Lưu manh... cổ cồn!

Thứ bảy, 18/04/2020 11:20 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sẽ thật chua chát nếu số tiền “bảo kê” hỏa táng được Đường “Nhuệ” mang đi làm từ thiện và trả cát -xê cho ca sỹ nổi tiếng. Nếu biết được điều đó, có lẽ không có một nghệ sỹ chân chính nào, không có một số phận bất hạnh nào muốn nhận những đồng tiền táng tận lương tâm đến như thế.

Xe sang, biệt phủ không làm cho vợ chồng Dương Đường trở thành doanh nhân theo đúng nghĩa.

Xe sang, biệt phủ không làm cho vợ chồng Dương Đường trở thành doanh nhân theo đúng nghĩa.

Quê lúa Thái Bình vốn dĩ yên bình như cái tên của nó bỗng dưng “nổi tiếng” theo cái cách không ai muốn sau khi trùm "xã hội đen" Đường “Nhuệ” tra tay vào còng.

Mươi năm trở lại đây, núp bóng dưới vỏ bọc doanh nhân, chủ sở hữu của Công ty Bất động sản Dương Đường, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường – Nguyễn Thị Dương đã “hùng cứ một phương”, trở thành “vua không ngai”, điều hành “thế giới ngầm” ở đất Thái Bình.

Vây thầu, can thiệp thô bạo vào hoạt động đấu giá, cho vay nặng lãi, “bảo kê” ăn tiền cả hoạt động… hỏa táng…, vợ chồng Đường “Nhuệ” đã không từ một thủ đoạn nào để kiếm tiền.

Người dân và không ít doanh nghiệp ở Thái Bình bị vợ chồng Dương Đường chèn ép, đánh đập đã không dám lên tiếng. Thậm chí lên tiếng nhưng đã bị kẻ tự coi mình “nếu là số 2 thì không có ai là số 1 ở Thái Bình” ấy một tay che cả… bầu trời.

Làm giàu bất chính từ những việc làm táng tận lương tâm, vi phạm pháp luật, “đại gia” quê lúa đã “vẽ vời” nhiều trò tiêu khiển lố của phường trưởng giả học làm sang như: rát vàng biệt phủ, phá giá thị trường mời ca sỹ nổi tiếng hát mừng kỷ niệm ngày cưới, dấn thân vào phim trường để lấy “số má” với thiên hạ.

Vợ Đường, Nguyễn Thị Dương, trong vỏ bọc của một nữ doanh nhân thành đạt đã xuất hiện trên truyền thông, khoe trên mạng xã hội như một nhà từ thiện có… tâm “Bồ tát”. Dương thậm chí đã được nhận không ít bằng khen, chứng nhận danh giá vì… có thành tích trong sản xuất kinh doanh và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Thực ra, chiêu trò của vợ chồng Dương Đường không mới, không có gì lạ và không chỉ diễn ra ở quê lúa Thái Bình. Đó là "kịch bản mẫu" của một lớp “xã hội đen” mới ngày càng thọc sâu, thò “vòi bạch tuộc” can thiệp thô bạo vào hoạt động kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Khác với lớp xã hội đen trước đây thường là những kẻ du thủ du thực, tranh cướp đầu đường xó chợ, phân chia lãnh địa, sức ảnh hưởng chủ yếu bằng dao kiếm, gậy gộc, lớp “xã hội đen” mới tinh vi hơn rất nhiều.

Lợi dụng môi trường tự do, bình đẳng kinh doanh, chúng thành lập ra các doanh nghiệp và khoác lên mình chiếc áo doanh nhân. Doanh nghiệp của những đối tượng này thường tập trung “kinh doanh” những ngành nghề khá “nhạy cảm” như: cầm đồ, tài chính - tín dụng, dịch vụ đòi nợ thuê, đấu giá tài sản, karaoke…

Đây hoàn toàn là những ngành kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khi đăng ký kinh doanh những ngành nghề kể trên, chiêu thức, mục đích của lớp “xã hội đen mới” là làm cho nó biến tướng thành các hiện tượng: Tín dụng “đen”, vây thầu, siết nợ, bảo kê, rửa tiền… để trục lợi bất chính.

Chúng xuất hiện trong hầu khắp các hoạt động kinh tế, xã hội như: đấu thầu dự án, đấu giá tài sản, cưỡng chế giải phóng mặt bằng, bốc dỡ hàng hóa, quản lý “phế” bến bãi, chợ cóc, xe dù, nhà ga… Thậm chí, cá biệt, có những đối tượng còn can thiệp vào nạn “chạy chức, chạy quyền”, “rửa tiền” của một số đối tượng quan chức tha hóa hay ăn chặn tiền hỏa táng người chết.

Không chỉ tranh cướp bằng biện pháp… thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, khi cần, chúng có thể dùng cả “quyền lực” có được từ những mối quan hệ “ngầm” để can thiệp thô bạo nhằm đạt được mục đích.

Lợi dụng sự sự phát triển, lan tỏa của mạng xã hội và phần nào đó là “truyền thông bất lương”, lớp “xã hội đen mới” đã tìm cách đánh bóng thương hiệu, tạo cho mình một vị thế xã hội nhất định.

Đó là việc tìm mọi cách kết thân với những người của công chúng”, biến “đám cưới”, “tiệc esinh nhật” của mình thành những… đại nhạc hội.

Đó là việc hô hào, khuếch trương hoạt động từ thiện, vốn xuất phát từ cái tâm thành một kênh đánh bóng tên tuổi.

Đó là việc, bằng mọi giá “lọt” được vào các sự kiện quan trọng, chụp một vài bức ảnh với các “yếu nhân” để khoe mẽ với thiên hạ.

Đó là việc sẵn sàng... ngồi tù vài năm để "trang trí" lý lịch bất hảo nhằm lấy "số má" với đàn em.

Đó thậm chí, còn là việc thuê… viết sách để làm bảo bối, gây thanh thế trong giới giang hồ.

Tất cả chỉ để tạo ra một vỏ bọc… lương thiện nhằm che giấu những hành vi bất lương.

Nhưng như một quy luật, tội phạm luôn để lại dấu vết. Dù có tinh vi, xảo quyệt đến mấy, những kẻ như vợ chồng Dương Đường cũng không thoát khỏi ánh sáng của đèn trời.

Comple cổ cồn không che đậy được những vết sẹo, hình xăm loang lổ bản chất lưu manh. Khẩu trang dẫu 3,4 lớp cũng không bịt được tư cách thấp hèn.

Hành động khoe tiền, trưng vàng, đăng biệt phủ, siêu xe, “nổ” quan hệ trên mạng xã hội của chúng đã tự vạch mặt cho thiên hạ thấy những khoảng tối bất minh.

Một người không làm từ thiện xuất phát từ cái tâm không thể trở thành nhà hảo tâm có trái tim nhân ái như thế.

Không phải cứ nhiều tiền thì thành… đại gia, kinh doanh thì… thành doanh nhân và làm từ thiện thì thành người có trái tim... nhân ái.

Chưa đủ căn cứ để kết luận cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã làm ngơ, “bảo kê” để vợ chồng Dương Đường tự tung tự tác trong nhiều năm. Nhưng dư luận có quyền đặt ra câu hỏi rằng: thế lực nào đã “chống lưng” cho bọn họ?

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình liệu có vội vàng hay không khi khen thưởng, biểu dương cho Công an tỉnh này vì đã có thành tích phá án trong vụ “cố ý gây thương tích” liên quan đến Đường “Nhuệ”?

Bởi lẽ trong nhiều năm liền, để cho đối tượng cộm cán, tự kẻ coi mình là số 1 quê lúa vi phạm pháp luật nghiêm trọng, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở đây có vô can?

Và, vì thế, việc bắt vợ chồng Dương Đường nên được xem là thành tích hay là một cách để “sửa sai”?

Ở đâu dung dưỡng cho những sai trái, ở đó rất khó để mọc mầm nhân ái. Thế nên, những bao gạo từ thiện được cướp từ những… xác chết, những món tiền cát-xê ca sỹ được gom từ “bảo kê” chắc chắn không thể khiến cuộc sống nảy nở những bài ca.

Quang Duy

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn