Hàng Việt ra biển lớn:

“Made in Vietnam”: Những khoảng trống cần được lấp đầy!

Thứ tư, 04/09/2019 15:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL)Sau khi Asanzo bị đội cho chiếc “mũ Tàu”, Bộ Công thương đã lập tức soạn, tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Nội dung dự thảo cho thấy ta còn “ngộ nhận”, ở cả quá khứ lẫn hiện tại.

Bài liên quan

1. Theo dự thảo, sản phẩm được coi là “Made in Vietnam” nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản...

Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo hai tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... thì được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Cụ thể, cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo hai công thức: Trực tiếp là nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng “Made in Vietnam”; Gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.

Cần quy định tỷ lệ % nội địa hóa để doanh nghiệp thiết lập quy trình sản xuất, lắp ráp phù hợp - Ảnh minh họa.

Cần quy định tỷ lệ % nội địa hóa để doanh nghiệp thiết lập quy trình sản xuất, lắp ráp phù hợp - Ảnh minh họa.

Để làm rõ hơn, Bộ Công thương cũng đưa ra phụ lục kèm theo cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa với phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ phải đạt mức 30% trở lên. Ngoài ra, các sản phẩm còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản như phân loại, thay đổi bao bì đóng gói, dán nhãn,... mới được gọi là hàng Việt.

Và gần như ngay lập tức, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra việc dự thảo còn quá chung chung, nhiều bất cập, từ những câu hỏi rất cụ thể mà Bộ Công thương cần phải gấp rút trả lời: Xác định tỷ lệ 30% nguyên liệu đầu vào như thế nào? Việc soạn thảo dự thảo có phải trong tình thế vội vàng, chưa kịp lấy đủ ý kiến chuyên gia để hoàn thiện?...

2. Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, việc lượng hóa các chi phí đầu vào để xác định tỷ lệ 30% để gắn mác xuất xứ Việt Nam là rất khó. Thêm nữa, những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng dưới 30% thì gắn nhãn mác ở đâu?

Vì thế, theo ông, một sản phẩm được gọi là hàng Việt thì ý tưởng về sản phẩm đó, thiết kế bộ phận chính của sản phẩm ấy phải là của doanh nghiệp Việt Nam.

“Với sản phẩm nông nghiệp thì dễ, nhưng đối với hàng công nghiệp thường hay bị nhầm lẫn. Ví dụ, một chiếc xe máy phải có động cơ do doanh nghiệp Việt sáng chế, có đăng ký bản quyền, có thương hiệu mới gọi là hàng Việt. Một chiếc xe máy Honda dù có đưa sang Việt Nam hay Thái Lan lắp ráp thì vẫn là hàng Nhật. Một chiếc điện thoại Samsung dù lắp ở Bắc Ninh, Thái Nguyên vẫn là hàng Hàn Quốc và không ai bảo đó là hàng Việt…”, ông Phú nhận xét.

Công nghiệp lắp ráp ô tô - nền tảng của sản phẩm ô tô Made in Vietnam trong tương lai.

Công nghiệp lắp ráp ô tô - nền tảng của sản phẩm ô tô Made in Vietnam trong tương lai.

Từ quan điểm ở trên, vị chuyên gia cho rằng các cơ quan của Việt Nam thời gian qua đã có sự nhầm lẫn trong thống kê, thường là cao hơn thực tế, do chưa xác định được thế nào là hàng Việt. Ngay thống kê của Bộ Công thương hàng Việt chiếm 90% tại siêu thị trong nước, theo ông là chưa chính xác bởi siêu thị có nhiều hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam nhưng không thể gọi đó là hàng Việt. “Cách thống kê như hiện nay chỉ chạy theo thành tích. Còn dự thảo đưa ra tỷ lệ 30% không ai cân đo, đong đếm được, nhưng nếu khẳng định bộ phận chính của một sản phẩm này doanh nghiệp Việt thiết kế, ý tưởng, thương hiệu là của doanh nghiệp Việt, đã được đăng ký sở hữu trí tuệ thì đó là hàng Việt. Xác định như vậy không ai có thể nhận “vơ” hàng Việt được nữa”, ông Vũ Vinh Phú bày tỏ.

Trực diện hơn, Tiến sĩ – chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành – nguyên thành viên Ban cố vấn kinh tế Chính phủ cho rằng, quy định 30% sản phẩm được nội địa hóa chưa thể gọi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam. “Nếu chỉ quy định 30% giá trị hàng hóa có xuất xứ nội địa, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ dàng “qua mặt” các cơ quan chức năng trong việc dán nhãn Việt Nam. Không phải cứ đạt trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam đạt 30% là hàng hóa đó được xác nhận hàng Việt. Đặc biệt, với hàng hóa có công đoạn gia công, chế biến đơn giản hoặc chỉ trải qua một số công đoạn lau bụi, sàng lọc, phân loại, sơn,... thì không được coi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, TS. Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.

3. Một thực tế chưa có nhiều người để ý, là bộ tiêu chuẩn về hàng Việt ra đời trong thời đại toàn cầu hóa, ít có sản phẩm nào 100% là của một quốc gia, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao, nên việc xác định tỷ lệ % nguyên liệu đầu vào, giá xuất xưởng,… không phải việc dễ dàng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), việc ra đời bộ tiêu chuẩn nói trên là cần thiết. Nhưng theo ông, trong thế giới hội nhập, từng công đoạn, từng chi tiết nước nào làm tốt nhất thì được chọn để đưa vào hoàn chỉnh bộ máy. Vấn đề ở chỗ, sản phẩm ấy dán nhãn hàng nước nào thì phải xem bộ phận chính, yếu tố quyết định của sản phẩm ấy là do ai làm.

Hiện có rất nhiều sản phẩm chỉ là lắp ráp ở Việt Nam mà vẫn được tính là hàng Việt. Như các sản phẩm công nghệ của Samsung - thực chất đó là sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt chỉ làm được một vài chi tiết rất nhỏ, thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng mà thôi, mà khâu ấy khó có thể đạt được 30% như dự thảo nói”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam nói.

Sau Mobiistar, điện thoại thông minh VSmart tiến ra thị trường thế giới.

Sau Mobiistar, điện thoại thông minh VSmart tiến ra thị trường thế giới.

Tiếp đó, ông cho rằng, muốn làm cho ra “đầu đũa” thì phải phân loại theo nhóm sản phẩm, ví dụ sản phẩm cơ khí, điện tử, truyền thống, thô sơ... Trong mỗi sản phẩm ấy thì phải quy định những bộ phận chính của sản phẩm là do doanh nghiệp Việt làm mới được coi là hàng Việt.

Khi những khoảng trống lớn về hàng Việt, về “Made in Vietnam” được chỉ ra, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã mở đường: Khi Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng “Made in Vietnam” thì các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đưa ra những bộ tiêu chí rất chi tiết về việc gắn nhãn “Made in…” mà Việt Nam có thể tham khảo, học tập.

Cụ thể tại Mỹ, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) quy định hàng hóa để được dán nhãn “Made in USA” phải đáp ứng các tiêu chí rất nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tuy nhiên trong trường hợp mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn “Made in USA” sẽ được nới lỏng, là chỉ cần 50% linh kiện trở lên được làm tại Mỹ là đủ để đáp ứng yêu cầu.

Từ các ý kiến chuyên gia, kinh nghiệm các nước,… đã cho thấy việc Bộ Công thương rục rịch ban hành Thông tư quy định việc ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm sản xuất và lưu thông ở Việt Nam đến thời điểm này là khá muộn, nhưng có còn hơn không.

Vậy nên, việc cần làm của Bộ Công thương, theo các chuyên gia, là nhanh chóng lấp đầy các khoảng trống trong dự thảo Thông tư, để ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Và quan trọng hơn, là tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất chân chính có cơ hội cạnh tranh, phát triển.

Kiên Giang

Tin khác

VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

(CLO) Ngày 19/4/2024, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit – “TIN”) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

(CLO) Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ Tháng Năm sắp tới, trong đó lĩnh vực này sẽ nắm bắt cơ hội để lấy lại phong độ trước đại dịch Covid-19 và tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế đất nước thông qua đợt tiêu dùng lớn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo đấu thầu vàng

Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo đấu thầu vàng

(CLO) NHNN thông báo sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng SJC ngay trong chiều nay.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

(CLO) Theo báo cáo do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, xuất khẩu lúa mì của Liên minh châu Âu (EU) sang Bắc Phi đã giảm 25% trong 7 tháng đầu của mùa trồng trọt 2023-2024, với nguồn cung từ Nga chiếm ưu thế trên thị trường khu vực.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

(CLO) Xuất khẩu dầu thô từ Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm, dữ liệu từ Vortexa được Financial Times trích dẫn cho thấy.

Thị trường - Doanh nghiệp