Máu đổ thời bình: Hãy dừng “đánh cược” với thiên nhiên!

Thứ bảy, 17/10/2020 10:02 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đừng đổ lỗi cho thiên tai nếu biết rằng, chính con người dù lường trước hậu quả vẫn tàn phá, chọc giận thiên nhiên. Thiên tai có nguồn gốc từ… nhân tai và chẳng khác gì một thứ… địch họa giữa thời bình.

Bài liên quan
Thủy điện Rào Trăng 3 nằm ngay trong vùng lõi Khu BTTT Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TL

Thủy điện Rào Trăng 3 nằm ngay trong vùng lõi Khu BTTT Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TL

Những chiếc mũ cối màu xanh được tìm thấy ở hiện trường bê bết bùn đất có lẽ là hình ảnh xúc động, gây ám ảnh nhất tại Rào Trăng trong những ngày vừa qua. 11 cán bộ, chiến sỹ và 2 “người lính không quân hàm” đã bị vùi lấp trong một vụ sạt lở kinh hoàng đêm 13/10.

Tiếng gọi: “Đồng đội ơi! Còn ai không?” của những chiến sỹ tham gia tìm kiếm thi thể đồng đội lọt vào thinh không thăm thẳm, biền biệt bay theo gió núi mây ngàn. Không thể có một phép màu nào cho hy vọng các anh sẽ trở về. Những tiếng khóc xé lòng Miền Trung, nơi được ví như đòn gánh cong cõng hai đầu đất nước.

Hình ảnh những chiếc mũ cối gắn ngôi sao được tìm thấy ở hiện trường vụ sạt lở gây xúc động mạnh mẽ. Ảnh: TL

Hình ảnh những chiếc mũ cối gắn ngôi sao được tìm thấy ở hiện trường vụ sạt lở gây xúc động mạnh mẽ. Ảnh: TL

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là người con của miền đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” Quảng Bình. Trước khi được thăng hàm tướng, ông Man từng là một người lính theo đúng nghĩa của từ này. Đồng đội của vị tướng này kể, từ khi còn là lính địa phương cho đến khi trở thành tướng… quân khu, ông Man vẫn mãi giữ chất lính. Nghĩa là cứ thấy ở đâu hiểm nguy, ở đâu người dân gặp nạn, tướng Man đều có mặt kịp thời. Đây không phải là lần đầu tiên tướng Man trên cương vị Phó Tư lệnh Quân khu 4 “mưa dầm, cơm vắt” với lính, với dân. Thay vì dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình theo giấy mời, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đã cùng đồng đội tiến về Rào Trăng, nơi có những công nhân thủy điện đang bị mắc kẹt bởi mưa lũ. Con đường 71 đi vào vùng thủy điện đã bị sạt lở và ngập nước nên không thể đi xe. Sau khi hội ý với các sĩ quan tham mưu và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thiếu tướng Man quyết định phải đi bộ để càng sớm càng tốt tiếp cận khu vực bị nạn để thị sát, nhằm có kế hoạch cứu nạn. Ngay đầu giờ chiều, nhóm công tác do Thiếu tướng Man chỉ huy, cùng các cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4, Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi ngay vào Rào Trăng để rồi ngay trong đêm hôm đó, ông cùng 12 đồng đội đã không thể trở về.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man luôn gần gũi với người dân những lúc khó khăn, nguy hiểm. Ảnh: TL

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man luôn gần gũi với người dân những lúc khó khăn, nguy hiểm. Ảnh: TL

Trong số 13 nạn nhân có đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng. Đáng chú ý, tháng 12-2014, khi đang là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh công binh, ông Hùng đã trực tiếp chỉ huy hơn 300 người của các lực lượng quân đội đào đường hầm dài 20m và tiếp cận, giải cứu thành công toàn bộ 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng). Thật đau đớn khi trong lần giải cứu này, người chỉ huy xuất sắc năm nào đã vĩnh viễn không trở về.

Nỗi đau còn dày thêm khi vị chủ tịch huyện Phong Điền 43 tuổi, vừa nhậm chức hơn 1 tháng cũng gặp nạn như Thiếu tướng Man và Đại tá Hùng, bỏ lại mẹ già đang nằm viện.

13 cán bộ, chiến sỹ trong đoàn công tác đã hy sinh. Phía sau họ là gia đình, người thân. Đất nước đã hòa bình mấy thập kỷ, nhưng, máu vẫn đổ giữa đêm mưa rừng, gợi lên một nỗi đau không gọi thành tên.

Nỗi đau ấy là vì đâu? Xin thưa: đến từ những cuộc “đánh cược” giữa con người với thiên nhiên.

Đến giờ phút này, không thể không đắng lòng mà thừa nhận, chúng ta đã, đang và sẽ còn phải trả những cái giá rất đắt cho cái gọi là "phát triển nóng" của thủy điện. Thử hình dung xem, một Khu bảo tồn thiên nhiên như Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) mà “cõng” đến 4 nhà máy thủy điện, trong đó có 3 nhà máy nằm ngay trong vùng lõi (bao gồm cả nhà máy Rào Trăng 3), 1 nhà máy ở khu phục hồi sinh thái thì lũ lụt, sạt lở không xảy ra mới là chuyện lạ. Đáng chú ý năm 2019, khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 – Rào Trăng 3 đã được các chuyên gia ở Viện Địa chất và Khoáng sản cảnh báo là khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Báo cáo của cơ quan này cũng đã được gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Cái giá phải trả của thủy điện ở nước ta là quá lớn và đã có không ít bài học đau xót. Nhưng dường như trong sự lựa chọn giữa bảo tồn bền vững và phát triển nóng, lợi ích trước mắt vẫn là thứ được lựa chọn. Thế nên, chẳng gì ngạc nhiên khi Thủy điện Rào Trăng 3 từ sứ mệnh thắp sáng rồi đây lại trở thành một miền ký ức đen tối.

Đừng đổ lỗi cho thiên tai nếu biết rằng, chính con người dù biết trước hậu quả vẫn tàn phá, chọc giận thiên nhiên. Thiên tai có nguồn gốc từ… nhân tai và chẳng khác gì một thứ… địch họa giữa thời bình.

Mấy hôm nay, không chỉ có Miền Trung sụt sùi mưa lũ mà người dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đều trĩu nặng một nỗi buồn, thương tiếc các anh, những người lính đã anh dũng hy sinh giữa thời bình.

Hàng vạn dòng Status tiễn biệt, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh; hàng trăm bài thơ, bản nhạc về tấm gương hy sinh của các anh đã gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. 

Và, rất kịp thời, trong ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 liệt sỹ hy sinh trong quá trình tham gia tìm kiếm cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3.

Tất cả đều tự hào về những người lính của nhân dân, dù có người không quân hàm, không đội mũ có ngôi sao. Chính các anh là ngôi sao sáng mãi trong lòng người ở lại.

Sự ghi nhận của nhân dân, của Tổ quốc dành cho các anh là vô cùng to lớn. Sự hy sinh, mất mát lớn lao của các anh, gia đình, người thân, đồng đội là vô giá. Nhưng, không thể không nhắc lại một lần nữa, nỗi đau ấy, sự hy sinh mất mát ấy, hoàn toàn có thể không xảy đến giữa thời bình, nếu chúng ta dũng cảm dừng “đánh cược” với thiên nhiên. 

Quang Duy

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn