Lớp trưởng hay Chủ tịch: Nên có cái nhìn tích cực
Dư luận đang dậy sóng xung quanh đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thay đổi tên gọi các chức danh trong lớp học. Nhiều người cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng một chính sách thiếu thực tế và sẽ tạo ra sự tiêu cực trong môi trường học tập như “chạy chức”, “ganh ghét”, “độc đoán”...
(NB-CL) Dư luận đang dậy sóng xung quanh đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thay đổi tên gọi các chức danh trong lớp học. Nhiều người cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng một chính sách thiếu thực tế và sẽ tạo ra sự tiêu cực trong môi trường học tập như “chạy chức”, “ganh ghét”, “độc đoán”... Tuy nhiên, Góp ý về dự thảo, nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng, việc thực hiện luân phiên vai trò lớp trưởng, lớp phó và có chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh sẽ tạo cơ hội để học sinh mạnh dạn tự tin khẳng định mình hơn trong học tập.
Tên gọi không quan trọng
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố bản dự thảo Điều lệ trường Tiểu học để lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, các cá nhân. Điều 17 của dự thảo về “Lớp học, tổ học sinh, điểm trường” quy định: “Học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học”.
Mô hình hội đồng tự quản trong lớp học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sau một quá trình thử nghiệm mô hình trường học mới (VNEN) bắt đầu từ năm 2013. Vấn đề nêu trên đã được dư luận xã hội quan tâm và bàn luận với nhiều góc nhìn khác nhau liên quan đến các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản. Có tờ báo đã giật tít: “Lớp trưởng được gọi là chủ tịch!” với nhiều tầng nghĩa ẩn dụ.
Một luồng dư luận cho rằng đây là cách làm hay, giúp học sinh chủ động quyết định mọi việc và hình thành tính tự chủ, tự quản trong quá trình học tập. Cách gọi các chức danh cán sự lớp như thế sẽ không ảnh hưởng đến quá trình học tập mà còn giúp học sinh tự tin hơn, chủ động hơn như những kết quả đạt được từ mô hình thử nghiệm.
Một luồng quan điểm khác chiếm số đông lại cho rằng các thuật ngữ về chức danh này không phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học, sẽ gây căng thẳng thêm cho học sinh và tạo cho con trẻ nhiễm “thói quan chức”, “thói háo danh”... Luồng ý kiến này cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng một chính sách thiếu thực tế và sẽ tạo ra sự tiêu cực trong môi trường học tập như “chạy chức”, “ganh ghét”, “độc đoán”...
Trên thực tế, phải mất rất nhiều thời gian để đọc toàn văn dự thảo về điều lệ trường tiểu học của Bộ GD-ĐT và nhìn nhận, đánh giá nó. Đúng là cái vỏ của ngôn từ “lớp trưởng” hay “chủ tịch” không quyết định tất cả, mà vấn đề nằm ở bên trong lớp vỏ ấy. Đó là chất lượng giáo dục liệu có được nâng lên hay không? Khi các em học sinh tự ứng cử, tự bầu ra người xứng đáng lãnh đạo Hội đồng tự quản của lớp học thì đó là sự phấn đấu, sự công bằng, trách nhiệm với chính bản thân các em từ nhỏ.
Trên thực tế, Hội đồng tự quản học sinh chỉ được áp dụng ở các trường đang thử nghiệm mô hình học mới (VNEN) trong những năm qua. Mô hình này thực chất không mới mà đã được triển khai từ năm học 2012-2013 ở 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là ở các vùng khó khăn.
Theo đánh giá của Bộ GD- &ĐT, sau các năm thực hiện VNEN đã khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống, đảm bảo sự hài hòa giữa dạy chữ và dạy làm người. Mô hình chú trọng hoạt động tự giáo dục của học sinh, bao gồm: Tự quản - tự học - tự đánh giá. Kéo theo hàng loạt thay đổi về cách đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học trong thời gian qua đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong dạy và học ở cấp học này. Mô hình giáo dục VNEN đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, như Nhật Bản, Colombia... Như vậy, để đánh giá công bằng và khách quan, trước hết chúng ta nên nhìn vào những điểm tích cực của dự thảo.
Giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn
Góp ý về dự thảo, nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng, việc thực hiện luân phiên vai trò lớp trưởng, lớp phó và có chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh sẽ tạo cơ hội để học sinh mạnh dạn tự tin khẳng định mình hơn trong học tập.
Việc tham gia làm chủ tịch, học sinh được tham gia nhiều việc dân chủ hơn lớp trưởng ở mô hình trường học cũ. Bởi học sinh được trao quyền chủ động có ý kiến, đề xuất, giải quyết sự việc trong lớp học nên tăng tính tự chủ, tự tin.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, tên gọi chức danh “chủ tịch” có thể khiến người ta hiểu ý nghĩa khác đi nhưng quan trọng là cách làm. Nếu cách làm tốt, học sinh thực sự được rèn luyện kỹ năng thì không có gì đáng bàn. Ông Lâm cũng khuyên, nên luân phiên vị trí này theo kỳ hoặc năm học và phụ huynh không nên can thiệp vào việc bầu chọn chức vụ của con trẻ ở lớp học.
Theo ông Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Bắc Giang, việc lớp học có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh đã được thực hiện tại các lớp triển khai Chương trình trường học mới (VNEN). Ở những lớp này cũng đã thực hiện luân phiên vai trò chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh.
Hiện nay, chúng ta đang chuyển hướng từ dạy học theo nội dung sang phát triển năng lực người học. Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học cũng có yêu cầu tạo cơ hội cho học sinh được thể hiện mình, mạnh dạn tự tin... Việc cho học sinh luân phiên làm các vị trí quản lý lớp phù hợp với những yêu cầu này.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ đổi mới này. Tuy nhiên, cách chúng ta luân phiên như thế nào cũng cần bàn tới. Ví dụ, thời gian đầu, khi học sinh chưa quen, thời gian luân phiên có thể dài hơn, khoảng mỗi học kỳ luân phiên một lần chẳng hạn. Sau này, khi đã quen, việc luân phiên đã thành lớp, có thể rút ngắn thời gian khoảng 2 tháng một lần tùy vào tình hình thực tế của từng lớp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc luân phiên không nên quá dầy, thời gian mỗi học sinh làm vị trí quản lý quá ngắn sẽ mất đi sự ổn định cần thiết. Riêng với cách thức bầu, theo tôi, vị trí lớp trưởng, lớp phó có thể do giáo viên chỉ định hoặc do tập thể lớp tự bầu; nhưng với chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh nên để học sinh bầu, giáo viên có sự định hướng. Thông thường, hiện nay, việc cử vị trí lớp trưởng, lớp phó vẫn chủ yếu do sự chỉ định của giáo viên chủ nhiệm” - ông Giáp chia sẻ.
Bên cạnh đó, về phía nhà chức trách của ngành giáo dục, ông Phạm Ngọc Định- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học- cho biết: “Ưu điểm lớn nhất của mô hình dạy học này là tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình”.❏
Nguyên Huy
Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hợp quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015. Năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm mô hình VNEN tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk). Năm học 2012-2013 là năm học thứ 2 Bộ triển khai trên diện rộng và thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, trên cả nước có gần 2.500 trường tiểu học trên tổng số 15.000 trường thực hiện mô hình VNEN. Ngoài ra, từ năm học này, mô hình VNEN sẽ được thí điểm ở cấp trung học cơ sở tại 24 trường thuộc 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Quốc Vương, NCS giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản: Ở Việt Nam các từ “chủ tịch”, “phó chủ tịch” vốn thường chỉ được sử dụng phổ biến trong thế giới người lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng chuyện gọi “chủ tịch” hay “lớp trưởng” không quan trọng. Ban đầu dẫu lạ thì dùng mãi cũng sẽ quen. Trong trường học nước ngoài, cách gọi này rất phổ biến. Vấn đề nằm ở chỗ việc thay đổi tên gọi cùng sự ra đời của hội đồng tự quản có phát huy được mục đích phát huy quyền làm chủ, tinh thần tự giác của học sinh hay không. Chủ tịch hay hội đồng tự quản cũng sẽ không làm học sinh có ý thức dân chủ cao hơn nếu như vẫn còn tồn tại phương thức đánh giá hạnh kiểm (đạo đức) trong trường học và người giáo viên vẫn phải hằng ngày lo sợ với bao thứ từ cơm áo gạo tiền tới sổ sách, giấy tờ và những đợt thanh tra, kiểm tra từ nhiều cấp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Tôi đã đọc hết dự thảo Điều lệ mới, lẫn Điều lệ cũ và tôi thấy Dự thảo Điều lệ mới có nhiều thứ đáng hoan nghênh, nếu làm được như việc bổ sung thêm cách thức tổ chức quản lý lớp bằng hội đồng tự quản HS với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký...bên cạnh cách thức tổ chức lớp bằng ban cán sự với các chức danh lớp trưởng, lớp phó... Vấn đề nếu có không nằm ở cái tên chức danh mà nằm ở cách giáo viên tiến hành việc bầu cử, tổ chức và hỗ trợ HS điều hành các hội đồng này như thế nào kìa. Giáo viên không công bằng, chỉ định đại, không giải thích rõ nhiệm vụ các chức danh, không bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho HS...mới khiến trẻ nhận thức sai lầm về chức vụ, quyền hạn chứ tôi tin, nếu GV thực sự hiểu giá trị của mô hình này thì ko cần phải lăn tăn về 'bệnh tham quyền' của trẻ.
PGS - TS Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội: Trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học (mới) có nói "chủ tịch..." hay lớp trưởng. Như vậy, bản chất của nó là như nhau, vấn đề là tên gọi. Theo tôi,có thể gọi là "trưởng ban tự quản"thì "dễ nghe" hơn (khi đó, hội đồng tự quản sẽ được gọi là "ban tự quản"), hoặc vẫn lớp trưởng như cũ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ở chỗ khác - ban tự quản này được tổ chức và vận hành như thế nào. Nếu có thể (học sinh lớp 4, 5 chẳng hạn), nên tạo điều kiện cho cá nhân học sinh tự "tranh cử" bằng chương trình hành động của mình (ở nước ngoài người ta đã làm được), để học sinh bầu ban tự quản, thành phần nên thay đổi theo định kì (hằng tháng chẳng hạn)...
Nhà báo Hồng Minh: Từ kinh nghiệm của tôi qua những năm theo dõi mô hình trường học VNEN, tôi thấy phần lớn chỉ trích chỉ mới dựa trên câu chữ chứ chưa tìm hiểu thực tế mô hình này. Tôi thấy ở những trường học thí điểm mô hình này, từ lớp 3 đến lớp 5, học sinh trưởng thành rất nhanh. Các em có hai điều mà học sinh mô hình cũ chưa có được (hoặc có một cách hạn chế): tư duy độc lập, sáng tạo và tinh thần dân chủ. Và nếu các em thực sự mong muốn trở thành nhà lãnh đạo tương lai, cũng tốt chứ sao. Mong muốn làm lãnh đạo cũng không phải là điều xấu nếu các em hiểu rằng đứng đầu nghĩa là có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của mọi người, giúp đất nước phát triển. Trách nhiệm chính là danh dự bản thân. Chủ tịch (class president) chỉ là người đứng đầu một lớp tự quản thôi mà.
Không nhen nhóm lòng háo danh
Đó là ý kiến của ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT). Trước nhiều ý kiến không đồng tình việc “thay chức lớp trưởng bằng chủ tịch trong lớp tiểu học”, ông Phạm Ngọc Định cho biết:
Trong dự thảo điều lệ trường tiểu học, Bộ GD-ĐT không quy định cứng bỏ chức lớp trưởng, lớp phó thay bằng chức chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản đối với tất cả các trường tiểu học mà cho phép các trường tham gia mô hình trường học mới.
Việc thực hiện mô hình trường học mới được triển khai trên tinh thần tự nguyện, nơi nào tự tin thì thực hiện, nơi nào chưa tự tin toàn bộ thì có thể áp dụng từng phần của mô hình, không chạy theo phong trào, không mang tính bắt buộc trên toàn quốc.
Những nơi đã thực hiện mô hình trường học mới (áp dụng hoàn toàn hoặc một phần mô hình này) thì có thể hướng dẫn học sinh bầu hội đồng tự quản với chủ tịch, các phó chủ tịch.
Học sinh được bầu chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban không do giáo viên áp đặt mà do học sinh tự ứng cử, tập thể bình bầu luân phiên theo tháng hoặc học kỳ, năm để nhiều học sinh được tham gia hoạt động tập thể.
Các em học sinh trong hội đồng tự quản không chỉ tuân thủ các yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm một cách cứng nhắc như vai trò của lớp trưởng, lớp phó của các lớp học truyền thống mà các em có thể đề đạt lên giáo viên, lên nhà trường những ý kiến thu thập từ các bạn hoặc ý kiến cá nhân về các hoạt động của trường, của lớp, về cách thức tự quản, điều hành lớp/ban, góp ý cho các bạn.
Thầy cô giáo và phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ. Đây là cách để học sinh tự tin, năng động, có trách nhiệm với tập thể và cá nhân, biết hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.
Trên thực tế, chúng ta có thể hỏi bất cứ phụ huynh nào có con từng được học mô hình trên đều thấy không hề có chuyện “nhen nhóm lòng háo danh” như một số người đề cập. Nói như vậy là chúng ta đang áp đặt quan điểm, suy nghĩ thông thường của người lớn vào con trẻ mà không hiểu bản chất vấn đề.
Trái lại, công việc của các em trong hội đồng tự quản là những việc gần gũi với hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi của các em. Bên cạnh các em còn có thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng tham gia tư vấn, giúp đỡ.
Để các em tự quản, chủ động trong sinh hoạt, học tập cũng chính là hướng tới việc giáo dục con người mới. Nói cách khác, đó là một trong những hoạt động học tập theo định hướng mới, chứ không phải cứ bắt các em ngồi ngay ngắn, nghe thầy cô giảng bài mới là học tập.
VĨNH HÀ (Báo Tuổi trẻ)
Cân nhắc để không chệch hướng
Dự thảo mô hình trường học mới do Bộ GD-ĐT vừa đưa ra với việc thay đổi cách gọi “lớp trưởng” là “chủ tịch” đã làm “nóng” dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Có lẽ những người đưa ra ý tưởng như vậy đã đặt kỳ vọng ở một sự thay đổi có tính đột phá với mô hình “trường học mới”, được cho là có nhiều tính ưu việt, trong đó có cả việc “nho nhỏ” như cách thức tổ chức lớp học. Thế nhưng, hầu hết ý kiến không đồng tình với việc đưa mô hình “chủ tịch”, “hội đồng tự quản” vào môi trường tiểu học. Nhiều người cho rằng lứa tuổi này chưa hiểu được thế nào là “chủ tịch”, là “hội đồng”. Thậm chí, có phụ huynh lo ngại cách gọi này dễ tạo nên những ảo tưởng ở trẻ về quyền lực, gây tâm lý kiêu căng và làm mất đi sự hồn nhiên của chúng.
“Lớp trưởng” hay “chủ tịch” ở một khía cạnh chỉ là tên gọi, và nếu chỉ vì lo ngại con trẻ nhiễm thói háo danh mà bài loại thì có lẽ cũng chưa công bằng với những người có tư tưởng mới. Trong câu chuyện này, dường như người lớn chúng ta đang cố tình hiểu sai bản chất và làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Đối với các cháu học sinh tiểu học, cho dù được bầu là lớp trưởng hay chủ tịch hội đồng tự quản, các cháu chỉ cần biết đây là một nhiệm vụ được giao và phải cố gắng thực hiện tốt. Hầu hết các cháu (vì sẽ có một vài trường hợp cá biệt) không nhận thức đó là quản lý, là lãnh đạo, hay là quan chức để mà nhiễm “thói quan chức”. Các cháu chỉ nhiễm “thói quan chức” và cho rằng các chức vụ này trong lớp là “quan chức” khi người lớn cố tình nhồi nhét tư tưởng đó vào đầu các cháu như đã nói ở trên.
Làm sao con trẻ không nhiễm thói háo danh, không nhiễm thói quan chức khi người lớn cứ nhồi nhét vào đầu con trẻ rằng “chủ tịch” là quyền lực? Rằng bé tí đã là chủ tịch lớp, lớn lên hẳn là chủ tịch phường, chủ tịch quận? Rằng con tôi được bầu làm chủ tịch đấy, con chị có được như thế không? Làm sao con trẻ không nhiễm thói háo danh, không nhiễm thói quan chức khi người lớn nhồi nhét vào đầu con trẻ rằng, con phải phấn đấu để làm chủ tịch lớp? Rằng vì tương lai của con nên mẹ “xin” cô cho con làm chủ tịch lớp? Rằng con làm chủ tịch lớp là con oai hơn hẳn các bạn trong lớp? Rõ ràng rằng, nếu người lớn không nhồi nhét, gieo rắc những điều này vào đầu con trẻ thì các cháu sẽ không có ý niệm về quyền lực, về quan chức trong cái chức danh đó. Sao người lớn chúng ta không tự đặt mình ở lứa tuổi học sinh tiểu học để nhìn nhận vấn đề đó một cách đơn giản, trong sáng và hồn nhiên?
Chính người lớn chúng ta mới nhiễm thói háo danh, thói quan chức chứ không phải con trẻ. Và chính người lớn chúng ta đang làm hỏng con trẻ.
Chúng ta đang hướng tới đổi mới mô hình dạy và học. Ngành giáo dục chủ trương trao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên trong việc tổ chức chương trình dạy học. Đó là điều nên làm. Thực tế hiện nay, ở nhiều trường tư thục, nhà trường đã lấy học trò làm trung tâm trong các hoạt động, áp dụng việc luân phiên bầu lớp trưởng, nhóm trưởng theo tuần, theo tháng. Học sinh có thành thích tốt, tự tin có thể tự ứng cử, hoặc sẽ được tập thể bầu chọn. Có trường còn tổ chức cho học sinh “tranh cử” và “vận động tranh cử”. Giáo dục luôn cần đổi mới, nhưng đổi mới không phải lấy hình thức khỏa lấp nội dung. “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Đừng vì sự thôi thúc đổi mới mà vô tình lấy đi sự trong sáng trong tâm hồn các em, hoặc giả làm chệch hướng mục tiêu của giáo dục!
PV