Để rồi từ ký ức của một nhà báo mang trái tim người lính, người nghệ sỹ được may mắn sống đến hôm nay, kể về câu chuyện của nhiều cuộc đời, số phận trong bom đạn, người mất người còn, để thắp lên thứ ánh sáng mê hoặc, thức tỉnh...
Cuốn sách mới ra mắt của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
1. Không có buổi ra mắt sách, cũng không có cuộc họp báo nào giới thiệu nhưng
“Thời tôi sống” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, lại trở thành tâm điểm của những ngày tháng 8 mùa thu lịch sử này. Có nhiều nhà báo tên tuổi nhắc khéo tôi, phải tìm đọc ngay tác phẩm ấy bởi trong đó có rất nhiều
“lửa”. Lửa của sự thật về chiến tranh, lửa của khát khao cháy bỏng về tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước, lửa của những đam mê nghề báo cháy bỏng đến từng nhịp thở của một nhà báo mang cả thanh xuân đi khắp chiến trường ác liệt. Hơn thế, ngay khi đọc cuốn sách, tôi cũng như bị bỏ bùa, cảm giác như đang được tận mắt chứng kiến những sự thật đã nằm sâu dưới lớp bụi thời gian, nay được đào lên với tất cả sự dữ dội và đớn đau. Có quá nhiều ấn tượng, đến nỗi tôi không cầm được nước mắt, trí tưởng tượng cũng vì thế mà phải căng ra, phải nén những nhịp thở dồn dập của cảm xúc...
Với một người cầm bút được may mắn thừa hưởng trọn vẹn sắc màu của hòa bình hôm nay, muốn
“tiệm cận” được đến những gì của quá khứ, của chiến tranh đã lùi xa rõ ràng không phải là chuyện dễ. Và tôi đến gặp ông, với tất cả sự ngưỡng mộ, hàm ơn của người được sinh ra trong thời bình, chưa bao giờ phải nghe tiếng súng nổ của chiến tranh. Một cuộc trò chuyện thân tình giữa hai người đồng nghiệp, như một sự trao truyền đáng quý tất cả những
“chắt lọc” của một thời tuổi trẻ trên chiến trường khói lửa với những tư liệu sống động. Hôm nay, người phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam năm xưa kể lại tường tận những tháng ngày ông đã sống, những con người ông đã gặp, những chặng đường đã đi qua... mà tưởng như từng mảnh ghép của quá khứ ùa về, chất chứa trong lòng người cầm bút ấy rất nhiều nỗi niềm muốn bày tỏ.
2.Ông đã chuẩn bị rất kỹ những tài liệu trước khi tôi đến, thói quen nghề nghiệp quả thực như đã ăn sâu vào máu của vị nhà báo này. Những cuốn sổ nhỏ, những mảnh giấy ghi chép nhuộm màu thời gian, tờ nào cũng bị cháy xém, được gói ghém cẩn thận trong chồng tài liệu. Ông nói đó là chứng cứ về những năm tháng cặm cụi viết trên chiến hào ác liệt, viết như thể ngày mai mình chết. Trong những trận càn, trong vòng vây của địch, trong tiếng bom rơi, tiếng súng nổ, trong nỗi ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội, đồng nghiệp, trong những xáo trộn của cảm xúc yêu thương, hờn giận...
“Thói quen ghi chép và viết nhật ký hằng ngày đã giúp tôi lưu lại được những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc sống đã đi qua cuộc đời mình. Thế nên tôi mới viết nổi các tác phẩm trong “Thời tôi sống”, nhất là hai tập nhật ký trong vòng vây: “Danh dự người lính” và “Thần chết thần khổ ải”. Nếu không có những ghi chép ngay lập tức tại chiến trường thì làm sao 50 năm sau tôi có thể nhớ lại và sống với tâm trạng, cảm xúc mạnh mẽ ngày ấy để viết” – nhà báo Trần Mai Hạnh nhấn mạnh.
Nhìn ông lật giở những ngày đã qua, thiết nghĩ thật may, có rất nhiều điều được hội tụ trong nhân chứng sống này. Đó là một người vừa có được sự tinh nhanh để nắm bắt sự kiện, sắc sảo khi nhìn vấn đề, tận tụy ghi chép trung thực và lại mang một trái tim nhân văn trước những số phận. Thế nên tập nhật ký mà ông quý như sinh mạng, qua thời gian vẫn còn lại với cuộc đời này, để hôm nay từ những mảnh giấy với những dòng chữ nhỏ bé, đã hoen ố ấy, người đọc có trong tay cả tập sách “Thời tôi sống”. Và nếu như không phải là người làm báo có kinh nghiệm suốt hơn nửa thế kỷ qua, cẩn trọng, trách nhiệm thì chắc chắn khó mà giữ lại được đến hôm nay.
Nhà báo Trần Mai Hạnh
Nhà báo Trần Mai Hạnh mở từng trang sách, đến đoạn nào tâm đắc lại lục tìm trong những cuốn nhật ký chiến trường cũ kỹ để đối chứng rồi lại tỉ mẩn gấp lại nhẹ nhàng như sợ chẳng may
“làm đau” ký ức. Đôi tay run run, nâng niu những trang viết đã nhòe như báu vật, đến nỗi tôi chỉ dám chạm tay vào mà không nỡ cầm lên. Chỉ sợ đụng vào những kỷ niệm của một người đa cảm, đa sầu, sợ một trái tim đã từng ứa máu giữa giông bão cuộc đời ở cả thời chiến lẫn thời bình ấy sẽ chạnh lòng. Tôi thầm nghĩ, may sao, ông còn sống trở về để cắt nghĩa, vì sao có những con người yêu đến vô cùng Tổ quốc, dành cả đời mình cho hòa bình hôm nay, để cắt nghĩa vì sao giữa đạn bom vẫn nuôi dưỡng được những trái tim khát khao sống, khát khao yêu... Và để cho thế hệ hôm nay hiểu rằng, không hề có câu chuyện cổ tích, chỉ có những con người thực đã sống một đời oanh liệt, bất tử mà lẽ sống, lý tưởng của họ trong trẻo, đẹp đẽ đến nhường nào.
3. Nếu
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (của tác giả Trần Mai Hạnh, đã giành được Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN, đã được dịch sang tiếng Anh) là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử tái hiện và phục dựng trung thực những ngày sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn bằng chính những tài liệu nguyên bản tuyệt mật thì
“Thời tôi sống” lại là những trang nhật ký mang đậm phẩm chất văn chương.
"Những trang nhật ký văn học và ghi chép tại trận từ 50 năm trước luôn ở bên tôi trong suốt những năm tháng chiến trường ác liệt, bom rơi đạn nổ, kẻ thù vây ráp lùng sục gắt gao” – nhà báo Trần Mai Hạnh khẳng định.
Điều đặc biệt của “Thời tôi sống” là trước mỗi tác phẩm đều có lời dẫn, lý giải với độc giả về bối cảnh ra đời. Kèm theo đó là những tư liệu bằng hình ảnh, văn bản giấy tờ liên quan để minh chứng cho sự thật của câu chuyện, tuy là một tác phẩm văn học nhưng hoàn toàn không phải do tác giả hư cấu nên. Mặt khác, những nhân vật, cảnh ngộ, tình huống trong các tác phẩm đều là những điều tác giả được chứng kiến, tiếp xúc, ghi lại trong những trang nhật ký ngay tại nơi diễn ra sự kiện, khi thì trong hầm bí mật, hầm trú ẩn, khi thì trên những gò đất mênh mông trong hoàng hôn chiến trường, khi trong những công sự khét mùi thuốc súng, trong hầm thương binh... chứ không phải chỉ viết dựa trên sự hồi tưởng sau này. Chính vì thế nó mang lại sự tin cậy và rung cảm mạnh mẽ cho người đọc.
Cầm cuốn sách “Thời tôi sống” vừa ra mắt bạn đọc, gồm 16 tác phẩm là truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, nhật ký ghi chép về chiến tranh, trong đó 12 tác phẩm viết ở chiến trường Quảng Đà năm 1968 - 1969, 4 tác phẩm viết trong giai đoạn 1970 – 1975, nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: “Đây không chỉ là những khoảnh khắc, những chuyện cá nhân đơn lẻ, mà là câu chuyện của một thời, của chính những năm tháng và sự kiện tôi đã trải qua, đã can dự và chứng kiến trong quãng đời 10 năm (1965-1975) làm phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Có thể gọi đó là cuốn nhật ký văn chương, đem đến sự rung cảm và tin cậy cho người đọc. Sự thực của cuộc đời có lẽ không gì quý giá bằng những khoảnh khắc giữa lằn ranh sống chết...”.
Nhà báo Trần Mai Hạnh và tổ phóng viên Quảng Đà.
Đặc biệt, trong cuộc trò chuyện nhà báo Trần Mai Hạnh nhấn mạnh đến hai năm 1968 - 1969, ông là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng), một trong những chiến trường vô cùng ác liệt. Thời gian này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Trần Mai Hạnh. Ông đã được kết nạp Đảng tại mặt trận. Phần lớn thời gian ông sống với bộ đội, với bà con tại các xã thuộc huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Hòa Vang - nơi các lực lượng vũ trang của ta đứng chân mở các cuộc tấn công vào các căn cứ liên hiệp quân sự của Mỹ, ngụy và chư hầu tại Đà Nẵng.
Có lẽ vì thế mà những trang viết của ông về vùng đất này, con người nơi đây thật hơn cả sự thật với sự ác liệt, tàn khốc đến tột cùng, thách thức mọi giới hạn của sức chịu đựng mà con người có được. Chiến trường Quảng Đà đêm ngày bị bom đạn Mỹ cày xới, chất độc hóa học hủy diệt sự sống rải xuống khắp nơi. Ở đây, đói rét, bệnh tật, thương vong, cái chết… là chuyện thường ngày. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như một hơi thở. Cái nhịp điệu của chiến tranh như pháo dập, bom vùi, đạn réo, súng nổ, máu chảy... cứ lặp đi, lặp lại qua các tác phẩm trong
“Thời tôi sống” làm thời gian căng ra như một sợi dây đàn, không gian chết chóc bao trùm.
Ám ảnh nhất của tác phẩm không chỉ là sự ác liệt của bom đạn, mà dấu ấn
“ghim” vào lòng người chính là những số phận, những con người trên phông nền chiến tranh khốc liệt ấy. Đọc cuốn sách mà cảm giác như sự chết chóc cũng không hề làm mềm đi sức mạnh của tinh thần thép, sự kiên cường của những con người chiến đấu vì khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Những con người chân chất, mộc mạc, bình dị như anh Đấu trong truyện ngắn
Anh Đấu, chị Nắng trong
Nắng Thu Bồn, mẹ Tư trong
Như thể là tình yêu, chị Sao trong
Sao Bắc Đẩu, chị Hoa trong
Trời sáng trong mưa, chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư trong
Côn Đảo một ngày tháng bảy...
Bên cạnh đó, nhà báo Trần Mai Hạnh cũng nhấn mạnh rằng, ông đã từng hai lần phải cùng với các chiến sĩ và đồng đội chiến đấu trong vòng vây dày đặc của quân thù. Gần 60 ngày đêm cận kề với cái chết, ông là một trong 8 người cuối cùng may mắn sống sót. Ông đã tận mắt chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh quả cảm của người lính
"Bộ đội Cụ Hồ". Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ và phóng viên trong
“Danh dự người lính” và
“Thần chết, thần khổ ải” – hai tập nhật ký được viết tại trận giữa bom đạn, trong vòng vây dầy đặc, săn lùng gắt gao của kẻ thù.
“50 năm đã trôi qua, tim tôi vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhớ lại những ngày bi tráng ấy. Viết nên được “Danh dự người lính” trong cuốn “Thời tôi sống” ra mắt bạn đọc những ngày này, tôi cảm thấy được an ủi và yên lòng phần nào trước linh hồn của gần 200 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 3 đã anh dũng nằm lại trên mảnh đất Điện Bàn (Quảng Nam) ngày ấy...” – nhà báo Trần Mai Hạnh xúc động.
4. Đất sẫm màu nhưng hoa nắng lung linh... dường như là một trong những điều lắng đọng nhất trong cuốn sách này.
“Sẫm màu” vì máu đổ, hoa nắng bởi những rung cảm ngọt ngào, những tình yêu thủy chung, sâu sắc, chân thành giữa bom đạn, một mối tình đầu dang dở, hay chỉ là
“một thoáng buồn rầu”, chút lưu luyến của
“Tình yêu như chiếc cốc vỡ tan/Mỗi mảnh nhỏ nhoi đau lòng cô gái”...
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh có thói quen ghi nhật ký hằng ngày dù là trong những ngày mưa bom, bão đạn.
“Thời tôi sống” đã ghi lại rất nhiều những mối tình đẹp như nắng nhưng đầy máu và nước mắt. Ấn tượng cực mạnh chính là hình ảnh người đồng nghiệp - nhà báo Nguyễn Trọng Định hy sinh khi tình yêu đang thì sôi nổi. Anh đã để lại
“bài thơ tình đẫm máu” gửi người yêu, niềm thương nhớ quay quắt, để rồi tình yêu ấy cứ sống mãi trong miền ký ức, và câu thơ như trũng nước
“Bởi nếu mặt trời kia chưa vỡ ra từng mảnh/Thì làm sao anh có thể xa em...” được nhớ mãi đến bây giờ.
Đặc biệt, trong “Thời tôi sống”, lần đầu tiên nhà báo Trần Mai Hạnh công bố những bức thư tình ông viết ngay ranh giới giữa sự sống và cái chết, được lưu giữ suốt gần nửa thế kỷ qua. Những bức thư tình thời chiến đó cũng là một mảnh ghép không thể thiếu của một thời bom đạn ông đã can dự, đã đi qua. Ông bộc bạch: “Bức thư chữ rất nhỏ, kín cả 6 trang giấy pơ lua thuở ấy, rốt cuộc không gửi. Hơn bốn mươi năm qua, tôi vẫn giữ, chưa một ai đọc nó. Giờ công bố cũng chẳng phải dành cho riêng ai, và cũng chẳng để làm gì, có chăng chỉ là để góp thêm một bức thư tình vào một thời bom đạn đã xa”.
Ấn tượng trong những bức thư tình, không phải bởi những yêu thương, hờn giận trong cuộc tình “không kèn, không trống” mà bởi những bức thư tình ấy đã vượt lên tình cảm yêu đương đơn thuần, chạm tới những suy nghĩ về chiến tranh - hoà bình, khát vọng sống và sự hy sinh của mỗi một con người. Đó là những bức thư tình không gửi, nhưng chất chứa rất nhiều những nỗi niềm và qua đó nhìn thấy cả một tuổi trẻ đầy khát vọng, một tình yêu lớn lao với đất nước, quê hương, tinh thần lạc quan, niềm tin tất thắng. Dường như chiến tranh có tàn khốc bao nhiêu cũng không thể vùi dập được sức sống mãnh liệt của con người. “Em ạ, dẫu giọt sương rơi còn ướt áo, huống gì những năm tháng xa xôi trĩu nặng trong lòng. Chiến tranh hơn lúc nào hết làm cho con người ta thấy quý và thấy hết giá trị những ngày đã sống...” (Dẫu giọt sương rơi…).
Và hơn thế, nhà báo – người lính ấy đã khiến cho cả triệu trái tim khi đọc những lá thư tình của ông khó mà cầm nổi nước mắt. Bởi một điều giản dị, ý nghĩa mà ông viết cho những thế hệ sau: “Mai ạ, anh nghĩ mình ra đi làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của một người dân chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, để cho những kỷ niệm khỏi bị chà đạp, giày xéo và nếu có không may ngã xuống thì cũng là ngã xuống cho những lứa đôi sau này vĩnh viễn không phải chia ly, cho những người phụ nữ không phải sống đằng đẵng trong những tháng năm đợi chờ dài như cả một kiếp người...”
Thế mới hiểu, người đàn ông đã bước sang tuổi 75, đang ngồi trước mặt tôi quả thực đã ôm trong lòng biết bao những buồn vui, đớn đau... của một thời. Cũng hiểu vì sao suốt bao năm trên chiến trường ông vẫn khoác trên vai mình hai chiếc ba lô, một của bản thân, một của người đồng nghiệp đã ngã xuống. Chiếc ba lô đầy máu cùng bức ảnh kỷ niệm với người yêu và bài thơ chưa kịp gửi của nhà báo – liệt sỹ Nguyễn Trọng Định được ông cất giữ như vật quý suốt những năm tháng chiến tranh ấy là minh chứng cho một tình yêu bất diệt, cho tình đồng nghiệp, tình bạn sâu sắc vượt thời gian. Hiểu hơn rằng, có những lớp người cầm bút, cầm súng hôm qua đã mang cả tuổi trẻ tươi đẹp ra chiến trường, sẵn lòng hy sinh bất cứ lúc nào cho Tổ quốc hôm nay.
Có thể nói, những trang nhật ký văn học và ghi chép về những chặng đường mình đã đi qua, đã nếm trải trong cuộc chiến tranh như một kỷ niệm không thể quên với nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Những số phận, con người trong đó đã dệt nên một trời kỷ niệm với tác giả và cũng là những mảnh ghép của lịch sử một thời, mang đến những cảm xúc, rung động, ám ảnh khó quên với người đọc. “Chiến tranh dù đã lùi xa, nhưng những con người tôi đã gặp, hình ảnh họ vẫn luôn theo tôi đến tận bây giờ... Nhiều người đã ngã xuống nhưng gương mặt họ vẫn ngời sáng trong tôi. Họ giúp tôi hiểu hơn và càng quý giá hơn những khoảnh khắc mình đang sống hôm nay, muốn sống ý nghĩa hơn cho những cuộc đời đã ngã xuống vì đất nước. Vì thế mà trong “Thời tôi sống” luôn có Lửa – lửa cháy của tình yêu, khát vọng và sự sống” – nhà báo Trần Mai Hạnh xúc động, trầm ngâm.
Hà Vân