Mẹ bất ngờ phát hiện con rối loạn tâm thần vì đi học hay mất đồ
(CLO) Bé Nguyễn An (6 tuổi) có biểu hiện lơ đãng, đi học mất đồ dùng học tập thường xuyên, cha mẹ đưa đi khám phát hiện rối loạn tăng động giảm chú ý.
Khi được hỏi triệu chứng của con, chị Nguyễn Thanh Hương (Gia Lâm) nói: “Con không sốt, không đau họng, chỉ mất tập trung, đi học hay mất đồ”. Bé An được chuyển khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Hầu như sau mỗi buổi học bé An đều hay quên hoặc mất đồ dùng học tập, số tiền chị phải chi cho việc mua đồ dùng lên đến 500 ngàn đồng mỗi tháng. Nhiều hôm bé An quên cặp sách ở trường. Ngoài ra, chị Hương cho biết con có biểu hiện hay lơ đãng, ngồi vặn vẹo trên ghế, khó khăn để hoàn thành bài tập về nhà.

Tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em. (Ảnh minh họa).
ThS.BSNT Phạm Văn Dương (khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết bé An bị rối loạn tăng động giảm chú ý với triệu chứng hay quên và mất đồ đạc, thường xuyên mất tập trung. Bé An được thực hiện bộ test Vanderbilt để sàng lọc hỗ trợ chẩn đoán tăng động giảm chú ý gồm 47 mục đánh giá kỹ 4 nhóm triệu chứng tăng động/xung động, chú ý, hành vi, lo âu/trầm cảm. Qua đánh giá, bác sĩ Dương xác định bé mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thể giảm chú ý, phương pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.
Sau 2 tháng, các biểu hiện tăng động, giảm chú ý của bé An được kiểm soát. Chị Hương vui mừng nói: “Con tôi giờ đây đã có thể hoàn thành hết bài tập về nhà. Tôi đỡ mất khoản tiền mua đồ dùng hàng tháng như trước”.
Bác sĩ Dương cho biết tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em. Nhiều cha mẹ thấy con nghịch hơn, bướng hơn, tăng hoạt động nhưng lại cho rằng trẻ con như thế là bình thường. Tuy nhiên, đến độ tuổi đi học các biểu hiện rõ hơn, cô giáo phàn nàn, con không tập trung học tập, khó hòa đồng với bạn bè, hay đánh mất đồ đạc, khó khăn đọc viết,… mới đưa con đi khám.
BS Dương khuyến cáo cha mẹ khi thấy con mình vận động liên tục, rất khó để dừng lại dù đã nhắc nhiều lần; trẻ khó tập trung làm gì đó, dễ phân tâm, hay quên hoặc mất đồ,… cần đưa con tới khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để xác định và có phương hướng điều trị. Độ tuổi khởi phát và chẩn đoán trẻ tăng động giảm chú ý trước 12 tuổi, khởi phát sớm khoảng 3 tuổi. Tuy nhiên, các biểu hiện rõ rệt hơn khi trẻ vào lớp 1.

Trẻ tăng động giảm chú ý khó tập trung hoàn thành bài tập. (Ảnh minh họa).
Trẻ tăng động giảm chú ý nên được sàng lọc và điều trị sớm. Với trẻ hiếu động, bướng bỉnh, hỗ trợ tâm lý đơn thuần đã mang lại hiệu quả. Với những biểu hiện và mức độ rối loạn nặng hơn trẻ sẽ được tư vấn tâm lý, thực hiện các bài tập, học tập phù hợp. Một số trẻ sẽ được điều trị kết hợp bằng thuốc. Nhiều trẻ sau khi khám và điều trị đã có kết quả cải thiện rõ ràng, trẻ tập trung hơn, tiếp thu học tập tốt hơn, hòa đồng với bạn bè.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2 – 9,3%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 9 triệu chứng giảm chú ý và 6 triệu chứng tăng động, 4 triệu chứng xung động thường gặp ở trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Trẻ cần được khám đánh giá cẩn thận nhằm xác định các các triệu chứng ở các môi trường sinh hoạt khác nhau như nhà trường, gia đình, giao tiếp xã hội…
Lê Trang