mạnh nhờ tự doanh, mảng môi giới bị thu hẹp thị phần
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO