Kinh tế vĩ mô

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Cần tập trung gỡ nút thắt pháp lý, khơi thông dòng vốn đầu tư

Hà Linh 15/07/2025 07:17

(CLO) Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), nhấn mạnh: Cần nghiêm túc rà soát để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW.

Ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW trong đó có đề ra các mục tiêu “năm 2025 cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật”. Những khó khăn chung nhất mà các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thường phản ánh là gì?

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang gặp không ít rào cản từ chính hệ thống pháp luật. Khó khăn chung nhất tập trung vào thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo, thiếu nhất quán và kéo dài thời gian xử lý. Vì thế làm tăng chi phí tuân thủ, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh và thậm chí là niềm tin của nhà đầu tư.

770-202507142057141.png
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, ảnh H.L

Trong đó có 3 nhóm vấn đề nổi cộm đó là thủ tục đầu tư, chính sách thuế và thủ tục hải quan. Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đã xây dựng Kế hoạch rà soát và tháo gỡ các vướng mắc pháp luật. Như vậy việc rà soát đã bắt đầu.

Đâu là những nhóm thủ tục mà ông cho rằng cần được rà soát kỹ lưỡng?

- Các nhóm thủ tục, quy định cần rà soát sớm, đó là: thủ tục về đất đai – xây dựng, thủ tục đánh giá tác động môi trường – phòng cháy chữa cháy, và thủ tục cấp giấy phép đầu tư, thủ tục thuế và hải quan.

Trong tiếp cận đất đai, quy trình xác định giá đất cụ thể theo phương pháp thẩm định vẫn chưa rõ ràng, khiến nghĩa vụ tài chính bị trì hoãn. Phê duyệt báo cáo môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và khả thi sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững dù đã cải tiến, vẫn kéo dài khi phải bổ sung hồ sơ nhiều lần hoặc vướng yếu tố đặc thù. Thiết kế PCCC cũng hay bị yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần do thay đổi quy chuẩn, khiến tiến độ thi công bị đình trệ.

Các quy định về thuế, hải quan, mặc dù đã được cải thiện, nhưng đôi khi còn thiếu rõ ràng tạo ra rủi ro và gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trong nhóm "thủ tục đầu tư", theo ông, những thủ tục nào đang gây nhiều trở ngại nhất cho nhà đầu tư khi triển khai dự án?

-Khi nói về thủ tục đầu tư, trước hết là sự thiếu đồng bộ giữa các luật cơ bản như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường. Các quy định về trình tự, thẩm quyền giữa các luật này đôi khi không khớp nhau, dẫn đến việc nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước lặp lại, nộp hồ sơ trùng lặp và chờ đợi rất lâu.

Thủ tục tiếp cận đất đai là một điểm nghẽn lớn. Từ khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng đến xác định giá đất và giao đất, cho thuê đất, cấp sổ đỏ... Quá trình này thường kéo dài bất thường và thiếu minh bạch trong xác định giá đất, khiến doanh nghiệp khó dự toán chi phí và tiến độ.

Tiếp theo là thủ tục Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM vẫn còn phức tạp. Vẫn có tình trạng cơ quan nhà nước yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần. Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan, khiến thời gian phê duyệt bị chậm trễ, ảnh hưởng trực tiếp đến ngày khởi công dự án.

Không thể không kể đến thủ tục phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Giấy phép xây dựng. Các quy định về PCCC thường xuyên thay đổi, yêu cầu kỹ thuật cao, gây khó khăn trong việc tuân thủ và khiến quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu kéo dài.

Việc cấp giấy phép xây dựng cũng gặp vướng mắc do sự khác biệt trong cách hiểu và áp dụng quy định giữa các địa phương hoặc giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành. Điều này làm gia tăng rủi ro và chi phí không đáng có cho doanh nghiệp.

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Ông nhìn nhận gì về động thái này?

-Đây là nghị quyết cực kỳ quan trọng, thể hiện tinh thần quyết liệt của Đảng trong việc cải cách hệ thống pháp luật kinh doanh. Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã thể hiện sự ưu tiên chính trị ở mức cao nhất. Tôi cho rằng nếu triển khai quyết liệt, có lộ trình rõ ràng và tiếp thu ý kiến thực tiễn một cách nghiêm túc, thì Nghị quyết 66 sẽ là nền tảng để gỡ bỏ những điểm nghẽn đã tồn tại dai dẳng — từ các quy định chồng chéo đến thủ tục không còn phù hợp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Cần tập trung gỡ nút thắt pháp lý, khơi thông dòng vốn đầu tư
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO