“Ma trận” trái phiếu: Mạnh tay xử phạt, bịt lỗ hổng pháp lý

Thứ sáu, 15/04/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các vụ bắt tạm giam và khởi tố các cá nhân liên quan đến phát hành, giao dịch cổ phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, khiến câu hỏi về minh bạch thị trường này đang được đặt ra.

Sự kiện: Cổ phiếu

Có thể thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng đã phát sinh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường cần được quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý. Đó là lý do tại sao Bộ Tài chính sẽ phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý giám sát để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn.

Thực tế đáng lo ngại

Không phải đến khi vụ việc các lô trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tân Hoàng Minh bị hủy, các chuyên gia mới cảnh báo về những lỗ hổng của trái phiếu DN. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục cảnh báo việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Báo cáo thị trường trái phiếu DN năm 2021 của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy bức tranh đáng lo ngại. Chỉ tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành năm 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản bảo đảm.

Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico phân tích thời gian qua, dù phát hành riêng lẻ nhưng thông qua kênh phát hành từ các NH và công ty chứng khoán, trái phiếu của nhiều DN bất động sản đã được phân phối đến nhà đầu tư cá nhân. Số lượng trái phiếu phát hành dưới hình thức huy động vốn nhắm vào cộng đồng nhà đầu tư cá nhân này có thể lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trường hợp DN phát hành sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ, nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp nguy hiểm.

“Huy động vốn dưới dạng tiền gửi NH được thực hiện dưới cơ chế giám sát rất chặt của NH Nhà nước. Trong khi đó, huy động vốn từ trái phiếu, do các NH, công ty chứng khoán phân phối cho nhà đầu tư cá nhân lại đang có sự giám sát rất lỏng lẻo. Nếu đây là tác nhân dẫn đến việc kiểm soát nợ xấu không hiệu quả thì rủi ro sẽ đổ dồn về nhà đầu tư cá nhân” - luật sư Trần Minh Hải nhìn nhận.

ma tran trai phieu manh tay xu phat bit lo hong phap ly hinh 1

Theo TS. Nguyễn Quốc Anh - giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong điều kiện hệ thống NH ngày càng siết chặt dòng vốn tín dụng trung dài hạn, phát hành trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn của DN. Dù vậy, thị trường này đang có những lỗ hổng rất lớn đòi hỏi cơ quan quản lý sớm siết chặt để phát triển lành mạnh.

“Lỗ hổng này nằm ở đặc điểm “3 không” (không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản bảo đảm và không có bảo lãnh thanh toán) của trái phiếu DN. Rất nhiều trái phiếu của DN nhỏ và vừa phát hành trên thị trường có đặc điểm này gây rủi ro cho nhà đầu tư. Cơ quan quản lý cần rà soát lại quy định cụ thể về DN nào được phát hành trái phiếu huy động vốn, cụ thể là DN hoạt động trong lĩnh vực nào, huy động cho mục đích gì và sử dụng vốn đã huy động ra sao? Những yếu tố này cần phải công khai để nhà đầu tư biết trước khi quyết định mua trái phiếu” - TS. Nguyễn Quốc Anh phân tích.

Cũng theo TS. Quốc Anh, xếp hạng tín nhiệm độc lập DN cũng là một lĩnh vực cần phải được chú trọng trong thời gian tới để có những tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm khách quan, minh bạch. Ngoài ra, cơ chế giám sát, thanh - kiểm tra và hậu kiểm của cơ quan quản lý cũng cần được tăng cường. “Có tình trạng DN thông qua đơn vị trung gian quảng cáo trái phiếu để phát hành với mục đích huy động vốn nhưng sử dụng ra sao, hiệu quả không... là dấu hỏi lớn, đẩy rủi ro về phía người mua và nắm giữ trái phiếu này” - ông Quốc Anh nói thêm.

Lưu ý nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu DN, ông Nguyễn Nhật Hoàng - Phó Phòng Phân tích rủi ro tín dụng FiinRaings nhấn mạnh nhà đầu tư cần đọc kỹ điều khoản hợp đồng trái phiếu với các nội dung như: cam kết bảo lãnh là bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh cho phía nhà phát hành; cam kết mua lại thì điều kiện để được mua lại là gì... Đồng thời, lưu ý đến sức khỏe của DN phát hành trái phiếu, đặc biệt là mục đích huy động vốn để triển khai dự án nào, có đúng tiến độ không? Cuối cùng, nhà đầu tư cần biết khoản đầu tư bỏ ra có hiệu quả không và rủi ro ra sao?

Cần minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thời gian qua, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu đã phát sinh những rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường, ví dụ mới nhất là vụ hủy 9 lô trái phiếu phát hành không công bố thông tin của các công ty thành viên Tân Hoàng Minh cho thấy rủi ro tiềm ẩn của nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện nay.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong 2 tháng đầu năm nay là 27.694 tỷ đồng, tiếp tục tăng mạnh 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó phát hành riêng lẻ vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội với hơn 80%, tương ứng giá trị 22.185 tỷ đồng, tăng 51%; còn phát hành ra công chúng là 5.509 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia cho rằng sau một năm triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ lo ngại trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành thị trường rủi ro rất lớn. Từ đó, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.

Theo ông Thịnh, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là phải có điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cần công khai minh bạch về tài chính cũng như có các tài sản làm đảm bảo chắc chắn.

Ngoài ra, cần có tổ chức thị trường riêng OTC (thị trường phi tập trung) cho trái phiếu doanh nghiệp, giống như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không công khai tài chính thì phải ở trên thị trường OTC. Lúc này, nhà đầu tư lựa chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp họ đã biết rủi ro và xác định tâm lý “được ăn cả, ngã về không”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng dù có khá nhiều quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng thực tế các quy định này vẫn còn lỏng lẻo. Điều này tạo kẽ hở cho những doanh nghiệp phát hành trái phiếu “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.

Ông Thịnh đề nghị doanh nghiệp cần công khai minh bạch về tài chính, bắt buộc phải có các tài sản làm đảm bảo khi phát hành; đồng thời cơ quan chức năng cần phạt thật nặng, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không theo đúng quy định của pháp luật.

Mạnh tay xử phạt, bịt lỗ hổng pháp lý

Thực tế, thời gian qua, trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phát triển nóng, Bộ trưởng Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN. Theo đó, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các DN phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS.

Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

“Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, đây là bước đi được cho là cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường TPDN trong dài hạn. Ở một khía cạnh khác sự kiện này là cơ hội để các sản phẩm TPDN chất lượng khẳng định được độ tín nhiệm với các nhà đầu tư.

Nhìn chung, các động thái gần đây của các cơ quan quản lý với các sai phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán sẽ góp phần thanh lọc thị trường, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói riêng và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung”, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Ngoại thương nhận định.

Được biết, UBCKNN đang khẩn trương xây dựng sàn mua bán trái phiếu thứ cấp, kỳ vọng sẽ ra mắt cuối năm nay. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN để siết lại chất lượng trái phiếu.

Bộ Tài chính thì khẳng định tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý giám sát để phát triển thị trường TPDN an toàn, hiệu quả. Theo đó, sẽ thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và DN phát hành; đồng thời, hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; mặt khác, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; và bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ cũng đã có công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN, trong đó nêu rõ quyết tâm chấn chỉnh thị trường, không để TPDN trái lề. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn TPDN đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong đó chú ý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến DN bất động sản, các DN có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng.

Ngoài ra, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường TPDN và phát hành, đầu tư TPDN để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường TPDN, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn; có chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định pháp luật…

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn