Lý do Mỹ dọa rút khỏi đàm phán hòa bình Nga - Ukraine
(CLO) Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu cho biết Mỹ có thể rời khỏi bàn đàm phán để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine nếu quá trình này không có tiến triển.
Trong một cuộc họp báo từ Phòng Bầu dục, ông Trump đã nhắc lại mong muốn giải quyết nhanh chóng cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu một trong hai bên tiếp tục cản trở tiến trình ngừng bắn, Mỹ sẽ không thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình.
“Nếu vì lý do nào đó một trong hai bên khiến mọi việc trở nên khó khăn, chúng tôi chỉ nói rằng 'các người thật ngu ngốc, các người thật ngốc nghếch, các người thật tệ hại' và chúng tôi sẽ bỏ qua”, ông Trump nói với các phóng viên.

Dẫu vậy, ông Trump vẫn giữ giọng điệu lạc quan vào thứ Sáu, khi nói thêm: "Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta có cơ hội tốt để giải quyết vấn đề này". Gần đây, các phái viên từ chính quyền Mỹ đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông tránh cam kết rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong trường hợp các cuộc đàm phán hòa bình bị hủy bỏ. "Tôi sẽ không nói điều đó", ông Trump nói.
Trước đó, Ngoại trưởng Marco Rubio - phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với các đồng minh của Mỹ tại Paris - cũng cho biết vào đầu ngày thứ Sáu rằng Mỹ đang tiến gần đến thời điểm mà họ phải quyết định xem liệu cả hai bên có thực sự muốn đạt được thỏa thuận hay không.
"Tôi đang nói về vấn đề vài ngày, liệu điều này có khả thi trong vài tuần tới hay không", ông Rubio nói. "Nếu khả thi, chúng tôi sẽ tham gia. Nếu không, chúng tôi có những ưu tiên khác để tập trung vào".
Ông Rubio, cùng với các đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Keith Kellogg, đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, để thảo luận chi tiết về đề xuất tạm thời ngừng chiến tranh.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đã trao đổi với Tổng thư ký NATO Mark Rutte vào thứ Sáu về đề xuất hòa bình, nói rằng ông và Tổng thống Trump hy vọng đề xuất này sẽ được tiến hành, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc gọi của họ .
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce viết: "Bộ trưởng nhấn mạnh, trong khi quốc gia chúng ta cam kết hỗ trợ chấm dứt chiến tranh, nếu con đường rõ ràng hướng tới hòa bình không sớm xuất hiện, Mỹ sẽ từ bỏ nỗ lực làm trung gian hòa bình".