Hiệu trưởng Đại học HUFLIT học cùng cựu Bí thư TP. Đà Nẵng
Như Nhà báo & Công luận đã thông tin, trong 03 bản khai lý lịch, lúc ông Trần Quang Nam bỏ trống quá trình học Thạc sĩ, lúc ghi vắn tắt nơi/nước đào tạo là "Hoa Kỳ", lúc lại ghi "Southen Califonia University – USA".
Ông Trần Quang Nam khai nơi/nước đào tạo là "Hoa Kỳ" trong lý lịch.
Cách ghi lý lịch của ông Nam còn dễ dẫn tới hiểu nhầm rằng ông học chính quy tập trung tại Hoa Kỳ; học trường University of Southen Califonia danh tiếng chứ không chắc chắn là tại Southen Califonia University for Professianal Studies - SCUPS, nơi cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh theo học.
Sau khi dư luận hoài nghi, Hiệu trưởng Đại học HUFLIT đã lên tiếng với báo chí.
Theo đó, ông Nam thừa nhận học Thạc sĩ tại SCUPS. Tuy nhiên, đây lại là chương trình liên kết giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và SCUPS, được Bộ GD-ĐT cho phép thử nghiệm đào tạo (chỉ tuyển sinh các khóa 1999, 2000, 2001 và kết thúc đào tạo vào 2003 - PV).
Có nghĩa, ông Nam học tại Việt Nam, không phải tại Hoa Kỳ.
Một bản khai lý lịch khác của ông Trần Quang Nam ghi nơi học "lạ".
Liên quan tới SCUPS, văn bằng do trường này cấp cũng gắn với nhiều lùm xùm. Cụ thể, vào cuối 2013, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã không công nhận "bằng Tiến sĩ 6.500 USD" do SCUPS cấp cho Phó Hiệu trưởng Đại học Văn Hiến từ năm 2007.
Nổi tiếng hơn là trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, theo học Thạc sĩ, Tiến sĩ giai đoạn 2001-2002 và 2005-2006, được SCUPS cấp bằng nhưng Bộ GD-ĐT không công nhận. Ông Xuân Anh sau đó bị UBKT Trung ương kết luận: Kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều Đảng viên không được làm.
Cần nhớ, ông Nguyễn Xuân Anh cũng theo học chương trình hợp tác giữa SCUPS và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Quyết định công nhận của UBND TP.HCM có thiếu sót
Có bằng Thạc sĩ SCUPS, ông Nam học Tiến sĩ tại Business School Lausanne (Thụy Sĩ) theo chương trình 300 Tiến sĩ - Thạc sĩ trẻ TP.HCM do Sở KHCN làm đầu mối. Ở chương trình này, người trúng tuyển được Nhà nước cho vay tiền đi học, miễn hoàn trả nếu tốt nghiệp giỏi, xuất sắc.
Học xong Tiến sĩ, ông về Đại học Sài Gòn, sau đó qua Đại học HUFLIT rồi được bầu làm Hiệu trưởng khi các bằng cấp chưa được Bộ GD-ĐT công nhận. HĐQT Đại học HUFLIT mới đây cũng thừa nhận không có văn bản công nhận bằng cấp của ông Trần Quang Nam trong hồ sơ đề nghị UBND TP.HCM công nhận Hiệu trưởng theo luật định.
Về phía cơ quan tham mưu cho UBND TP.HCM ký đóng dấu: Theo điều tra, Sở GD-ĐT TP.HCM có đại diện trong HĐQT Đại học HUFLIT là ông Nguyễn Huỳnh Long – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng TCCB. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 3/8/2018, ông Long vẫn khẳng định ông Trần Quang Nam là Hiệu trưởng hợp pháp vì đã được UBND TP.HCM ký công nhận (!?).
Trưởng phòng TCCB Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Huỳnh Long - Ảnh: hcm.edu.vn.
Phát biểu của ông Long thể hiện sự "hồn nhiên" khó hiểu. Bởi là một nhà quản lý, ông không thể không nắm rõ: Theo Luật Giáo dục Đại học 2012, Điều lệ Trường Đại học 2014, Hiệu trưởng có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ GD-ĐT công nhận.
Như vậy, Quyết định 797/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 1/3/2016 về công nhận Hiệu trưởng cho ông Trần Quang Nam trái với Điều lệ trường Đại học 2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Và cũng theo điều lệ trên, "nếu sử dụng văn bằng giả hoặc văn bằng không được cơ quan có thẩm quyền công nhận", Hiệu trưởng sẽ bị miễn nhiệm.
Tiền bạc là căn nguyên dẫn tới khiếu nại tố cáo?
Sau khi ông Trần Quang Nam lên tiếng, dư luận đã đặt câu hỏi: Tại sao Bộ GD-ĐT cho phép thử nghiệm đào tạo rồi lại không công nhận bằng?
Về vấn đề này, ở thời điểm bằng cấp của cựu Bí thư Đà Nẵng gây tranh cãi, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp đã nói: Hoa Kỳ tách bạch giữa việc cấp phép hoạt động, cấp bằng với công nhận chất lượng đào tạo và bằng cấp. Như vậy, cho phép cấp bằng và công nhận chất lượng văn bằng của tổ chức giáo dục nước ngoài phải được hiểu là hai việc hoàn toàn khác nhau?
Văn bằng do SCUPS cấp không bất hợp pháp, nhưng giá trị chất lượng rất thấp.
Có một thực tế, là dù chưa có thống kê về chất lượng đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ hệ liên kết, từ xa (thường ít chú trọng đầu vào, đầu ra), nhưng hiện tượng nở rộ Diploma mills (lò sản xuất bằng cấp) từ phương Tây đã gây nhiều phức tạp, thậm chí làm "rối loạn" công tác cán bộ Việt Nam nhiều năm qua; Văn bằng do SCUPS cấp trước 2010 được đánh giá là không bất hợp pháp, nhưng giá trị chất lượng rất thấp… Và việc Bộ GD-ĐT từ chối công nhận văn bằng của không ít cán bộ, lãnh đạo, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao được cho là dũng cảm.
Thế nên, việc dư luận "xoáy" vào trách nhiệm của Bộ GD-ĐT nhưng ít chú ý tới lương, phụ cấp, thù lao… tiền tỉ của Hiệu trưởng có vẻ chưa "trúng" gốc rễ của tình trạng khiếu nại tố cáo tại HUFLIT mà Nhà báo & Công luận đã đặt vấn đề.
Ông Nam ký duyệt cho mình gần 70 triệu đồng trong 09 ngày làm ngoài giờ.
Như tin đã đưa, ngoài lương và phụ cấp Hiệu trưởng hàng tháng 52.546.000 đồng, ông Nam còn được thêm 9.660.000 đồng tiền ủy viên HĐQT, 19.950.000 đồng tiền Trưởng Ban Sau Đại học, 19.950.000 đồng tiền Viện trưởng Viện Hàn Quốc học. Ngoài ra, ông này còn nhận nhiều khoản thù lao, trực Tết, nghỉ phép, chỉ đạo,… từ vài trăm tới hàng trăm triệu đồng, trong điều kiện HUFLIT đang gặp nhiều khó khăn khi xây dựng trụ sở mới, nguồn thu chính của HUFLIT là từ người học.
Về thiếu sót trong quy trình bổ nhiệm, chúng tôi đã từng hoài nghi về sự yếu kém trong nắm bắt quy định về giáo dục đại học của các bên liên quan.
Nhưng khi Phó Bí thư Đảng ủy Sở GD-ĐT Nguyễn Huỳnh Long phát biểu kiểu muốn "ém" thông tin, dùng lời lẽ như miệt thị cán bộ, đảng viên dám góp ý, tố cáo sai phạm, thì nghi vấn về sự thỏa hiệp với sai phạm, thậm chí là dối trá của cơ quan quản lý TP.HCM cần sớm được kiểm tra làm rõ.
Kiên Giang