(CLO) Liên quan đến vụ Luật sư Lê Nết đại diện ủy quyền của Konica Minolta Việt Nam không cho phóng viên chụp hình, quay phim, ghi âm khi mời phóng viên tới văn phòng công ty để cung cấp thông tin (đã đăng tải trên congluan.vn), nhằm rộng đường dư luận phóng viên đã có cuộc trao đổi, lấy ý kiến từ các chuyên gia về vấn đề này.
Trong vụ Konica, Luật sư không cho phóng viên chụp hình, quay phim... khi tác nghiệp?
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Trung Ương Hội Nhà Báo Việt Nam) lên tiếng:
[caption id="attachment_65124" align="aligncenter" width="893"]
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng cho rằng Luật sư viện cớ văn phòng không phải là nơi công cộng nên không được chụp ảnh, quay phim, ghi âm là không đúng.[/caption]
Thứ nhất: Konica Minolta và Luật sư đại diện ủy quyền cho Konica tổ chức gặp báo chí tại văn phòng để chia sẻ thông tin là nhằm mục đích gì? Nếu để báo chí hiểu và viết bài thì các phóng viên phải được tác nghiệp để viết bài; viện cớ văn phòng không phải là nơi công cộng, không được chụp ảnh, quay phim, ghi âm là không đúng. Nếu không cho phép phóng viên tác nghiệp thì tốt nhất là không mời đến văn phòng.
Thứ hai: việc họ mời báo chí đến và quay lại cuộc nói chuyện là nhằm mục đích gì? Họ có xin phép các phóng viên khi được quay phim ghi hình họ không? Đây là cách "chơi không sòng phẳng".
Tóm lại, đây là hành động có tính toán từ phía Konica và Luật sư của họ. Trong những trường hợp như thế này, phóng viên tốt nhất không cộng tác với Konica, bà Hằng nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn chuyên gia về luật, Ông Trần Đức Long - Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Hội Luật Gia Việt Nam chia sẻ:
[caption id="attachment_65125" align="aligncenter" width="1059"]
Ông Trần Đức Long, Chánh VP Hội Luật Gia Việt Nam cho biết: hành vi của ông Luật sư cản trở, không cho phóng viên quay phim, chụp hình là vi phạm quy định pháp luật.[/caption]
Điều 2 Luật Báo chí năm 1989 quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động…”
Điểm b, đ khoản 1 Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 quy định về Quyền và nghĩa vụ của nhà báo: Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Vì vậy, hành vi của ông luật sư cản trở, không cho phóng viên quay phim, chụp hình là vi phạm quy định pháp luật.
Ông Long cũng nói thêm: Khoản 3, 4 Điều 5 Nghị định 51/2002 của Chính phủ quy định về Những điều không được thông tin trên báo chí: Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể).
Vì vậy, nếu phóng viên có chụp ảnh ông Luật sư mà không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, không đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư của vị luật sư này thì hoàn toàn được phép.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo các phóng viên cần đưa sự việc này lên Đoàn Luật sư mà vị Luật sư kia đang là thành viên để đề nghị Đoàn Luật sư có hình thức xem xét, giải quyết việc hành xử của ông ấy có đúng luật không, nếu sai cần phải xử lý theo quy định.
Luật sư, Luật sư Nguyễn Tri Đức - Công ty Luật 360- Đoàn luật sư TP. HCM nhận định:
[caption id="attachment_65126" align="aligncenter" width="1229"]
Theo Luật sư Nguyễn Tri Đức, việc phóng viên, nhà báo chụp hình, quay phim trong quá trình tác nghiệp là hợp pháp và đã được xã hội thừa nhận theo luật định.[/caption]
Báo chí là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần phản biện và xây dựng xã hội… nhiệm vụ và quyền hạn của phóng viên, nhà báo trong công tác thu thập thông tin, ghi âm, chụp hình trong quá trình tác nghiệp được luật hóa cụ thể theo Luật Báo chí cùng các văn bản pháp luật hiện hành.
Theo luật định về việc cấm quay phim, chụp hình chỉ những nơi khu vực cấm và bị điều tiết bởi các qui định pháp luật như sau: Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước được qui định chi tiết tại Nghị định số 33/2002 NĐ-CP; Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các địa điểm cấm, cùng các Quyết định khác của các UBND các tỉnh thành quy định danh mục các địa điểm cấm thuộc bí mật nhà nước.
Như vậy ngoài những qui định Pháp luật hiện hành nêu trên có thể khẳng định việc phóng viên, nhà báo chụp hình, quay phim trong quá trình tác nghiệp là hợp pháp và đã được xã hội thừa nhận theo luật định – “không một tổ chức cá nhân nào được cản trở báo chí nhà báo hoạt động” (Điều 2 Luật Báo chí năm 1989).
Riêng việc doanh nghiệp tiến hành mời các phóng viên của các cơ quan báo chí đến để cung cấp, chia sẻ thông tin nhằm mục đích khách quan sự việc nhưng lại đặt ra vấn đề không cho phép các phóng viên tác nghiệp chụp hình, quay phim hoặc ghi âm là đã có hành vi ngăn cản, đi ngược lại với những gì luật đã định.
Mặt khác, nếu sự thực vị đại diện ủy quyền của doanh nghiệp là một Luật sư (như phóng viên phản ánh) thì hơn ai hết phải là người biết rõ những qui định pháp luật thiết yếu chứ không thể có sự hành xử đáng tiếc như vậy!
Báo Congluan online sẽ tiếp tục ghi nhận các phản ánh tiếp theo của các cơ quan chức năng, giới báo chí và dư luận liên quan đến vấn đề này.
Chính Kỳ