“Me-xừ” Long: Nhân ái với đời, nhân ái với chính mình

Thứ năm, 08/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) 15 năm làm báo không làm nên tên tuổi Hoàng Tuấn Long. Nhưng chỉ hai năm nhảy múa cùng những con chữ, tên tuổi của “Me-xừ Long” đã vang dậy khắp các cõi mạng. Người ta tìm đọc “Me-xừ Long” không chỉ vì hài hước mà còn vì được nhìn thấy chính mình trong những con chữ ấy. Và từ cõi mạng, những con chữ đã bước ra trang sách.

Có thể nói, sự kiện Me-xừ Long được Gubook “đặt hàng” in sách đã gây sốc với khá nhiều anh em bạn bè và những người hâm mộ Me-xừ Long. Còn anh thì nói: “Chính... mẹ tôi cũng sốc. Bà không thể tin là con bà lại được in sách. Chả mấy tôi lại thành nhà văn”.

“Ngơ đi một tí, vui lên một tí – Đời rất dễ sống” có vẻ là một cái tên hơi dài dòng cho một cuốn sách. Thế nhưng khi mở ra những trang sách, mỗi bài viết lại mang đến cho mỗi người nhiều cảm xúc khác nhau, cách nhìn đa chiều về đời sống xung quanh mỗi chúng ta.

Đây là cuốn tạp văn hài hước gồm nhiều đoản văn ngắn được sắp xếp ngẫu hứng. Có thể bắt gặp trong cuốn sách một gia đình, một con phố, một thành phố thu nhỏ với những con người quen thuộc: những thị dân điển hình của thành phố. Nhưng có lẽ nhân vật nổi bật nhất vẫn là “Me-xừ Long” – tác giả cuốn sách và gia đình nhỏ của Me-xừ Long được nhìn qua lăng kính hài hước, thậm chí có thể nói là “bôi xấu” bản thân.

Báo Công luận
Cuốn sách “Ngơ đi một tí, vui lên một tí - Đời rất dễ sống”.  
Tác giả biến mình thành một nhân vật mang tên Me-xừ Long và tập trung tiêu điểm vào nhân vật đó. Bằng cách này, tác giả đưa những khuyết điểm của mình ra phóng đại lên như soi chiếu dưới kính hiển vi nhưng không hề gây phản cảm. Ngược lại trước lối tự trào đó, tất cả những phán xét, châm chọc, đánh giá (mà chúng ta vốn vẫn sợ khi người khác nhằm vào mình) phải dừng bước trước tiếng cười.

Tác giả kết hợp với lối nói khoa trương và nói ngược để mọi cảnh huống, nhân vật hiện lên sinh động, hài hước nhưng ẩn chứa những suy nghiệm với cái kết có khi là sự hẫng hụt của nhân vật Me-xừ Long, có khi bất  ngờ, có khi dở khóc dở cười.

Chẳng hạn, chuyện một người đàn ông vào khách sạn nhưng kiên quyết giữ “tiết hạnh khả phong”, khóc nức nở khi được vợ đến giải cứu. Dưới lăng kính hài hước, những cô gái “làm tiền” cũng không trở thành đối tượng bị phán xét. Mọi tiếng cười ngược lại đổ dồn về cách xử lý, nhìn nhận của Me-xừ Long. Qua đó, đánh vào định kiến: Hễ cứ là đàn ông thì lăng nhăng; hoặc theo một cách nhìn khác, đó cũng có thể là cách nói ngược để cảnh tỉnh thói “ăn phở” của những người đàn ông.

Nhân vật thứ hai được Me-xừ Long rất tập trung và là nhân tố gây cười, đó là người vợ đại diện cho thói “đàn bà nhỏ mọn”, “thiếu lòng nhân ái”, hay ghen tuông, hay thất thường, hay “đòi quà”, đua đòi mạng xã hội… Tuy nhiên, với cách miêu tả trào lộng, hài hước, phóng đại, người đọc không hề cảm thấy sự phán xét, châm chọc. Tất cả chỉ là hiện thực được phóng đại đến độ phi lý. Sau cảm giác phi lý đó, sau tiếng cười vui vẻ, người đọc nhận ra hóa ra ta cũng có những lúc “phi lý” như vậy.

Có những vấn đề xã hội tuy Me-xừ Long không đề cập trực diện nhưng lại thể hiện rất rõ cách nhìn nhận, như chuyện dạy con sống thế nào, học hành thế nào, bảo vệ bản thân như thế nào… Đó không phải chỉ là chuyện của một gia đình mà còn là chuyện của giáo dục và xã hội.

Bằng tiếng cười, Me-xừ Long “ngơ đi một tí” và cố gắng hóa giải những ác ý giữa con người trong đời sống đô thị chật hẹp. Người đọc đọc xong, cười xòa một cái, cũng là lúc ngẫm lại mình và quan sát, nhìn nhận xung quanh mình. “À, hóa ra là như thế”.

Những chuyện dung tục, thói lố lăng, lợm cợm của đời sống mưu sinh qua tiếng cười hài hước cũng không bị phán xét hay chỉ trích. Me-xừ Long tiếp nhận nó như một tình huống của đời sống. Qua đó mỗi người sẽ học được một điều gì đó cho riêng mình. Nghệ thuật trào phúng giữa đời thường ấy thể hiện rất rõ cách nhìn bao dung với đời sống của tác giả. Bởi không né tránh khuyết điểm của bản thân nên có thể bao dung với mình, bao dung với mình nên có thể bao dung với những người thân của mình, với những người xung quanh mình và hiểu họ hơn.

Me-xừ Long Bé Nhỏ tên thật là Hoàng Tuấn Long. Anh có 15 năm làm phóng viên - biên tập viên tại Hoa Học Trò trước khi chuyển sang làm du lịch. Cả hai nghề nghiệp đã cho anh cơ hội đi nhiều, thấy nhiều, vậy nên nhìn cuộc đời bao dung hơn.

 

Một số trích dẫn từ sách:

● “Nhiều người thường có thói quen đổ tại. Cái gì cũng là tại người khác cả.

Đi xe đụng vào người khác thì “Tại anh/chị phanh gấp quá!” Say cả chấy bò lên máy bay, nôn lung tung thì “Tại tiếp viên bố trí ít túi nôn quá!”. Thậm chí “Bác sĩ bảo cưới” thì cũng “Em bị con vợ em nó bẫy”... Suốt ngày mang tư tưởng nạn nhân thế bảo sao chả mấy khi cảm thấy hạnh phúc.

Hãy như Me-xừ Long Bé Nhỏ! Tất cả mọi chuyện xảy ra đều là TẠI MÌNH! Tại mình đã hiền khô dễ thương lại còn đẹp và quyến rũ nên ông Trời ghen ghét bắt phải truân chuyên hi hi”.

● “Nói gì thì nói, buổi sáng ra đường gặp một người lạ, thay vì lườm nguýt mà tặng nhau một nụ cười, một câu chào là cũng thấy phơi phới tươi vui hơn, phỏng ạ? Không cần nhìn xa xôi sang tận nước nào hay những ông Tây bà đầm nào để học hỏi đâu. Mở lòng ra là văn minh sẽ tự đến thôi”.

● “Khi đã mang sẵn trong mình một định kiến thì sẽ nhìn nhận những sự việc liên quan qua lăng kính định kiến đó. Bởi thế, nó sẽ phóng đại những lỗi lầm, hay thu nhỏ những ưu điểm của người đang được nhắc đến”.

● “Con hãy nhớ trong cuộc sống con đừng bao giờ quá tin vào những gì mắt mình nhìn thấy. Tất cả những cái gì lấp lánh chưa hẳn đã là vàng, con ạ!”.

 

Tử Hưng

Tin khác

Trưng bày di sản văn hóa Huế tại Điện Biên

Trưng bày di sản văn hóa Huế tại Điện Biên

(CLO) Triển lãm “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” trưng bày hơn 30 hình ảnh tiêu biểu về danh lam thắng cảnh, lễ hội, du lịch, ẩm thực đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được UNESCO công nhận và vinh danh.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao tại Lễ hội đền Thái Vi

Ninh Bình: Sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao tại Lễ hội đền Thái Vi

(CLO) Lễ hội Đền Thái Vi là lễ hội lớn của dân làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để tưởng nhớ các vị vua đời Trần. Đây còn là một trong những lễ hội đặc sắc và thu hút nhiều du khách thập phương đến tham gia.

Đời sống văn hóa
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đời sống văn hóa
Nghệ sĩ xiếc cả nước hội tụ trong 'Gala xiếc và ảo thuật ba miền'

Nghệ sĩ xiếc cả nước hội tụ trong 'Gala xiếc và ảo thuật ba miền'

(CLO) “Gala xiếc và ảo thuật ba miền 2024” do NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn, là sự hòa quyện văn hóa ba miền thông qua xiếc, ảo thuật và âm nhạc.

Đời sống văn hóa
Hé lộ Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ kỷ niệm 10 năm Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới

Hé lộ Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ kỷ niệm 10 năm Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới

(CLO) Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm Tràng An được vinh danh là Di sản thế giới có chủ đề "Danh thắng Tràng An - Ngọc đất Việt" sử dụng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống kết hợp với việc hòa âm phối khí, ánh sáng, kỹ xảo hiện đại, có sự góp mặt của dàn nghệ sỹ tên tuổi hứa hẹn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

Đời sống văn hóa