Lúa mì Mỹ bị từ chối trên toàn cầu, hủy đơn vượt bán 128.000 tấn
(CLO) Lúa mì Mỹ bị hủy đơn vượt bán 128.800 tấn, mất thị phần vào Nga-Canada, giá giảm sâu nhất 5 năm, nông dân lao đao.
Lúa mì Mỹ đang đối mặt với một cú sốc lớn trên thị trường quốc tế. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, lượng đơn hàng xuất khẩu bị hủy đã vượt xa doanh số bán mới với con số lên đến 128.800 tấn.

Nhiều khách hàng lớn trên thế giới bất ngờ quay lưng với các hợp đồng đã ký, khiến lượng lớn lúa mì Mỹ bị tồn đọng tại các cảng và kho chứa. Đây không chỉ là một khó khăn nhất thời trong thương mại, mà còn là một sự chuyển dịch mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến toàn ngành nông nghiệp.
Hệ lụy từ sự việc này được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nông dân Mỹ, chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, giá cả thị trường và cả các mối quan hệ thương mại quốc tế.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Sự việc này bắt nguồn từ nhiều yếu tố đan xen và phức tạp. Trước hết, nguồn cung lúa mì dồi dào với giá thấp hơn từ các quốc gia như Canada và Nga đang khiến giá lúa mì Mỹ mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Chưa dừng lại ở đó, các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và dư lượng thuốc trừ sâu tại những khu vực như châu Âu và châu Á, cộng thêm căng thẳng thương mại kéo dài cùng các chính sách thuế quan đáp trả, đã khiến lúa mì Mỹ không còn hấp dẫn.
Thậm chí, sản phẩm này còn không đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường trọng điểm. Những áp lực từ cả quy định lẫn thị trường đang dồn ép các nhà xuất khẩu Mỹ từ nhiều phía.
Xuất khẩu lao đao trong ngắn hạn
Các nhà xuất khẩu Mỹ hiện đang chật vật khi nhiều khách hàng tại Philippines, Hàn Quốc và Mexico đồng loạt hủy hợp đồng, từ chối nhận hàng và chuyển sang tìm kiếm nguồn cung khác.
Theo báo cáo từ The Rio Times, trong tuần kết thúc ngày 22/5/2025, lượng đơn hàng bị hủy đã vượt doanh số bán mới tới 128.800 tấn - một sự thay đổi bất ngờ so với xu hướng thương mại thông thường.
Nguyên nhân của làn sóng hủy đơn này đến từ nhiều vấn đề như chậm trễ vận chuyển, giá cả biến động và vi phạm tiêu chuẩn dư lượng hóa chất.
Kết quả là lúa mì Mỹ bị đẩy ra rìa, buộc các nhà xuất khẩu phải gấp rút tìm kiếm thị trường mới hoặc thương thảo lại hợp đồng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Lúa mì Canada và Nga vươn lên mạnh mẽ
Khi lúa mì Mỹ bị từ chối, Canada và Nga nhanh chóng tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị trường. Các nhà nhập khẩu quốc tế đang chuyển hướng sang hai quốc gia này để tìm nguồn ngũ cốc giá rẻ hơn, đáng tin cậy hơn và phù hợp với các tiêu chuẩn mới.
Xuất khẩu lúa mì Canada hiện đang tăng trưởng vượt bậc, trong khi Nga tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu, từng bước làm suy giảm thị phần và tầm ảnh hưởng của Mỹ trong thương mại lúa mì toàn cầu.
Nông dân Mỹ đối mặt áp lực lớn
Không chỉ các nhà xuất khẩu, nông dân tại vùng Trung Tây và Great Plains của Mỹ cũng đang lao đao vì những tổn thất chồng chất và tương lai bất định. Giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, trong khi các hợp đồng dần biến mất.
Trước tình cảnh này, nhiều người trồng lúa mì buộc phải chuyển sang cây trồng khác, trông chờ vào tiền bảo hiểm hoặc thậm chí cân nhắc từ bỏ nghề nông.
Tác động kinh tế từ sự việc không chỉ dừng lại ở các trang trại, mà còn lan rộng đến cộng đồng nông thôn, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp địa phương, nhà cung cấp thiết bị và những gia đình phụ thuộc vào nghề trồng lúa mì để mưu sinh.
Ngành thực phẩm gấp rút thích nghi
Các nhà sản xuất thực phẩm và nhà máy xay xát tại Mỹ cũng đang tất bật điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới. Khi lúa mì Mỹ mất dần sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi công thức sản phẩm, chuyển sang sử dụng ngũ cốc từ Canada, Nga hoặc các loại cây trồng khác.
Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng lớn đến hương vị, kết cấu và giá thành của những thực phẩm quen thuộc như bánh mì, mì ống và ngũ cốc. Đồng thời, nó cũng đặt ra những thách thức mới cho chuỗi cung ứng, cùng với những rủi ro mà ngành công nghiệp phải đối mặt.
Giá thực phẩm toàn cầu có nguy cơ bất ổn
Sự gián đoạn trong xuất khẩu lúa mì Mỹ đang đe dọa sự ổn định của giá thực phẩm trên toàn cầu.
Khi dòng chảy thương mại thay đổi và nguồn cung từ Mỹ suy giảm, một số khu vực có thể phải đối mặt với chi phí tăng cao cho các mặt hàng thiết yếu như bánh mì, mì ống và thực phẩm chủ lực khác.
Những quốc gia từng phụ thuộc vào lúa mì Mỹ giờ đây phải tìm kiếm nhà cung cấp mới, dẫn đến chi phí nhập khẩu cao hơn, thời gian vận chuyển kéo dài và nguy cơ biến động giá cả gia tăng cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Chính sách và phản ứng từ chính phủ
Tình hình này đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà lập pháp, tổ chức nông nghiệp và quan chức thương mại tại Mỹ. Những lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp, đẩy nhanh đàm phán thương mại và cải cách quy định ngày càng trở nên cấp bách tại Washington.
Các nhà hoạch định chính sách cũng chịu áp lực lớn trong việc bảo vệ nông dân trong nước, thương thảo lại điều khoản thương mại và tìm cách giải quyết các nguyên nhân khiến lúa mì Mỹ bị từ chối ở nước ngoài, đồng thời duy trì mối quan hệ quốc tế và đối phó với thách thức từ thị trường.
Trước nguy cơ giá cả tăng và sự thay đổi trong các sản phẩm từ lúa mì, người tiêu dùng được khuyến nghị nên chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây là thời điểm phù hợp để tích trữ các mặt hàng thiết yếu trong gia đình và thử sử dụng các loại ngũ cốc thay thế như yến mạch, lúa mạch đen hoặc ngô.
Đồng thời, người mua cũng nên để ý đến những thương hiệu hoặc sản phẩm mới xuất hiện trong quầy bánh mì và mì ống. Sự linh hoạt và chủ động sẽ giúp các gia đình vượt qua những khó khăn tiềm ẩn và chi phí tăng cao khi thị trường lúa mì tiếp tục biến động.
Nông nghiệp toàn cầu trước bước ngoặt
Những lần từ chối lúa mì Mỹ có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện nông nghiệp và thương mại toàn cầu.
Từ một loạt hợp đồng bị hủy, câu chuyện giờ đây đã lan rộng, kéo theo sự dịch chuyển trong các liên minh thương mại, gia tăng áp lực lên nông dân Mỹ và đẩy chi phí lên cao cho người tiêu dùng.
Tương lai của lúa mì Mỹ giờ đây phụ thuộc vào việc khôi phục niềm tin, thích nghi với các tiêu chuẩn quốc tế mới và tìm cách cạnh tranh trong một thị trường đang thay đổi nhanh chóng.