“Mắt biển” ở Lạch Trào

Thứ sáu, 28/08/2020 06:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thanh Hóa hiện có 3 trạm đèn biển và 2 trạm quản lý báo hiệu hàng hải. Trạm đèn biển Lạch Trào được xây dựng từ năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Đến năm 1998, trạm được đầu tư xây mới.

Ngọn hải đăng hiện tại cao 27m so với mực nước biển với 94 bậc cầu thang hình xoắn ốc. Trạm trực thuộc Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc (Bộ Giao thông Vận tải).

Lính không quân hàm

Trạm trưởng trạm đèn biển Lạch Trào (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) Trần Văn Nhân mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một hình ảnh xúc động như vậy khi được hỏi về những khó khăn vất vả của những người gác đèn biển “nơi cuối sông đầu biển”.

Trạm trưởng Trần Văn Nhân, 42 tuổi, từng có 16 năm đi dọc miền Trung gác đèn biển.

Trạm trưởng Trần Văn Nhân, 42 tuổi, từng có 16 năm đi dọc miền Trung gác đèn biển.

Cha anh năm nay hơn 70 tuổi, người đã dành cả thanh xuân cho nghề… gác đèn biển. Cái nghề mà nhân dân địa phương thường gọi vui là các anh… cột đèn.

Cha tôi từng được đồng đội hai lần làm lễ truy điệu trước khi xung phong cảm tử phá thủy lôi trong kháng chiến chống Mỹ. Công việc của chúng tôi hôm nay dẫu vất vả, thầm lặng nhưng so với thế hệ cha anh đã là gì đâu?

“Tôi đến với nghề này như một cái duyên. Vốn là lính đặc công nước, sau khi xuất ngũ, tôi đã từng trải qua một số công việc với thu nhập khá ổn. Nhưng rồi cuối cùng lại gắn bó với một nghề mà xã hội nhìn vào thấy rất khô khan và cô đơn. Có lẽ chính những câu chuyện kể của cha về những năm tháng gác đèn biển chống bom Mỹ đã như một niềm tự hào và là sợi dây đưa tôi đến với những ngọn hải đăng ở khắp dải đất miền Trung” – anh Nhân tâm sự.

Chính thức trở thành lính gác đèn biển vào năm 2004, 16 năm qua, bàn chân anh Nhân đã đi khắp các trạm hải đăng dọc miền Trung: từ Cửa Việt, Mũi Lay, Cửa Tùng (Quảng Trị) đến Đảo Mê, Nghi Sơn, Lễ Môn, Lạch Trào (Thanh Hóa). Có những nơi như Đảo Mê, anh đến, đi rồi trở lại, không khác gì một người lính biển. Chỉ khác là những người gác đèn biển như anh không mang quân hàm.

“Hồi ở Đảo Mê, trạm có 6 người, anh em ở biệt lập với bộ đội, đường lên trạm rất khó khăn. Mùa mưa bão, việc vào bờ là một hành trình gian nan. Các đoàn từ đất liền ra thăm đảo gần như không ai biết sự có mặt của những người gác đèn biển nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thú thật chúng tôi cũng có lúc thấy chạnh lòng. Nếu không thực sự yêu nghề, khó mà gắn bó lâu bền được” - Trạm trưởng 42 tuổi Trần Văn Nhân trải lòng.

Nhờ hàng xóm “thắp đèn” ở nhà

Người giữ thâm niên gác đèn lâu nhất ở trạm Lạch Trào là anh Vũ Thọ Quý lại mang đến một câu chuyện lấp lánh niềm vui sau những năm tháng thanh xuân đi dọc bờ biển thắp sáng hàng chục ngọn hải đăng.

Anh Quý 50 tuổi, nhà ở cầu Niệm, Hải Phòng đã trải qua gần 30 năm xa nhà biền biệt. 40 tuổi, anh vẫn cứ là “trai tân” vì chưa kịp bén duyên cô gái nào đã phải chuyển đi trạm khác cách xa vài trăm cây số. Những tưởng tình duyên cứ dập dềnh theo con nước nhưng cũng chính nhờ nghề gác… cột đèn mà anh đã “cột” được một cô gái kém mình tới 16 tuổi.

“Nhà cô ấy ở chân ngọn hải đăng Quất Lâm, Nam Định. Lúc ấy mình cũng đánh liều hứa là anh không chuyển đi đâu nữa, sẽ… cột ở đây mãi mãi với em. Nhưng rồi cưới xong, tôi lại đi biền biệt khắp nơi. Cô ấy về làm dâu Hải Phòng và ngóng chồng vài tháng mới được về nhà một lần từ Thanh Hóa. Nhưng nói thật với các chú, ở tuổi tôi mà hằng ngày vẫn đều đặn gọi điện thoại nghe tiếng đứa con trai còn ẵm ngửa bi bô tập nói cũng hạnh phúc lắm chứ. Xa vợ con cũng có cái hay là khi gặp tình cảm lúc nào cũng như thuở ban đầu, no dồn đói góp” - Anh Quý hài hước chia sẻ.

Anh Nguyễn Đăng Hương hài hước ví von về người gác đèn biển, còn đèn nhà mình nhờ hàng xóm… thắp sáng.

Anh Nguyễn Đăng Hương hài hước ví von về người gác đèn biển, còn đèn nhà mình nhờ hàng xóm… thắp sáng.

Anh Nguyễn Đăng Hương, sinh năm 1974 vừa lau dầu máy vừa ứa nước mắt kể về giây phút hạnh phúc khi ở ngoài đảo nghe tin vợ sinh con đầu lòng: “Tôi vừa vui vừa buồn trong giây phút ấy. Vui vì mình lần đầu được làm cha nhưng buồn vì không thể ở bên vợ lúc cô ấy vượt cạn. Các chú không ở đảo nên không thể hiểu được cảm giác đứng giữa đảo, xung quanh là biển cả bao la để ngóng chờ tin vợ sinh. Đó là một cảm giác hồi hộp, cồn cào, thương nhớ đến nghẹt thở. Anh em trong nghề chúng tôi thường nói vui, mình đi thắp sáng cho biển trời Tổ quốc, còn đèn nhà mình đã có… anh hàng xóm sang thắp lúc… tắt lửa tối đèn”.

Ý niệm thiêng liêng về Tổ quốc

Lạch Trào thuộc địa phận xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nơi con sông Mã, sông Mẹ của xứ Thanh hòa mình vào biển cả. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là một trong những điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.

Năm 1967, trạm đèn biển bắt đầu có mặt tại Lạch Trào. Dù chỉ là một vệt đèn dầu leo lét trên bờ biển rộng dài bao la nhưng kể từ đó, nó trở thành một tọa độ với sứ mệnh dẫn dắt cho những con tàu.

Cha anh Nhân năm nay ngoài 70 tuổi. Ông từng dành cả thanh xuân đi gác đèn biển. Những năm chiến tranh, nghề gác đèn không phải chỉ lo… thắp sáng mà còn gắn với nhiệm vụ bảo vệ ngọn đèn biển khỏi sự tàn phá của kẻ thù. Lần giở lại những trang tư liệu của ngành đảm bảo an toàn hàng hải, anh Nhân chỉ cho chúng tôi thấy những dòng hồi ức kể lại chuyện hai lần cha anh được đồng đội làm lễ truy điệu trước khi xung phong làm cảm tử quân phá thủy lôi của giặc Mỹ ở Hòn Dáu và Long Châu (Hải Phòng). Có những thời điểm đèn biển bị đánh sập nhưng chỉ 24h sau, ngọn đèn đã sáng trở lại nhờ những nỗ lực hy sinh thầm lặng của những “người lính không quân hàm”. Trong chiến tranh, ngay tại trạm đèn biển Lạch Trào, có hai nhân viên gác đèn đã hy sinh, được công nhận là liệt sỹ.

Người dân địa phương quen gọi ngọn hải đăng Lạch Trào cao 27m so với mực nước biển là “cột đèn”.

Người dân địa phương quen gọi ngọn hải đăng Lạch Trào cao 27m so với mực nước biển là “cột đèn”.

Bất kể thời tiết, hằng ngày công việc của những người gác đèn biển Lạch Trào phải lên, xuống 94 bậc cầu thang hình xoắn ốc hàng chục lần để kiểm tra kỹ thuật, thường xuyên bảo trì cả một hệ thống điện mặt trời, máy phát điện, kiểm tra toàn bộ hệ thống phản quang, lau chùi bóng đèn và các thiết bị chiếu sáng, để kịp thời phát hiện và điều chỉnh nếu có sự cố.

Thời tiết ổn định không sao nhưng hễ mưa bão, giông lốc, sấm sét thì thực sự là một… cuộc chiến. Thời tiết càng khắc nghiệt thì đèn càng phải sáng để báo hiệu cho những con tàu ngoài trùng khơi biết hướng vào bờ. 

“Trạm hải đăng của chúng tôi thường đóng ở các địa danh như: “Cửa”, “Mũi”, “Đảo”, “Lạch”, “Hòn… Đó là những vùng đất xa xôi, hẻo lánh thường gợi nên một cảm giác xa xăm, buồn vời vợi nhưng vô cùng thiêng liêng, đó là nghề đi thắp sáng cho biển trời của Tổ quốc” - Trạm trưởng Trần Văn Nhân bộc bạch.

Quang Duy

Tin khác

Hà Nội: Phát hiện 1 tấn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Hà Nội: Phát hiện 1 tấn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc

(CLO) Đội 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) vừa phát hiện 2 cơ sở kinh doanh tại huyện Thanh Trì đang bày bán hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Đời sống
Bán vàng giả mạo nhãn hiệu, một doanh nghiệp tại Nghệ An bị phạt 85 triệu đồng

Bán vàng giả mạo nhãn hiệu, một doanh nghiệp tại Nghệ An bị phạt 85 triệu đồng

(CLO) Ngày 19/4, Đội 11, Cục Quản lý thị trường Nghệ An (QLTT) cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt 85 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.

Đời sống
“Sống hẹp” trong khu phố nghìn tỷ giữa lòng Thủ đô

“Sống hẹp” trong khu phố nghìn tỷ giữa lòng Thủ đô

(CLO) Con ngõ chỉ vừa vặn một người đi, bước vào trong ngỡ đến một thế giới khác được xuất hiện ngay sau những hàng quán xa hoa, lộng lẫy là “đặc sản” của phố cổ Hà Nội.

Đời sống
Lật thuyền do mưa lớn, 2 người phụ nữ mất tích ở hồ thủy điện Sơn La

Lật thuyền do mưa lớn, 2 người phụ nữ mất tích ở hồ thủy điện Sơn La

(CLO) Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đang nỗ lực tìm kiếm hai phụ nữ mất tích sau khi thuyền của các nạn nhân bị lật do giông gió lớn trên hồ thủy điện Sơn La.

Đời sống
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024

Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024

(CLO) Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Đời sống