Ký kết hợp tác đào tạo nghề kép giữa Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) & SBH (
( Stiftung Bildung & Handwerk)
Cộng hòa liên bang Đức là quốc gia tiên tiến, có truyền thống về đào tạo kỹ năng và các chương trình đào tạo nghề cho thanh niên. Phương thức hoạt động của các hệ thống giáo dục tại Đức đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và nhiều ngành được quốc tế công nhận. Trong đó “học nghề kép” tức một nửa thời gian học lý thuyết tại trường và một nửa thời gian thực tập tại doanh nghiệp, được xem là mô hình đào tạo nghề tiên tiến nhất hiện nay. Đa số thay đổi về nhu cầu xã hội tại Đức, được cập nhật đưa vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nghề thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề.
Tại Việt Nam, lao động qua đào tạo nghề ở tất cả các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng mới chỉ đạt 38,5%.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tiến sĩ kinh tế Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong suốt những năm qua, mối quan hệ hợp tác Việt – Đức ở lĩnh vực giáo dục là một trong những vấn đề trọng tâm của hai Chính phủ và Đức là một trong những quốc gia đầu tiên hợp tác với Việt Nam mở trường Quốc tế Việt - Đức. Vậy nên, tổ hợp giáo dục giữa CBAM và SBH với những chương trình đào tạo thiết thực có thể giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tôi rất mong chương trình sẽ ngày càng được mở rộng trong bối cảnh phát triển các cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 để đào tạo nguồn lao động chất lượng trong giai đoạn này.
Khi nói đến sự phát triển của Thế giới, người ta thường nói đến Quản trị của Mỹ, công nghệ của Đức. Các nền kinh tế thành công kể cả Nhật Bản hay các con rồng của Châu Á đều tiếp thu những công nghệ tiên tiến từ Đức. Với niềm tin đó, tôi vô cùng ủng hộ chương trình hợp tác giáo dục giữa 2 đơn vị CBAM và SBH. Và mong muốn chương trình được lan tỏa trong giới trẻ, trở thành một mô hình đào tạo điển hình Việt – Đức.
Rất may mắn khi Việt Nam có được sự hợp tác giữa SBH và CBAM bởi đưa vào Việt Nam những chương trình đào tạo vô cùng thiết thực, mang tính thực tiễn rất cao. Nước Đức đang là nước có nền kinh tế dẫn đầu của Châu Âu, là trụ cột của Liên minh Châu Âu. Khi nói đến sự phát triển của Thế giới, người ta thường nói đến Quản trị của Mỹ, công nghệ của Đức. Các nền kinh tế thành công kể cả Nhật Bản hay các con rồng của Châu Á đều tiếp thu những công nghệ tiên tiến từ Đức. Vì vậy, chắc chắn rằng nếu Việt Nam hợp tác với Đức thì đây có thể là đối tác khổng lồ.
Một trong những điểm yếu của giáo dục Việt Nam hiện nay đó là lý thuyết hàn lâm rất nhiều và thiếu kỹ năng thực hành. Do đó, chương trình đào tạo nghề kép của SBH và CBAM sẽ là một mô hình giáo dục khắc phục được nhược điểm này.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Lễ ký kết giữa CBAM & SBH
Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội), mục tiêu phát triển chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 là phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Trong đó tập trung vào đào tạo các nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và Thế giới, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội, nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề lên 63% vào năm 2020.
Trước nhu cầu bức thiết đó, bà Đỗ Thị Kim Liên – Hiệu trưởng Trường CBAM cho biết: Một thực tế đáng báo động ở nước ta hiện nay là “thừa Thầy, thiếu Thợ”. Chất lượng dạy nghề trong nước mặc dù đã ngày càng được nâng cao nhưng phần nào vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm.... Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập, giáo viên dạy nghề còn hạn chế về kỹ năng nghề, chương trình ít được cập nhật, bổ sung phù hợp với sự phát triển của nhu cầu xã hội và khoa học công nghệ. Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề còn hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của quy mô và mạng lưới cơ sở dạy nghề, chưa huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển dạy nghề…
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Lãnh sự Nam Phi tại TP.HCM - Hiệu trưởng Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) phát biểu tại buổi ký kết
Để tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,… đòi hỏi phải có sự dũng cảm, tầm nhìn rộng. Với những thế mạnh và kinh nghiệm sẵn có, tôi tin CBAM sẽ làm tốt nhiệm vụ kết nối giữa học viên Việt Nam với SBH, bà Liên khẳng định.
Theo đó, đối tượng tuyển của CBAM là học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông, được các trường lập danh sách đăng ký với CBAM. Trên cơ sở danh sách đó, CBAM sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá và lựa chọn học viên đạt yêu cầu của Trường. Nội dung kiểm tra chủ yếu là các kiến thức liên quan đến nghề sẽ làm sau này. Không chỉ căn cứ vào bảng điểm, nguyện vọng mà còn xem thái độ của học viên đối với nghề họ sẽ làm. Sau khi đánh giá, lựa chọn được người đúng như yêu cầu, CBAM sẽ tổ chức ký hợp đồng đào tạo tiếng Đức, trình độ B2.1 tại Việt Nam.
Học viên sau khi sang Đức sẽ được học một khóa tiếng Đức chuyên sâu B2.2, sau đó sẽ được học nghề trong vòng 3 năm, với các chuyên ngành nhà hàng - khách sạn như đầu bếp, phục vụ, dọn phòng..., tương lai có thể mở rộng ra các ngành nghề khác như cơ khí, xây dựng, y tế…
Học viên học nghề tại SBH, trong thời gian học nghiệp vụ nhà hàng khách sạn được học miễn phí theo hình thức vừa học vừa làm trong suốt quá trình học. Đặc biệt, được hưởng lương cơ bản từ 550 - 700 EUR/tháng, được chủ doanh nghiệp hỗ trợ các loại bảo hiểm (BH y tế, BH sức khỏe, BH thất nghiệp và BH hưu trí) trong suốt thời gian học nghề như một lao động tại Đức. Sau tốt nghiệp, được hỗ trợ giới thiệu có việc làm ngay, tại các nhà hàng, khách sạn quốc tế, các khu nghỉ dưỡng cao cấp của Đức, với lương khởi điểm từ 1600 - 2500 EUR/tháng. Nếu đáp ứng công việc được giao thì có những mức lương tương ứng và tăng dần theo kỹ năng.
Kết thúc khóa học, người học được đánh giá bởi Phòng Công nghiệp Đức theo chuẩn thống nhất quốc gia. Sau 3 năm học nghề, học viên sẽ tiếp tục hoàn thành một báo cáo tốt nghiệp. Những kỳ thi chưa đạt cần được kiểm tra lại.
Điểm nổi bật của chương trình này là SBH nhận nhiệm vụ chăm sóc học viên trong thời gian học tiếng Đức B2 tại Đức. Quy mô của việc chăm sóc bao gồm các dịch vụ: Tổ chức nơi ăn nghỉ tạo sự thoải mái, hợp lý; Hỗ trợ giao tiếp trong thời gian đầu tiên với người cho thuê nhà; Cử nhân viên cùng đi trong thời gian huấn luyện về y tế theo Điều 43 Luật phòng chống lây nhiễm; Thảo luận với cơ sở đào tạo, thăm cơ sở đào tạo nếu cần thiết; Hướng dẫn hội nhập cuộc sống hàng ngày; Khóa học nhập môn về hệ thống giáo dục của Đức trong đó có chương trình đào tạo song hành; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa cuối tuần; Hỗ trợ chuyển nhà để đến nơi đào tạo thuận lợi; Chứng nhận tốt nghiệp có giá trị tại CHLB Đức và Châu Âu...
Ngoài ra, học viên học nghề sau khi tốt nghiệp tại Đức, được phép lao động hợp pháp và Cư trú dài hạn, mức lương và các chế độ đãi ngộ tương đương như các đồng nghiệp Đức. Học viên cũng có thể đem kiến thức và kinh nghiệm thực tế ở Đức về Việt Nam khởi nghiệp, phục vụ cho nhu cầu còn thiếu trong nước.
Đặc biệt, tại lễ ký kết có sự tham dự của Luật sư người Đức gốc Việt Nguyễn Xuân Hoàng – Giám đốc Công ty Luật Anwealte am Osktreuz cho biết: “ Chúng tôi nhận trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho học viên, người lao động Việt Nam nhằm đảm bảo mọi quyền lợi của học viên, người lao động theo luật cư trú tại Đức.”
Trong năm 2018, CBAM tiếp tục mở rộng đào tạo các chuyên ngành y tế, điều dưỡng, chăm sóc người già,… tại Đức thông qua các tổ chức giáo dục uy tín hàng đầu châu Âu và Thế giới.
P.V
Giới thiệu vài nét:
1/ TRƯỜNG ĐÀO TẠO QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP (CBAM)
- CBAM là đơn vị đào tạo trực thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nguyên là một tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận và là tổ chức quốc gia tập hợp, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
- CBAM là đơn vị đào tạo chất lượng cao của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới, chú trọng đào tạo kiến thức và kỹ năng thực tiễn, giúp học viên nhanh chóng tìm việc làm và dễ dàng thành công hơn trong sự nghiệp, với ngành học đa dạng nhiều thế mạnh cho học viên lựa chọn như: Quản trị kinh doanh, Quản trị Marketing, Quản trị Du lịch - khách sạn, Quản trị Nhân sự,…
- CBAM là cơ quan đại diện chính thức của Trung tâm Thương mại Quốc tế, cung cấp thông tin thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam, nhằm hướng đến việc cải thiện tính minh bạch thị trường quốc tế và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
- CBAM độc quyền đào tạo ABE-UK tại Việt Nam.
2/ SBH ( Stiftung Bildung & Handwerk)
- SBH là tập đoàn giáo dục tư nhân có uy tín tại Đức, đồng thời là một trong năm tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận lớn nhất tại Đức về lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
- Có 15 công ty thành viên trực thuộc, 4 chi nhánh lớn, 250 cơ sở đào tạo khắp nước Đức với 6.000 nhân sự, trong đó trên 50% là đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, hệ thống trường quốc tế có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Estonia, Ba Lan, Việt Nam,…
- Với sứ mệnh góp phần vào việc xây dựng nền tảng nghề nghiệp vững chắc cho thế hệ trẻ không chỉ tại Đức mà vươn ra tầm khu vực và thế giới, mang đến cho người học các chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao, cập nhật các nhu cầu của xã hội.
- SBH đào tạo đa dạng các chuyên ngành từ Mầm non, Tiểu học, Trung học, Dạy nghề, Đại học đến sau Đại học.