Mạng xã hội có thể làm nhiễu thông tin, báo chí càng cần trở thành 'bộ lọc', 'người gác cổng', và 'người dẫn đường'
(CLO) Hiện tượng "báo hóa" mạng xã hội và "mạng xã hội hóa" báo chí đang phản ánh rất rõ một giai đoạn chuyển động mạnh mẽ của truyền thông trong thời đại số tại Việt Nam. Hai khái niệm này tuy đối lập về mặt hình thức, nhưng lại đan xen và cùng đặt ra những thách thức - cũng như cơ hội - cho hệ sinh thái thông tin hiện nay.
Vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở việc thông tin được sản xuất và lan truyền ra sao, mà còn là nền tảng niềm tin của công chúng được xây dựng và duy trì như thế nào trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin.

'Con dao hai lưỡi' của truyền thông số
Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của "báo hóa" mạng xã hội.
Nhiều trang cá nhân, fanpage, hay kênh nội dung trên YouTube, TikTok tự cho mình vai trò của một “nhà báo công dân”. Họ trực tiếp đưa tin, bình luận, phỏng vấn, thậm chí tổ chức livestream tại hiện trường những vụ việc nóng với tốc độ gần như tức thời, vượt trội về khả năng lan tỏa so với báo chí truyền thống. Sự nhanh nhạy này thỏa mãn nhu cầu thông tin cấp bách của công chúng, tạo cảm giác được tham gia và chứng kiến.
Tuy nhiên, trong sự nhanh nhạy ấy lại ẩn chứa nguy cơ nghiêm trọng. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, chỉ rõ: "Thông tin không kiểm chứng, cảm tính, thậm chí sai lệch - gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, tổ chức và xã hội nói chung".
Ông cũng phân tích về trách nhiệm, khi mạng xã hội không chỉ là nơi chia sẻ cuộc sống cá nhân mà trở thành một 'mặt trận' tin tức, thì những người sử dụng nó lại không có được sự rèn luyện về nghiệp vụ, đạo đức, cũng như không bị ràng buộc bởi luật báo chí – đó chính là khoảng trống lớn về trách nhiệm.

Ở mặt còn lại, ông Sơn chỉ ra rằng, "mạng xã hội hóa" báo chí là một biểu hiện của sự thích nghi mạnh mẽ từ các cơ quan báo chí chính thống trước sự thay đổi của thói quen tiêu dùng thông tin.
Nhiều tòa soạn và nhà báo đã chủ động mở rộng phạm vi hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội, không chỉ để lan tỏa nội dung mà còn để tương tác, thấu hiểu và đồng hành cùng độc giả trong thế giới số.
Các bài viết báo chí ngày nay không còn khép kín trong khuôn khổ truyền thống; chúng được kể lại bằng video ngắn, infographic sinh động, bằng dòng caption ngắn gọn, đầy cảm xúc - để phù hợp với “ngôn ngữ” mạng xã hội.
Song, điều đó cũng tiềm ẩn rủi ro không nhỏ. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn: "điều đó cũng khiến không ít nhà báo bị cuốn vào vòng xoáy của thị hiếu, chạy theo lượt tương tác thay vì giữ vững chất lượng nội dung, chiều sâu thông tin và bản lĩnh nghề nghiệp".
Hai hiện tượng ấy đang diễn ra song song và ngày một rõ nét, như hai dòng chảy cùng đổ vào đại dương thông tin mênh mông, nơi người dân vừa là người tiêu dùng, vừa là người kiến tạo nội dung.
Niềm tin công chúng: Giá trị tối thượng đang bị lung lay
Nhận định về mức độ ảnh hưởng của hai hiện tượng này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: "Ảnh hưởng của hai hiện tượng 'báo hóa' mạng xã hội và 'mạng xã hội hóa' báo chí đến hoạt động báo chí chuyên nghiệp - và sâu xa hơn là đến niềm tin của công chúng - là vô cùng rõ rệt, thậm chí mang tính quyết định trong việc định hình lại vị thế của báo chí trong xã hội hiện đại".
Ông phân tích cụ thể, một mặt, 'báo hóa' mạng xã hội đang làm mờ ranh giới giữa nhà báo chuyên nghiệp và người dùng mạng xã hội. Khi một người bình thường có thể viết một 'bản tin', quay một clip hiện trường, hay đưa ra những bình luận sắc bén về một vụ việc nào đó – thì vai trò 'độc quyền thông tin' của báo chí truyền thống bị thách thức nghiêm trọng.
Đã có lúc, tốc độ và sự lan tỏa của mạng xã hội khiến báo chí như bị “chậm chân” trong cuộc đua thông tin, thậm chí phải đi kiểm chứng lại từ chính… mạng xã hội.
Ông Sơn nhấn mạnh: "Trong cuộc đua ấy, nếu báo chí chỉ lo 'giữ chân' bạn đọc bằng cách chạy theo giật gân, câu view, mà quên mất sứ mệnh của mình, thì đó là sự đánh đổi nguy hiểm: mất đi niềm tin - thứ vốn là giá trị cốt lõi và lâu bền nhất mà một tờ báo có thể xây dựng".

Về "mạng xã hội hóa" báo chí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng chỉ ra, nếu quá lệ thuộc vào thuật toán mạng xã hội, vào lượt thích - chia sẻ - bình luận, thì báo chí rất dễ sa vào xu hướng chiều chuộng thị hiếu nhất thời, mà mất đi bản lĩnh định hướng dư luận, soi sáng sự thật, và làm bệ đỡ cho giá trị nhân văn, tiến bộ.
"Nếu mạng xã hội có thể làm nhiễu thông tin, thì báo chí càng cần trở thành 'bộ lọc', 'người gác cổng', và 'người dẫn đường'. Chỉ khi giữ được chuẩn mực nghề nghiệp, sự trung thực và chính trực, báo chí mới có thể tiếp tục là chỗ dựa tin cậy cho công chúng giữa vô vàn sóng gió của kỷ nguyên số", ông nhận định
Thích ứng, kiến tạo và quản lý chặt chẽ
Trong bối cảnh hiện tại, các cơ quan báo chí buộc phải thay đổi và thích ứng để tồn tại, nhưng không có nghĩa là từ bỏ giá trị cốt lõi. Ngược lại, chính những giá trị như sự kiểm chứng, khách quan, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp mới trở nên quý giá hơn bao giờ hết.
Để tận dụng lợi thế của mạng xã hội mà vẫn giữ vững uy tín và đạo đức, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất, điều đầu tiên mà báo chí cần làm là học lại ngôn ngữ của thời đại. Mỗi nền tảng - từ Facebook, TikTok, đến YouTube, Instagram - đều có cách kể chuyện riêng, cách truyền tải thông tin riêng.
Ông khuyến nghị báo chí cần sáng tạo lại chính nội dung của mình để phù hợp với thói quen tiêu dùng mới: ngắn gọn, trực quan, đa phương tiện và mang tính tương tác cao.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt là "đừng đánh đổi bản sắc lấy sự lan truyền". Ông khẳng định: "Sự uy tín không đến từ lượt tương tác ồn ào, mà đến từ sự chuẩn xác trong từng con chữ, sự công tâm trong từng góc nhìn, và sự dũng cảm trong từng lựa chọn đề tài".
Để hiện thực hóa điều này, các tòa soạn cần đầu tư sâu rộng vào chuyển đổi số theo chiều sâu – không chỉ công nghệ mà cả tư duy làm báo. Đào tạo đội ngũ nhà báo đa năng, có khả năng sản xuất nội dung đa phương tiện, hiểu biết về truyền thông số và vẫn giữ được "bản lĩnh của người cầm bút" là vô cùng cần thiết.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định: "Nếu coi mạng xã hội là dòng chảy dữ dội của thông tin, thì báo chí chuyên nghiệp chính là con tàu vững vàng đi giữa dòng – vừa linh hoạt chèo lái, vừa giữ vững phương hướng. Đó là con đường không dễ, nhưng là con đường duy nhất để báo chí thực sự 'tồn tại bằng chất lượng, sống được bằng niềm tin'".
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần một hệ sinh thái pháp lý, quản trị và giáo dục bài bản. Ông nhấn mạnh, trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý một cách rõ ràng, cập nhật và khả thi, nhất là trong việc phân định ranh giới giữa báo chí, truyền thông chính thống và nội dung do người dùng tạo ra trên mạng xã hội.
Các quy định này không nhằm hạn chế tự do ngôn luận, mà để bảo vệ quyền tiếp cận thông tin chính xác, khách quan của người dân, với chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên mạng xã hội.
Ông cũng đề xuất nâng cao năng lực giám sát và phản ứng nhanh của các cơ quan chức năng, đầu tư vào công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm tin giả, và xây dựng các trung tâm kiểm chứng độc lập, uy tín. Cuối cùng, một giải pháp không kém phần quan trọng là giáo dục công dân số cho toàn xã hội - đặc biệt là giới trẻ.
Ông cho rằng: "Chúng ta cần đưa kỹ năng truyền thông, tư duy phản biện, nhận diện tin giả và hiểu biết pháp luật vào trường học, vào chương trình phổ cập tri thức cộng đồng, để mỗi người dân Việt Nam không chỉ là người dùng mạng xã hội, mà còn là một công dân có trách nhiệm trong không gian mạng".