Bà Phạm Thị Vân, một khách hàng tham dự sự kiện này cho biết, bà nhận được điện thoại từ một người môi giới nói về dự án Him Lam Bình Chánh, đúng lúc cũng đang có nhu cầu đầu tư Bất động sản nên đã tham dự vì nghĩ chủ đầu tư là Công ty cổ phần Him Lam vốn có uy tín trên thị trường từ trước đến nay. Thế nhưng, sau khi tham dự sự kiện, nhận thấy dự án này có sự mập mờ về chủ đầu tư nên bà Vân đã quyết định không đầu tư nữa.
“Sau khi tham dự sự kiện, tham khảo một số thông tin thì tôi rất bất ngờ khi nhận ra, nhóm chủ đầu tư dự án mang tên “Him Lam Bình Chánh” hoàn toàn không liên quan gì đến Công ty Him Lam có tiếng từ trước tới nay. Vì nhận ra sự nhập nhằng không rõ ràng này nên tôi đã quyết định không đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có không ít người do tin tưởng thương hiệu Him Lam nên đã đặt cọc mua nền đất tại dự án này”, bà Vân cho hay.
PV liên hệ với số điện thoại 0903708... có trên tờ rơi quảng cáo bán đất, một người tự nhận tên Đăng cho biết, dự án được quảng cáo do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư.
Để thu thập thêm thông tin liên quan đến những phản ánh của người dân, đóng vai người mua đất, PV đã liên hệ với số điện thoại 0903708486 có trên tờ rơi quảng cáo bán đất, một người tự nhận tên là Đăng, nhân viên kinh doanh của dự án Him Lam Bình Chánh đã giới thiệu quảng bá về dự án với rất nhiều tính năng vượt trội.
Khi được hỏi chủ đầu tư dự án này có phải là Công ty Him Lam hay không thì anh này khẳng định: “Đây là dự án của Tập đoàn Him Lam ạ”. Anh này còn mời PV thứ 7 này, 24/11/2018 đến tham dự sự kiện mở bán dự án Him Lam Bình Chánh tại Trung tâm hội nghị 7 Kỳ Quan để được hưởng nhiều ưu đãi. Mặc dù vậy, khi phóng viên ngỏ ý muốn đi coi thực địa đất thì anh ta tìm lý do để thoái thác, cả việc coi hồ sơ pháp lý dự án cũng bị từ chối với lý do: Để công bằng cho các khách hàng khác đến tham gia sự kiện.
Theo ông Đinh Bảo Linh, Công ty Him Lam không hề triển khai, mở bán bất cứ dự án nào mang tên “Him Lam Bình Chánh” hay “Him Lam Nam Sài Gòn” tại khu vực huyện Bình Chánh.
Có cơ sở để xử phạt hành chính
Liên quan đến việc nêu trên, PV báo Nhà báo & Công luận cũng đã liên hệ với phía Công ty Him Lam để nắm bắt thông tin nhằm phản hồi cho bạn đọc. Theo đó, đại diện phía công ty là ông Đinh Bảo Linh - Phó giám đốc khối tiếp thị truyền thông cho biết, hiện nay, Công ty Him Lam không hề triển khai, mở bán bất cứ dự án nào mang tên “Him Lam Bình Chánh” hay “Him Lam Nam Sài Gòn” tại khu vực huyện Bình Chánh, ngoài Khu dân cư Him Lam 6A đã được hoàn tất và bàn giao từ lâu. Đặc biệt, Công ty Him Lam và các đối tác liên kết bán hàng chưa bao giờ và không bao giờ phát tờ rơi để giới thiệu dự án và để bán sản phẩm nhà đất của Công ty Him Lam
Luật sư Thái Đức Long (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Thái, Đoàn Luật sư TPHCM)
Ngoài ra, theo ông Linh, phía Công ty Him Lam cũng đã nhận được phản hồi từ phía khách hàng về hành vi mạo danh này. Công ty Him Lam khẳng định, việc các đơn vị cố ý đặt tên, mở bán sản phẩm với tên gọi “Him Lam Bình Chánh”, “Him Lam Nam Sài Gòn”, … là hành vi “mạo danh”, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu độc quyền của Công ty Him Lam. Do đó, Công ty Him Lam sẽ làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo vệ quyện lợi chính đáng của mình.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Thái Đức Long (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Thái, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, nếu thông tin mà ông Đinh Bảo Linh đưa ra là đúng thì có thể nhận định, khi tổ chức, cá nhân sử dụng tên thương mại của Him Lam để rao bán bất động sản, có thể suy luận là họ chưa có đủ điều kiện kinh doanh bất động sản. Cho nên, trong vụ việc này có thể thấy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đủ cơ sơ để tiến hành xử phạt hành chính đối với hành vi sai phạm.
“Trước hết, do có sự vi phạm quyền sở hữu tên Thương Mại của Công ty Him Lam cho nên hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tối đa 250 triệu đối với cá nhân và 500 triệu đối với tổ chức căn cứ điều 11, khoản 12 Nghị định 99/2013/NĐ – CP, ngày 29.08.2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Đồng thời, hình thức phạt bổ sung bao gồm: đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 01 đến 03 tháng; buộc loại bỏ tên doanh nghiệp, yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm. Thêm nữa, vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản có bị phạt tối đa 300 triệu đối với tổ chức theo điều 24, khoản 1, điểm e, Luật xử lý vi phạm hành chính”, Luật sư Long nhận định.
Theo Luật sư Long, phía Công ty Him Lam có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm, cũng như có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi này gây ra (nếu có).
Riêng đối với những khách hàng đã đặt mua bất động sản của “chủ đầu tư mạo danh” thì họ được quyền đơn phương hủy HĐ đặt cọc và yêu cầu tổ chức, cá nhân đó phải trả lại đầy đủ số tiền đã nhận cộng lãi suất (nếu có). Song song với đó, họ còn có thể khởi kiện đến TAND có thẩm quyền nếu tổ chức cá nhân đó dây dưa, cố tình chiếm dụng vốn. Chưa hết, những khách hàng này còn có thể tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo gian dối quy định tại điều 197 Bộ luật tố tụng hình sự.
Nguyễn Thanh Vĩnh