Mệnh lệnh từ trái tim!

Thứ năm, 27/02/2020 09:34 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Việt Nam có thể khống chế virus”, “Cảm ơn bác sĩ Việt Nam”, “Các bác sĩ cứu tôi từ cõi chết trở về,… với những người đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, những cụm từ đầy trân trọng và xúc động ấy - ý nghĩa hơn mọi lời chúc, mọi bó hoa, mọi món quà.

Bởi với họ, một khi đã chọn cho mình nghề thầy thuốc, thì mệnh lệnh lớn nhất luôn vang lên từ trái tim là làm sao làm trọn sứ mệnh cứu người.

1. Nghĩ về những người khoác áo blouse trắng, bỗng dội lên trong tôi là bài báo trên Zing.vn tôi đọc cách đây ít tháng, kể về một câu chuyện xảy ra trên đất Trung Quốc mà có lẽ, chẳng cứ bác sĩ Hứa Hướng Đông mà bất cứ ai, cũng chẳng muốn xảy ra trong đời. Buổi chiều ngày 14/10/2019 ấy, đúng 15h, khi bác sĩ Hứa Hướng Đông - chủ nhiệm khoa Xương khớp, Bệnh viện nhân dân số 3, TP. Bảo Kê, Thiểm Tây, Trung Quốc, đang chuẩn bị cho ca mổ sinh tử của bệnh nhân 85 tuổi thì nhận được thông báo của người nhà. Cha đẻ của ông đang trong tình trạng nguy hiểm có thể không qua khỏi. Nhưng khi ông tới nơi, người cha đã trút hơi thở cuối cùng. Nén những giọt nước mắt ông nói với những người thân: “Ở đây không có tôi mọi người vẫn có thể xử lý được, nhưng ở trên kia không có tôi họ sẽ chết”. Dặn dò mọi việc, ông lại tức tốc trở về phòng tiến hành ca mổ cho bệnh nhân. Khi được hỏi tại sao không để các bác sĩ khác thực hiện ca phẫu thuật sau khi biết cha đang gặp nguy hiểm, bác sỹ Hứa Hướng Đông chỉ trả lời, bệnh nhân này đã 85 tuổi, đối mặt nguy hiểm cao, từ trách nhiệm đối với bệnh nhân, tôi cần phải tự mình làm phẫu thuật, giao cho người khác, tôi không yên tâm. Người bác sĩ ấy đã cố nén nỗi đau lớn vào tâm can để làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc.

Bệnh viện đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên) trong ngày 2 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Bệnh viện đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên) trong ngày 2 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Với những ai thấu hiểu công việc của những người thầy thuốc, sẽ thấy những hy sinh thầm lặng ấy vẫn đang diễn ra mỗi ngày, diễn ra ở bất cứ nơi đâu. Tại bất cứ bệnh viện nào trên dải đất hình chữ S này, chẳng khó để được chứng kiến những bữa cơm vội vã, thậm chí chưa kịp ăn đã bỏ dở khi bất chợt có ca cấp cứu, những bước chân “đi như chạy”, những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ bởi những ca trực đêm, thức khuya đọc tài liệu; những ca mổ xuyên đêm dài đến 5-7 tiếng… Cũng như vị bác sĩ người Trung Quốc kia, hàng triệu y bác sĩ người Việt đã, đang làm việc với “cái đầu lạnh và trái tim nóng”, dồn mọi tâm sức để luôn là những “chiến binh” tinh nhuệ nhất có thể trong cuộc chiến với dịch bệnh. Và ngay trong những ngày chống dịch COVID-19 hối hả này, với rất nhiều y bác sĩ Việt Nam, hơn một tháng qua là những ca trực xuyên đêm, xuyên tết, là những tuần liên tục vắng nhà, thậm chí phải cách ly với gia đình; hơn một tháng qua là gương mặt luôn hằn lên vết khẩu trang, là cơ thể luôn trùm kín mít trong bộ quần áo bảo hộ chuyên dụng bó sát nặng tới 2kg… 

Có ai đó đã viết về những hy sinh, nhọc nhằn ấy: Sáng bệnh viện, chiều giảng đường/ Cùng những đêm trực, coi thường tuổi xuân… Họ cũng là cha, là mẹ/Bao lần đón con ở trường, bấy nhiêu lần con về muộn nhất…

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm virus.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm virus.

2. Cách đây một năm, tại Lễ kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại bệnh viện Bạch Mai, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế từ các trạm y tế thôn, bản, làng, xã đến các trung tâm y tế, các bệnh viện, các tuyến huyện, tỉnh Trung ương mang lại sự sống, sức khỏe, niềm vui, niềm hạnh phúc, tiếng cười cho người bệnh và gia đình. “Các đồng chí chính là những người anh hùng thầm lặng, thực hiện nhiệm vụ cao cả: Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”.

Nhưng với những người đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, phần đa trong số họ chẳng bận tâm nhiều về sự hy sinh cũng như vô số những áp lực nặng nề của nghề y. Cũng chẳng màng đến nhiều những vinh danh này nọ. Bởi ngay từ khi còn trên giảng đường đại học y khoa, tất cả trong số họ đã phải thấm nhuần về “Lời thề Hippocrates”, “Lời thề y đức”, thấm nhuần để mặc nhiên trong mọi nghĩ suy rằng, đó đơn giản là thiên chức cao đẹp của nghề nghiệp mà họ đã đam mê, đeo đuổi. Làm thế nào để mang lại sự sống cho người bệnh, mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho những người thân của nó, đó mới là điều họ quan tâm, trăn trở nhất. Những lời thề họ đã tuyên, họ luôn nhớ nằm lòng và tâm nguyện tuân theo…

Nhưng có lẽ chỉ một điều họ mong muốn nhất, khát khao nhất đó là sự thấu hiểu, thông cảm và tin tưởng của cộng đồng, của xã hội dành cho họ, cho nghề nghiệp của họ. Nhưng y bác sĩ, trước hết họ cũng chỉ là những con người bình thường. Cũng bởi là những con người bình thường nên họ cũng có những lo toan, cũng có những âu lo “cơm áo gạo tiền” thường nhật; cũng có những nỗi sợ hãi “dính virus”, bệnh truyền nhiễm như mọi người; cũng có những mệt mỏi, uể oải khi công việc quá tải, cuộc sống quá áp lực… Thế nên, những sự cố ngoài ý muốn xảy ra, âu cũng là điều nên châm chước, dẫu vẫn biết, làm nghề cứu người, y bác sĩ không được phép để xảy ra sai sót, dù nhỏ nhất, không một phút được để mình buông lơi mệt mỏi… Những cú tát, cú đấm của người nhà bệnh nhân, những dị nghị, thị phi của xã hội… đều làm họ đau đớn, nhức nhối…

3. Nhưng phàm ở đời, như người xưa vẫn nói “có lửa mới có khói”. Chính ngành y cũng không thể phủ nhận được rằng chính trong đội ngũ của mình, nhiều năm trở lại đây, đã xuất hiện ngày càng nhiều những “con sâu làm rầu nồi canh”. Rầu thực sự. Đã có những điều tra khá cụ thể về những “vấn nạn” của ngành y như kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng; móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư; thiếu tôn trọng bệnh nhân; lơ là, sao nhãng công việc được giao; gây khó khăn cho bệnh nhân…

Nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với nghề y, nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Chẳng thế mà từ xa xưa, Đại danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, (…) chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Lương y như từ mẫu”, “người thầy thuốc không chỉ cần tài năng mà còn đòi hỏi khắt khe về đạo đức hành nghề, về sự hy sinh quên mình cho cộng đồng; cần có lý tưởng, tình yêu nghề nghiệp, để rồi sống chết với nghề”. Cũng nên nhớ, sinh viên ngành y là sinh viên ngành duy nhất buộc phải tuyên thệ Lời thề Hippocrates trước giây phút ra trường. Tất cả những điều đó để thấy rằng, những lý do như: lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nghề nghiệp phải đào tạo công phu, trách nhiệm nặng nề, bệnh nhân quá tải… không hoàn toàn sai nhưng không phải và không bao giờ nên là lý do để biện minh cho việc bị đồng tiền cám dỗ, lơ đãng, xem thường y đức.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2, tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn nhân viên y tế xử lý tình huống tại Bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2, tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn nhân viên y tế xử lý tình huống tại Bệnh viện dã chiến.

Nhưng như đã nói, mong rằng những biểu hiện suy giảm y đức ấy, thực sự chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi!  Hãy xem đó là cơ hội để những người làm nghề y, nhìn lại chính mình, điều chỉnh mình, để lại sáng rõ hơn về thiên chức nghề nghiệp mình đang mang. Để thấy, như lời bác sĩ Carlo Urbani, người 17 năm trước đã đến với Hà Nội, chung tay cùng chống lại đại dịch SARS-CoV, người đã chết để nhân loại được sống: “Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh”. Với những người đã chọn cho mình nghiệp cứu người, thì việc phải đối mặt với dịch bệnh, với những hiểm nguy, làm hết sức mình để mang lại sự sống cho người bệnh, luôn luôn là mệnh lệnh từ trái tim.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, Bộ Y tế gửi đi công văn yêu cầu không tổ chức các hoạt động tôn vinh Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, dồn toàn lực chống dịch COVID-19 đang có những diễn biến đáng lo ngại và khó lường trên toàn cầu. Nhưng điều đó sẽ chẳng đáng chi bởi sự tôn vinh lớn nhất dành cho những người thầy thuốc Việt Nam chính là niềm tin và sự cảm phục của hàng triệu triệu người dân Việt dành cho những “chiến binh áo trắng” - những người đang hằng ngày, hằng giờ, dành trọn tâm sức cho sự nghiệp cứu người.

Hồng Hà

Tin khác

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn
Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Đã đến lúc phải luật hóa!

(NB&CL) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2024.

Góc nhìn
“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

“Lót ổ đón đại bàng”- Thiếu quyết liệt sẽ đánh mất cơ hội!

(NB&CL) Cách đây chừng 3,4 năm, khi bàn về câu chuyện làm thế nào để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam - mà theo nhiều chuyên gia ví von đó là công cuộc “lót ổ đón đại bàng”.

Góc nhìn
Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với  triển khai, thi hành pháp luật

Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động xây dựng với triển khai, thi hành pháp luật

(NB&CL) Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, để kịp thời triển khai, bảo đảm hiệu lực thi hành các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Góc nhìn
Từ vấn nạn “biến tướng lễ hội”: Đừng để niềm tin tâm linh bị trục lợi!

Từ vấn nạn “biến tướng lễ hội”: Đừng để niềm tin tâm linh bị trục lợi!

(NB&CL) Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đi lễ chùa để cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi đã là một nét đẹp truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa lâu đời này dần bị biến tướng, câu chuyện lễ hội biến tướng, trục lợi tâm linh dường như vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Góc nhìn