Lửa ấm đời nghề & 'rồng vàng' Nguyễn Uyển

Thứ tư, 01/09/2021 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tháng 6/2021, kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển hoàn thành bản thảo tập Bút ký- Tiểu luận “Lửa ấm đời nghề” (NXB Hội Nhà văn, 2021), tập sách thứ 29 của một cây bút đa tài, ngoại bát thập mà sức đi, sức viết được ví như một “lão điền cày chữ”.

“Lửa ấm đời nghề” được tác giả chia làm 6 phần tách biệt nhưng lại hòa quyện vào nhau, gắn kết chặt chẽ: Với nghề, nét người để nhớ; Lửa ấm tình quê; Tương tác với đồng nghiệp; Bạn bè qua trang viết; Giai thoại ấm cả đời nghề; Lửa ấm đời nghề qua thơ. Từng phần, tác giả phân biệt các chương mục cho người đọc dễ cảm, dễ xem. Cách bố cục tập sách khúc chiết, rạch ròi mà lại nhuần nhuyễn, gắn kết, với  chủ đề xuyên suốt “Lửa ấm  đời nghề”. Cuộc đời này ai mà chẳng gắn bó với một NGHỀ - nghề báo, nghề văn, nghề Tổng Biên tập, nghề thợ chụp ảnh, nghề giáo, nghề thợ gốm Chu Đậu... Đời Nghề của Nguyễn Uyển là vậy, ngọn LỬA ẤM với NGHỀ từ trái tim nhiệt huyết cao quý và đẹp biết nhường nào.   

Nguyễn Uyển cảm nhận từ trái tim, nên từng nhân vật mà ông miêu tả trong phần 1 “Với nghề, nét người để nhớ” sinh động đến từng chi tiết nhỏ. Đó là sản phẩm gốm Chu Đậu - tinh hoa văn hóa Việt thể hiện đậm nét qua tấm ảnh bình gốm có lưu bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tấm ảnh đặc tả của nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng. Sự tài hoa - yêu nghề gốm đến lạ của chủ xí nghiệp gốm Chu Đậu, ông Nguyễn Văn Lưu - người góp phần đáng nể làm hồi sinh làng gốm “Thả hồn vào gốm thương trường Đông Tây”.

Lửa ấm đời nghề của Nguyễn Văn Lưu, câu chuyện nơi làng gốm Chu Đậu được Nguyễn Uyển chọn đặt tên cho cả tập sách. Tác giả không quá lời khi cảm nhận về Nguyễn Văn Lưu, về những người thợ tài hoa làng gốm: “Lửa ấm đời nghề sẽ sáng mãi, sống mãi. Gốm sứ Chu Đậu mãi trường tồn và tỏa sáng năm châu, nén tâm nhang tri ân tổ tiên người Việt đã sáng tạo, để lại nghề quý cho hậu thế”.

Báo Công luận

Nguyễn Uyển dành tình cảm, sự quý trọng đối với các đồng nghiệp thân quý Nguyễn Thế Kỷ, Phạm Quốc Toàn, Hải Đường, Hoàng Vĩnh Bảo, Trần Kim Hoa, Nguyễn Xuân Lương, Nguyễn Khắc Nho, Dương Thanh Biểu, Trần Nhật Minh, Cao Kim, thầy giáo Trần Bá Lạn, cô giáo Hà Thị Hậu…, với bậc đại lão làng báo, làng văn Phan Quang.

Mỗi bạn hữu, đồng nghiệp bậc cao niên hoặc cùng trang lứa, lớp đàn em (về tuổi tác), Nguyễn Uyển có những nốt nhạc trầm bổng, du dương, biểu cảm khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là “Lửa ấm đời nghề” sâu lắng, đằm thắm, nghĩa tình. Những trang viết của ông về Phan Quang thấm đậm sự kính trọng, thán phục về một người thầy, người anh lớn về nghề nghiệp, sự thông tuệ và những cống hiến cho nền báo chí cách mạng.

Nguyễn Uyển viết: “Phan Quang giữ nhiều trọng trách quản lý mà đa tài, yêu nghề, là mẫu mực của nhà văn, nhà báo giỏi về chắt lọc ngôn từ. Chữ nghĩa của ông thường đầy ắp thông tin, giàu hình tượng, đa sắc màu. Hẳn là mai này thiên hạ vẫn còn nhắc mãi, nhớ mãi về Phan Quang suốt cuộc đời luôn vương vấn Báo với Văn”.

Tôi thích thú đọc Nguyễn Uyển khi ông tỏ bày về nhà báo Hoàng Vĩnh Bảo - người con đất Tổ, vốn là học trò của ông - về nghề báo - những năm 80 của thế kỷ trước, nay là Thứ trưởng Bộ quản lý ngành, với trọng trách quản lý báo chí - xuất bản.

Hoàng Vĩnh Bảo học xuất sắc môn toán trường Cao đẳng Sư phạm, ông trực tiếp xin 5 giáo viên được trường đào tạo về làm phóng viên Báo Vĩnh Phú, nay là Báo Phú Thọ, trong đó có Hoàng Vĩnh Bảo.

Ngày ấy, nhiều người kể cả Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm không tin, cho là Tổng Biên tập Nguyễn Uyển nhầm lẫn, bởi viết báo thì phải xin người học giỏi văn? Nguyễn Uyển giãi bày, giỏi toán thì mới có tư duy lô-gic chặt chẽ, nhìn đời, nhìn sự vật khoa học, cấu trúc bài báo chặt chẽ, sử dụng ngôn từ đúng chỗ, điều mà nghề báo rất cần. Quả là ông có đôi mắt tinh đời.

Về tòa soạn, Tổng Biên tập Nguyễn Uyển phân công phóng viên Hoàng Vĩnh Bảo xuống cơ sở gặp chủ nhiệm A. viết về một bông hoa đẹp giữa đời thường, phóng viên trẻ vâng lệnh lên đường. Vài ngày sau phóng viên trở về tay không, báo cáo Tổng Biên tập tay chủ nhiệm ấy không nên viết, chỉ liếc qua tướng mạo biết ngay tâm của lão gian xảo (!). Tổng Biên tập bất ngờ với nhận xét ấy của Hoàng Vĩnh Bảo, nhưng quả thật chỉ sau đó một thời gian, tay chủ nhiệm bị phát hiện tham ô lớn của công, bị bắt giam và hầu tòa.

Ký họa chân dung NB NV Nguyễn Uyển của Hà Huy Phượng.

Ký họa chân dung NB NV Nguyễn Uyển của Hà Huy Phượng.

Với nguyên Trưởng khoa báo chí Trần Bá Lạn dạy Nguyễn Uyển làm nghề thời kỳ 1969 - 1973, Nguyễn Uyển bày tỏ sự trân trọng và biết ơn người thầy đáng kính. Nhà giáo Trần Bá Lạn, theo Nguyễn Uyển là nhà Hán cổ Việt Nam còn sót lại có công khôi phục, dựng lại công đức tiên tổ dòng họ Trần ở Văn Hội, ngoại thành Hà Nội, qua công trình nghiên cứu bậc đại trí thức là Tiến sỹ Trần Trọng Liêu được dựng bia ghi danh trong Văn miếu Quốc Tử Giám. Nguyễn Uyển viết: “Cảm ơn cụ Trần Bá Lạn đã kỳ công sưu tập, dịch thuật làm cho kho báu người tài giỏi, tâm đức thanh cao của dân tộc thêm phong phú”.

Trong “Lửa ấm đời nghề”, tác giả đã có những trang viết sinh động về cuộc sống đời thường, nghĩa tình và nồng ấm tại cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Dù chỉ là ký ức, chắp nối những mẩu chuyện bên lề về anh A, chị B, Nguyễn Uyển phác họa, chấm phá nhân vật sinh động. Chị Thu Hoài, con gái rượu của người bạn quý đứng lên bục ngày họp mặt cơ quan tuyên bố, từ nay với nhà báo Nguyễn Uyển xin được hạ bậc xưng hô từ “chú” xuống “anh” vì lý do… Một ngày khác, cả nhóm do em Tuyết cầm càng kéo nhau lên phòng, xin anh Uyển giúp đỡ cho em Hoài sinh con trai… Thật to gan, đáo để và vui nhộn, đọc những trang viết này của Nguyễn Uyển tôi chỉ còn biết tủm tỉm cười. Ông bạn mình có sở trường viết tiểu phẩm thật mà hài - trúng mà hay!

Chuyện “Giỏi chùi mép” Nguyễn Uyển thuật lại lời kể của bạn mình thật dí dỏm,  nửa nạc nửa mỡ, nửa thật nửa giả, hiểu sao thì tùy ý từng người. Chuyện rằng, cô bồ ruột “nhớ” quá mà tót đến phòng làm việc không báo trước, đúng lúc bà vợ hay ghen cũng bất ngờ ào tới như một cơn lốc, cô bồ thấy động chui luôn vào tủ treo quần áo, đức lang quân bí quá giả vờ nghe điện thoại nhận “lệnh” đi họp, lại giả vờ oang oang với chánh văn phòng trên điện thoại vụ nhận lương, kèm 1 triệu tiền quà cáp gì đó. Sư tử Hà Đông nghe hơi tiền bạc mặt hớn ha hớn hở cười tươi như hoa, theo ông chồng tụt xuống tầng dưới, giải thoát cho cô bồ đang nấp tủ. Tôi thán phục tài hoa của Nguyễn Uyển… nghệ thuật viết tiểu phẩm cao siêu. 

 ***

Tôi cảm nhận trước hết ở Nguyễn Uyển, đó là một nhà báo, nhà văn say nghề, thủy chung với ngọn bút hơn 60 năm nay. Ông làm nghề giáo, giảng dạy văn chương, viết văn, viết báo lúc còn làm nghề giáo ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú, nay là tỉnh Vĩnh Phúc. Được điều động về cơ quan báo tỉnh, trở thành một trong những Tổng Biên tập trẻ tuổi của báo địa phương. Làm quản lý mà ông vẫn không một ngày ngừng viết báo, viết văn và làm thơ tình. Khi đã lên lão 70, 75, 80 đôi chân ông vẫn rong ruổi Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Đông và Tây Nam bộ. Nguyễn Uyển đi là nếm trải, phóng sự, bút ký, ghi chép văn học tuôn chảy mỗi tuần, mỗi tháng. “Đi bằng thương hiệu nghề của chính ông”, như lời nhà báo, nhà thơ Hải Đường cảm nhận về Nguyễn Uyển.

Một Nguyễn Uyển không trộn lẫn là sự ứng xử nhân văn, nghĩa tình, có hậu với bạn bè, đồng nghiệp gần xa. Nghề “chữ” trọn đời người, cuộc sống đạm bạc, “lộc” của ông tuy không to tát gì nhưng tung tẩy khắp mọi miền, lúc ký trà đặc sản Tân Cương; bữa vài cân vải thiều Lục Ngạn; có khi là ký cốm làng Vòng gói lá sen, bạn hữu xa gần mỗi lần nhận được quà của Nguyễn Uyển lại ới cho nhau vui vẻ, sẻ chia. Nguyễn Uyển quê Quân Khê, Hạ Hòa, Phú Thọ nhưng ông lập nghiệp, lập gia ở Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Tháng 4 năm 2021, Nguyễn Uyển cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng tủ sách với hơn 1.000 đầu sách tặng xã Nghĩa Hưng, vùng đất ghi dấu bao kỷ niệm thời tuổi trẻ, khi ông về đây gieo trồng tri thức, dạy Văn - Sử - Địa cho học sinh cấp 2 thuộc 8 xã bắc huyện Vĩnh Tường, tháng 10 năm 1966, Nguyễn Uyển rời Vĩnh Tường  đi làm báo.

Con trai trưởng của Nguyễn Uyển (Nguyễn Hồng Nghĩa) nối nghiệp cha làm báo, được đặt tên theo xã Nghĩa Hưng như là một kỷ niệm đẹp. Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển đã có một nghĩa cử đẹp, rất văn hóa, thấm đậm nghĩa tình với Nghĩa Hưng, quê hương thứ 2 của mình.

Trong tập bút ký chân dung “Ký Giả” (NXB Thanh niên, 2015) một đồng nghiệp viết “Nguyễn Uyển - Bước chân không mỏi”. Và 6 năm sau, vẫn một Nguyễn Uyển đi nhiều, viết nhanh, viết khỏe. Nhà báo Đỗ Bích Thủy - bạn đời của Nguyễn Uyển nói vui mà cũng là nói thật, giọng cười giòn tan: “Ông xã em đi khỏe lắm, không biết có mối nào không?”. Tôi tếu táo nói vui với đồng nghiệp Bích Thủy: “Có đức lang quân đi khỏe - viết khỏe - cày khỏe, tuổi Canh Thìn, giả dụ có ai thương, Rồng Vàng đấy ạ!”   

Điều đọng lại ở đời - đặc biệt là đời báo, đời văn chính là nghĩa tình, tâm sáng, lòng trong, bút sắc. Nhà báo, nhà văn Lê Văn Thiềng có mấy vần thơ tặng người tiền nhiệm Nguyễn Uyển thân quý, xin ghi lại thay cho lời kết bài viết ngắn về “Rồng Vàng” Nguyễn Uyển, người con của ĐẤT TỔ:

… Chữ tốt văn hay, hồn lộng gió

Giống nòi Đất Tổ vẹn mười mươi

Em xin gửi bác vần thơ nhỏ

Được ngắm thường xuyên mắt bác cười!

Tháng 8/2021

Phạm Quốc Toàn

Tin khác

Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

(CLO) Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

Chiêm ngưỡng cánh đồng hoa lục bình tím tuyệt đẹp ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những ngày này, hoa lục bình ở những cánh đồng trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội đua nhau bung nở sắc tím biếc tạo nên khung cảnh vô cùng thơ mộng thu hút giới trẻ Thủ đô tới check-in, chụp hình.

Đời sống văn hóa
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh qua đời

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh qua đời

(CLO) GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân - qua đời sáng 24/4, hưởng thọ 90 tuổi.

Đời sống văn hóa
Hà Nội xếp hạng 2 di tích lịch sử tại huyện Đan Phượng

Hà Nội xếp hạng 2 di tích lịch sử tại huyện Đan Phượng

(CLO) UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2138/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đời sống văn hóa
Thiêng liêng lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

Thiêng liêng lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”

(CLO) Ngày 24/4, tại Cột cờ Hà Nội, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức lễ xuất quân Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”, mở đầu chuỗi các hoạt động cao điểm của tuổi trẻ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Đời sống văn hóa