Lũ lịch sử đổ về hồ Bản Vẽ, nhiều sự cố đê điều sau bão số 3
(CLO) Mưa lũ sau bão số 3 khiến hồ Bản Vẽ ghi nhận lưu lượng lũ vượt mức lịch sử, nhiều hồ ở Bắc Trung Bộ phải xả điều tiết. Sáu sự cố đê điều đã xảy ra tại Hà Nội, Thanh Hóa và Ninh Bình, cùng thiệt hại lớn về nhà ở, lúa và gia súc.
Sáng 23/7, Báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, khu vực Bắc Trung Bộ có 4 hồ chứa đang vận hành điều tiết qua tràn. Đáng chú ý, hồ Bản Vẽ (Nghệ An) ghi nhận lưu lượng đỉnh lũ đặc biệt lớn, lên tới 12.800 m³/s vào lúc 2h ngày 22/7, vượt mức kiểm tra 10.500 m³/s (tần suất 5.000 năm).

Tới 7h sáng 23/7, lưu lượng nước về hồ Bản Vẽ vẫn ở mức cao, đạt 7.347 m³/s, trong khi lưu lượng xả là 4.351 m³/s. Mực nước hồ đã tăng 9,3m trong vòng 20 giờ, đạt 199,50m, chỉ còn cách mực nước dâng bình thường 0,5m. Hồ đã mở cửa xả lũ từ 16h ngày 22/7, khi mực nước thượng lưu đạt 191,22m.
Hiện khu vực Bắc Bộ đến Hà Tĩnh có tổng cộng 4.487 hồ chứa, trong đó có 2 hồ quan trọng đặc biệt, 446 hồ lớn, 817 hồ vừa và 3.222 hồ nhỏ. Lượng nước trữ trong các hồ trung bình đạt khoảng 56–85% dung tích thiết kế, riêng tại Nghệ An, phần lớn hồ đã đầy nước.
Có 91 hồ đang được sửa chữa, nâng cấp tại nhiều địa phương và 5 hồ đang xây dựng mới. Trong khi đó, mưa lớn sau bão đã gây ra 6 sự cố đê điều:
Tại Hà Nội: Nứt dọc mặt đê đoạn từ K25+630-K25+680 đê hữu Cầu (cấp III), xã Đa Phúc, Hà Nội, chiều dài 20m; địa phương đã lập chốt hạn chế người, cấm phương tiện đi qua;
Sự cố nứt dọc mặt đê đoạn từ K33+200-K33+800 đê hữu Hồng (cấp I), xã Phúc Lộc, Hà Nội, chiều dài 600m, đã xảy ra năm 2024, hiện có xu hướng phát triển, mở rộng thêm; địa phương đã rào chắn cấm các phương tiện di chuyển qua tuyến đê.
Tại Thanh Hóa: Sạt 02 đoạn mái phía đồng đê Tây sông Cùng đoạn từ K5+858-K5+905 và K5+958-K5+976 (cấp IV), xã Hoằng Châu, Thanh Hóa, tổng chiều dài 65m; địa phương đã tổ chức xử lý;
Sự cố lùng mang cống Vực Bưu đê hữu sông Nhơm (cấp IV), xã Tân Ninh, Thanh Hóa; cống bị lùng mang, gây ra 02 hố tụt trên đỉnh cống và tụt sâu xuống mang cống; địa phương đã bịt cửa vào lùng mang bằng bao tải đất và xử lý lọc ngược tại vị trí hố tụt tường chắn đất hạ lưu cống;
Sạt mái phía sông đê kênh Tam Điệp (cấp IV), phường Quang Trung, tỉnh Thanh Hóa, dài 150m; địa phương đã xử lý giờ đầu, đóng cọc tre và đắp bao tải hộ chân.
Sạt mái đê Tây sông Cùng (2 đoạn dài 65m); sự cố lún tại cống Vực Bưu (xã Tân Ninh); sạt mái đê kênh Tam Điệp (phường Quang Trung), dài 150m.
Tại Ninh Bình: Sạt mái đê bối Nam Quần Liêu dài 5m tại K1+850 (cấp V), xã Nghĩa Sơn, Ninh Bình; địa phương đã xử lý giờ đầu phủ bạt và đắp gia cố bằng bao tải đất.
Tất cả các sự cố đã được địa phương xử lý khẩn cấp, chủ yếu bằng biện pháp đắp bao tải, đóng cọc tre, rào chắn và cấm phương tiện qua lại.
Về thiệt hại, thống kê bước đầu cho thấy đã có 1 người mất tích, 1 người bị thương (đều tại Nghệ An). Tổng cộng 420 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái, tập trung tại Thanh Hóa (251 nhà), Nghệ An (161 nhà) và Phú Thọ (8 nhà).
Về nông nghiệp, khoảng 119.408ha lúa bị ngập, trong đó Ninh Bình thiệt hại nặng nhất với hơn 74.000ha; các tỉnh còn lại đang tiếp tục thống kê. Ngoài ra, có 9 con gia súc và 3.276 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Hiện các địa phương đang tích cực vận hành máy bơm tiêu úng, rà soát, thống kê thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.