Lý do Mỹ bất ngờ rút khỏi đàm phán hòa bình Ukraine và lại cấm vận Nga
(CLO) Các quan chức Mỹ đã hoàn tất các lệnh cấm vận kinh tế mới đối với Nga nhằm buộc Moscow chấm dứt xung đột với Ukraine, sau khi bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc đàm phán hòa bình Ukraine.
Các mục tiêu cấm vận bao gồm công ty năng lượng nhà nước Gazprom và các tổ chức lớn trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và ngân hàng, theo một quan chức chính quyền cho biết. Ông Trump sẽ cần phải phê duyệt gói này.
Trước đó, Mỹ đã rút khỏi vai trò làm trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Quan chức Bộ Ngoại giao Tammy Bruce cho biết cho biết các đặc phái viên Hoa Kỳ sẽ không còn “bay vòng quanh thế giới để làm trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình nữa”.
Bà nhấn mạnh rằng bây giờ "hai bên" cần đưa ra những ý tưởng cụ thể về cách chấm dứt xung đột, mặc dù Hoa Kỳ vẫn cam kết sẽ giúp đỡ.
Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết hoặc là cần phải có bước đột phá hướng tới hòa bình "rất sớm" hoặc Tổng thống Trump sẽ phải quyết định Mỹ sẽ dành bao nhiêu thời gian cho cuộc xung đột.
Những tuyên bố trên của chính quyền Mỹ được đưa ra ngay sau khi họ hoàn tất thỏa thuận khoáng sản với Ukraine.
Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết cuộc bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận sẽ được tổ chức tại Quốc hội Ukraine vào tuần tới, đồng thời thông báo thỏa thuận sẽ giúp củng cố hệ thống phòng không của nước này.
Ông cho biết: “Thỏa thuận này sẽ cho phép chúng tôi bảo vệ đất nước tốt hơn ngay tại đây và ngay lúc này, bảo vệ bầu trời của chúng tôi tốt hơn nhờ hệ thống phòng không của Mỹ”.
Thỏa thuận này sẽ mang lại cho Hoa Kỳ quyền tiếp cận ưu tiên đối với các khoản đầu tư mới vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraine và tham gia vào các hợp đồng công cuộc tái thiết Ukraine.
Đặc biệt, bất kỳ khoản viện trợ quân sự mới nào cũng có thể được tính là đóng góp của Mỹ vào quỹ chung được thành lập theo thỏa thuận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết thỏa thuận này là kết quả của cuộc gặp "thực sự mang tính lịch sử" giữa ông và ông Trump tại Vatican trước lễ tang của Giáo hoàng Francis.
Trên chiến trường, Nga cho biết lực lượng của nước này vẫn đang tiếp tục tạo ra một "dải an ninh" tại các khu vực biên giới thuộc vùng Sumy của Ukraine sau khi đẩy lui quân đội Ukraine khỏi Kursk, ngay bên kia biên giới.
Ukraine cho biết lực lượng của họ vẫn còn ở Kursk, nhưng lo ngại về khả năng Nga sẽ tiến vào Sumy. Tổng thống Vladimir Putin phát biểu vào tháng 3 rằng Nga nên tạo ra một vùng đệm ở Sumy để ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiềm tàng của Ukraine.
Cho đến nay, Ukraine vẫn từ chối nhượng lại bất kỳ vùng đất nào và muốn có sự đảm bảo an ninh vững chắc trong bất cứ thỏa thuận hòa bình nào. Trong khi đó, Nga muốn đảm bảo Ukraine sẽ không gia nhập NATO và "phi quân sự hóa", đồng thời luôn bác bỏ khả năng sẽ nhượng lại các lãnh thổ Ukraine mà họ đã sáp nhập.