Lý do giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục giảm
(CLO) Tuần trước, giá lúa mì xuất khẩu của Nga đã giảm trở lại do nguồn cung dồi dào, thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen được gia hạn, cũng như kỳ vọng của địa phương về việc cắt giảm thuế xuất khẩu.
Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen được gia hạn vào tuần trước đã cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn. Nhờ đó, thị trường ngũ cốc trở nên đa dạng hơn.
Giá lúa mì Nga với hàm lượng protein 12,5%, giao miễn phí trên tàu (FOB) từ Biển Đen giao trong tháng 6 được bán với giá 242 USD/tấn, giảm 6 USD so với tuần trước, công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết.

Thu hoạch lúa mỳ tại Nga. Ảnh: Reuters.
“Thị trường chỉ đứng yên chờ quyết định về thuế xuất khẩu. Phía Bộ Nông nghiệp đã đưa ra quyết định, nhưng tôi vẫn muốn thông tin chi tiết hơn,” Dmitry Rylko, người đứng đầu IКAR cho hay.
Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Nga đã xác nhận ý định tăng ngưỡng giá để tính thuế xuất khẩu từ ngày 1/6 lên 17.000 Rúp (từ 15.000), điều này sẽ dẫn đến việc thuế tự giảm.
Công ty tư vấn nông nghiệp ước tính tổng xuất khẩu lúa mì của Nga trong tháng 5 đạt 3,8 triệu tấn, so với 1,2 triệu tấn trong tháng 5 năm 2022 và trung bình 1,5 triệu tấn.
Nga đã xuất khẩu 1,21 triệu tấn ngũ cốc vào tuần trước so với 0,76 triệu tấn một tuần trước đó, bao gồm 1,07 triệu tấn lúa mì so với 0,68 triệu tấn một tuần trước đó, Sovecon, công ty tư vấn nông nghiệp của Moscow viết trong báo cáo hàng tuần.
Sovecon cho biết điều kiện thời tiết ở Nga nhìn chung tiếp tục thuận lợi cho vụ thu hoạch mới. Tính đến ngày 18/5, có 19 triệu ha cây trồng đã được gieo trồng, so với 17,6 triệu ha vào ngày đó năm 2022, trong đó 7,4 triệu ha lúa mì vụ xuân (6,6 triệu ha cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, công ty cho rằng tốc độ của chiến dịch trồng trọt đang tiến gần đến mức trung bình.
Hôm thứ Sáu tuần trước, cơ quan đã nâng dự báo sản lượng lúa mì năm 2023 của Nga lên 88 triệu tấn, tăng từ 86,8 triệu tấn trước đó.
Khoảng tháng 4, những lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi căng thẳng chính trị ở Biển Đen được đẩy lên cao là nguyên nhân chính đẩy giá lương thực (ngũ cốc, ngô,...) tăng vọt sau chuỗi lao dốc trước đó.
Chỉ tháng trước, thị trường nông sản là điểm đáng chú ý, với 6 trên tổng số 7 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Đáng chú ý, lúa mì Kansas tăng vọt đến hơn 6%, lúa mì Chicago tăng hơn 5%, chốt ở 235 USD/tấn.
Đồng thời, giá ngô cũng ghi nhận mức hồi phục tới gần 1,5% chủ yếu do ảnh hưởng gián tiếp từ diễn biến giá lúa mì.
Khánh Vy (Theo HSNW)