Lừa đảo bảo hiểm xe hơi: Những chiêu trò bạn cần đề phòng
(CLO) Mỗi năm, lừa đảo bảo hiểm xe hơi khiến các gia đình Mỹ mất thêm tới 700 USD phí bảo hiểm, với nhiều chiêu trò tinh vi như tai nạn dàn dựng, khai khống thiệt hại và hợp đồng giả mạo.
Lừa đảo bảo hiểm xe hơi là một trong những vấn đề nhức nhối trong ngành bảo hiểm, với nhiều chiêu trò tinh vi nhằm trục lợi từ các công ty bảo hiểm. Hành vi này có thể do chủ xe, tài xế, đại lý bảo hiểm, gara sửa chữa, dịch vụ cứu hộ hay thậm chí cả các cơ sở y tế thực hiện.

Hình minh họa người phụ nữ không thoải mái khi đang ở một gara xe. Ảnh: Getty
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), các vụ gian lận bảo hiểm khiến mỗi hộ gia đình tại Mỹ phải trả thêm từ 400 đến 700 USD mỗi năm do phí bảo hiểm tăng cao.
Hiểu rõ cách thức hoạt động của các vụ lừa đảo có thể giúp chủ xe tránh trở thành nạn nhân. Lừa đảo bảo hiểm xe hơi thường được chia thành hai dạng chính: lừa đảo mềm và lừa đảo cứng.
Trong đó, lừa đảo mềm phổ biến hơn cả. Đây là trường hợp chủ xe có yêu cầu bồi thường hợp lệ nhưng cố tình phóng đại mức độ thiệt hại để nhận được số tiền cao hơn từ công ty bảo hiểm.
Một số trường hợp thường gặp bao gồm khai khống mức độ chấn thương sau tai nạn, thổi phồng hư hỏng của xe hoặc yêu cầu bảo hiểm chi trả cho những hư hỏng đã có từ trước khi tai nạn xảy ra.
Ngoài ra, lừa đảo mềm cũng có thể diễn ra ngay từ giai đoạn đăng ký bảo hiểm, khi người mua cố tình khai báo sai thông tin về lịch sử tai nạn, điều kiện bảo quản xe hoặc các tính năng an toàn được trang bị nhằm hưởng mức phí bảo hiểm thấp hơn thực tế.
Trong khi đó, lừa đảo cứng mang tính chất nghiêm trọng hơn, khi đối tượng cố tình gây thiệt hại để trục lợi. Một số trường hợp điển hình bao gồm cố ý tạo ra tai nạn, đốt xe hoặc phá hủy xe để nhận bồi thường, thậm chí dàn dựng vụ mất trộm xe giả.
Những chiêu trò lừa đảo phổ biến
Không chỉ chủ xe mà nhiều đối tượng khác cũng có thể thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm. Một số gara sửa chữa có thể khai khống thiệt hại, yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán cho phụ tùng chính hãng nhưng thực tế lại lắp đặt linh kiện kém chất lượng. Một số nơi còn cố tình kéo dài thời gian sửa chữa hoặc không thay thế túi khí sau khi xe gặp tai nạn.
Bên cạnh đó, các vụ tai nạn dàn dựng cũng là một hình thức phổ biến. Kẻ gian có thể cố tình cắt ngang đầu xe rồi phanh gấp, vẫy tay ra hiệu cho xe khác rẽ nhưng sau đó bất ngờ lao tới gây va chạm. Trong nhiều trường hợp, nhóm lừa đảo có thể phối hợp với nhau để tạo hiện trường giả, sau đó nạn nhân bị buộc phải chịu trách nhiệm và kẻ gian dễ dàng trục lợi từ bảo hiểm.
Ngoài ra, không ít trường hợp người qua đường tiếp cận tài xế ngay sau tai nạn với vẻ ngoài thân thiện, đề xuất một gara sửa chữa hoặc bác sĩ mà họ quen biết.
Thực tế, đây có thể là một phần trong kế hoạch lừa đảo, khi các bên liên quan đã có sự dàn xếp từ trước. Một số kẻ gian thậm chí xuất hiện cùng xe cứu hộ và đề nghị kéo xe đến nơi sửa chữa mà chủ xe không hề hay biết về uy tín của đơn vị này.
Đáng lo ngại hơn, ngay cả khi tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, chủ xe vẫn có thể gặp phải đại lý bảo hiểm không minh bạch. Một số trường hợp, đại lý có thể bán hợp đồng bảo hiểm giả hoặc thu tiền nhưng không kích hoạt hợp đồng. Thậm chí, ngay cả các công ty bảo hiểm hợp pháp cũng có thể có nhân viên lợi dụng hệ thống để trục lợi cá nhân.
Cách phòng tránh lừa đảo bảo hiểm xe hơi
Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị lừa đảo, chủ xe vẫn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông. Nếu phát hiện xe khác có hành vi kỳ lạ như bám đuôi quá sát hoặc phanh gấp không cần thiết, nên giữ khoảng cách an toàn để tránh rơi vào tình huống dàn dựng tai nạn.
Trong trường hợp xảy ra va chạm, cần chụp ảnh hiện trường càng sớm càng tốt để có bằng chứng chính xác, đồng thời hạn chế nhận lời giúp đỡ từ người lạ hoặc các đơn vị cứu hộ không rõ nguồn gốc.
Khi lựa chọn công ty bảo hiểm, nên ưu tiên những đơn vị uy tín, kiểm tra kỹ hợp đồng và đảm bảo chính sách bảo hiểm phù hợp với nhu cầu thực tế. Tương tự, việc tìm hiểu trước về các gara sửa chữa cũng giúp chủ xe tránh rơi vào tình huống bị động khi gặp sự cố.
Trong trường hợp gặp tai nạn khi đang di chuyển xa, chủ xe có thể tra cứu các địa chỉ gara uy tín thông qua các nền tảng như Kelley Blue Book hoặc AAA, đồng thời đọc đánh giá trực tuyến trước khi đưa ra quyết định. Hỏi thăm người dân địa phương cũng là một cách để tìm được cơ sở sửa chữa đáng tin cậy.
Nên làm gì khi trở thành nạn nhân của lừa đảo bảo hiểm?
Nếu nghi ngờ mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo bảo hiểm, chủ xe nên hành động ngay lập tức. Việc đầu tiên cần làm là báo cáo với công ty bảo hiểm để họ có biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, có thể liên hệ với cơ quan điều tra bảo hiểm của tiểu bang để mở cuộc điều tra độc lập hoặc trình báo cảnh sát nếu có dấu hiệu gian lận từ một gara sửa chữa hoặc tài xế khác.
Lừa đảo bảo hiểm xe hơi là một thực trạng đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn khiến phí bảo hiểm ngày càng tăng cao. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là luôn cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc bảo hiểm một cách minh bạch.
Hải Hà (Theo Yahoo Finance)