Lực lượng đồng nát, ve chai có thể gom được hơn 3.000 tấn rác mỗi ngày ở Hà Nội
(CLO) Theo chuyên gia về nghề đồng nát, mỗi ngày lực lượng làm nghề thu gom ve chai, đồng nát có thể gom hơn 3.000 tấn rác thải ở Hà Nội.
Hơn 3.000 người đồng nát ở Hà Nội, đang thu gom được 45-60 tấn rác nhựa mỗi ngày
Sáng 24/3, Trường Đại Học Kiến trúc Hà Nội cùng một doanh nghiệp đã tổ chức triển lãm sáng tạo “Đồng nát Ve chai và tương lai rác nhựa” nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về vai trò của đội ngũ lao động thu gom phi chính thức trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị của rác thải nhựa.

Theo ghi nhận của PV, có hơn 50 nữ lao động thu gom ve chai, đồng nát đã đến đây, để cùng lắng nghe các quan điểm và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tại triển lãm sáng tạo “Đồng nát Ve chai và tương lai rác nhựa”.
Triển lãm sáng tạo “Đồng nát Ve chai và tương lai rác nhựa” là hoạt động nghệ thuật kết hợp đào tạo nằm trong khuôn khổ dự án “Tiếp Sức Chiến Binh Xanh” do Trường Đại Học Kiến trúc Hà Nội và VietCycle tổ chức với sự đồng hành từ Chương trình hành động toàn cầu về nhựa (GPAP).

Những hình ảnh về triển lãm rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty VietCycle cho biết: Vì tiền thân từ lĩnh vực tái chế nên nhận thức được việc tái chế rác thải rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Từ đó, VietCycle đã xây dựng đội ngũ liên kết với các chị em đi thu gom đồng nát, điểm thu gom cá thể rác thải để nhận lại rác thải ve chai, đồng nát sau đó phân loại và chuyển đi tái chế.
Từ khi thực hiện liên kết với những người nhặt ve chai, đồng nát, phía VietCycle đã tăng cường các buổi hội thảo cho những người này, để mọi người nhận thức được ý nghĩa của việc thu gom rác thải, phân loại rác thải. Đến bây giờ, hầu hết những người thu gom đồng nát, rác thải nhựa rất tự tin và nhận thức được việc mình làm đang góp phần trong việc giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và rác thải nói chung ra môi trường.
“Hàng tháng chúng tôi đều có các phần quà hỗ trợ đối với những người đang thu gom đồng nát, ve chai này. Phần quà tuy bé, nhưng đó cũng là một phần động lực, thúc đẩy mọi người hoạt động tích cực hơn trong việc thu gom, giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường.” – ông Nguyễn Văn Tuấn nói.

Đại diện VietCycle cho biết: Đến nay, đã có khoảng hơn 3.000 người thu gom, đồng nát đang liên kết với phía VietCycle ở Hà Nội. Trung bình mỗi người thu gom khoảng 15-20kg nhựa mỗi ngày, với hơn 3.000 người tương đương có khoảng 45 – 60 tấn rác nhựa được thu gom mỗi ngày.

Với tác phẩm đoạt giải cuộc thi sáng tạo nghệ thuật chủ đề “Đồng nát ve chai với tương lai rác nhựa”, bạn Trần Công Thành (sinh viên năm 3 của trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội) nói: Khi nhận được chủ đề về đồng nát, tôi nghĩ luôn đến hình tượng của các cô thu gom đồng nát, ve chai. Với hình ảnh khắc họa từ phía sau mang ý nghĩa đây là những người trung gian, thu gom rác thải góp phần nào giảm thiểu được rác thải ra môi trường.
Tâm sự của những người làm nghề đồng nát
Là một người thu gom đồng nát với thâm niên 26 năm tại Hà Nội, cô Lê Thị Đoàn (66 tuổi, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nói: Tôi đi thu gom đồng nát, nhặt phế liệu từ năm 1999 đến bây giờ. Trước đây khi đi thu gom đồng nát mọi người thường rất “ngại” tiếp xúc, nhưng đến bây giờ nhiều người đã có cách nhìn khác, tốt hơn về nghề này, điều đó đã giúp chúng tôi có thêm tự tin khi đi thu gom, nhặt rác thải nhựa và tiếp tục là những “chiến binh xanh” góp phần giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường ở Hà Nội.
Tương tự cô Đoàn, với tuổi nghề 40 năm, cô Nguyễn Thị Thiết (70 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nói: Bình thường chúng tôi phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị đi thu gom phế liệu, đồng nát ở các con ngõ, tuyến phố Thủ đô. Mặc dù công việc có phần vất vả nhưng trên những chặng đường, ngõ phố chúng tôi đi qua, mọi người đều nhìn nhận thấy rác thải đã được giảm thiểu, đó là điều tuyệt vời nhất.

Những người thu gom đồng nát, ve chai đang là những "chiến binh xanh" góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Bắt đầu nghiên cứu ngành nghề đồng nát từ năm 2015, bà Nguyễn Thái Huyền – Tiến sĩ, phó viện trưởng Viện đào tạo và hợp tác quốc tế (trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho biết: Trong 5 năm đầu tiên đã nhận thấy tầm quan trọng và vai trò của mạng lưới đồng nát trong bối cảnh quản lý chất thải rắn ở Việt Nam. Đây là 1 lực lượng lao động đóng góp rất quan trọng trong khâu thu gom, phân loại trước khi đem đi xử lý. Đặc biệt, họ có đóng góp rất quan trọng trong việc hình thành nền kinh tế tuần hoàn, từ các hoạt động coi rác thải là tài nguyên.
Đây cũng là một nét riêng của Việt Nam khác các quốc gia khác; họ tự hình thành, dự trên những cái hoạt động văn hóa truyền thống, xuất thân gốc gác là những người nông dân, phát hiện ra giá trị của rác thải để tham gia tích cực trong việc quản lý chất thải rắn ở Việt Nam.

Hình ảnh những người thu gom rác thải nhựa, trong bộ đồng phục do VietCycle cấp phát (ảnh VietCycle).
Phó viện trưởng Viện đào tạo và hợp tác quốc tế (trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho biết thêm: Trước đây khi mới bắt đầu nghiên cứu về người đồng nát, nghề đồng nát thì nhận thấy nghề này gần như “vô hình” ở Việt Nam. Có lẽ mọi người không ai quan tâm chú ý tới họ, thậm chí những người hoạt động trong lĩnh vực đồng nát luôn thầm lặng và phải “giấu mình đi” để hoạt động yên ổn trong việc thu gom. Họ có mặc cảm rất lớn, mọi người coi đây là nghề nhặt rác, thấp kém “bần cùng bất đắc dĩ” mới phải làm.
“Theo nghiên cứu, mỗi ngày lượng rác lực lượng này có thể thu gom lên tới hơn 3.000 tấn. Đây không chỉ là rác thải ra ở Hà Nội mà đến từ các địa phương khác, nhưng tập trung, thu gom ở các cơ sở thu mua phế liệu tại Hà Nội. Có thể thấy vai trò và khả năng thu gom của họ rất lớn trong bối cảnh rác thải rắn hiện nay.” - bà Nguyễn Thái Huyền nói.

Hầu hết những người thu gom đồng nát đều là phụ nữ và đa phần độ tuổi đã cao dần (ảnh VietCycle).
Nhận định về ngành nghề thu gom đồng nát, TS. Nguyễn Thái Huyền cho hay: Mặc dù độ tuổi của lực lượng đi thu gom, mua trực tiếp đồng nát đã bắt đầu cao dần lên. Tuy nhiên, các chủ cơ sở thu gom đồng nát ở độ tuổi lao động còn chiếm rất lớn. Có thể thấy, hoạt động thu gom có thể thay đổi, thành phần người có thể thay đổi, phương thức thu gom có thể thay đổi…, thế nhưng ngành nghề và hoạt động thu gom đồng nát theo chúng tôi nhìn nhận đây vẫn là ngành nghề mang lại kinh tế nhất định, lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia rất lớn.