Miễn viện phí toàn dân: Cần quyết tâm lớn và lộ trình bài bản
(NB&CL) Chính sách miễn viện phí toàn dân giai đoạn từ 2030-2035, không chỉ là bước đột phá trong chính sách y tế của Việt Nam mà còn là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu triệu người dân Việt. Tuy nhiên, làm thế nào để sớm hiện thực hoá được quyết sách hết sức nhân văn này cần quyết tâm lớn của toàn bộ hệ thống chính trị cùng lộ trình bài bản, kỹ lưỡng.
Minh chứng cho cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau”
Ở một đất nước, mà như khẳng định của GS.TS.BS Nguyễn Công Hoàng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, “có đến 90% người dân khi đến viện, nỗi lo đầu tiên là chi phí”, mỗi lần đến viện thường phải nghĩ ngợi tới việc bán trâu, bò để chuẩn bị một khối tiền lớn cho công cuộc chữa bệnh thì được chữa bệnh không phải trả tiền - thực sự là giấc mơ lớn đang thành hiện thực.
Còn theo PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người đã có gần 30 năm làm nghề y, đã chứng kiến và thấu hiểu không biết bao nhiêu hình ảnh, câu chuyện về những gia đình kiệt quệ về tài chính sau mỗi đợt điều trị, thì quyết sách miễn viện phí thực sự là một “tuyên ngôn cách mạng” trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với người thầy thuốc lâu năm đồng thời là lãnh đạo một bệnh viện tuyến cuối luôn chật ních người bệnh, ông nhìn thấy quyết sách miễn viện phí như có một cánh cửa mới được mở ra không chỉ là cho ngành y, mà là cho từng phận người đang âm thầm gồng gánh nỗi đau bệnh tật.

Với Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), định hướng miễn viện phí toàn dân là minh chứng cho cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Việt Nam theo đuổi. Đồng thời, thể hiện tinh thần của Nhà nước vì dân, lấy chất lượng sống của nhân dân làm trung tâm. “Chỉ khi mọi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ một cách công bằng và hiệu quả, chúng ta mới thực sự tiến gần hơn đến một Việt Nam khoẻ mạnh và phát triển bền vững”.
Điều đáng mừng theo nhiều chuyên gia, Việt Nam chúng ta đã có sẵn những nền tảng thuận lợi để hiện thực chủ trương này. Như nhìn nhận của ĐBQH Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang), đầu tiên, đó là việc chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước ta từ trước đến nay luôn đặt con người là trung tâm, lấy chăm sóc sức khỏe nhân dân làm ưu tiên hàng đầu, hướng tới công bằng và phát triển bền vững.
Thứ hai, chính sách miễn viện phí được sự ủng hộ rộng rãi từ nhân dân. Thứ ba, hệ thống mạng lưới cơ sở y tế của nước ta được phát triển rộng khắp và ngày càng phát triển. Thứ tư, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt trên 92% dân số…
Đồng tình với điều này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội, thành viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam hội tụ được khá đầy đủ các điều kiện để thực thi chính sách này. Theo ông, nền kinh tế của chúng ta đã vượt qua giai đoạn đói nghèo, đang trên đà phát triển. GDP, thu nhập bình quân đầu người đều tăng. Nhận thức của người dân và xã hội về sức khỏe đã thay đổi và mọi người rất chú trọng chăm sóc sức khỏe. Tình hình đất nước ổn định, hệ thống pháp luật, chính sách đang từng bước thay đổi theo hướng tiến bộ hơn; cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế cũng đã nâng cao rất nhiều.
Rào cản tài chính và ba giải pháp trụ cột
Bộ Y tế đang xây dựng đề án miễn viện phí toàn dân và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần từ nay đến 2035. Theo đó, lộ trình được chia thành hai giai đoạn: 2026–2030 và 2031–2035, nhằm từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn này.
.jpg)
Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi, để hiện thực hoá lộ trình này, sẽ là nhiều thách thức phải vượt qua phía trước, trong đó nguồn lực tài chính là yếu tố quyết định, mang tính then chốt, bởi miễn viện phí toàn dân đòi hỏi số tiền phải chi rất lớn. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Y tế, với 100 triệu dân và chi phí trung bình 250.000 đồng mỗi lần khám, ngân sách cần thiết để bảo đảm mỗi người được khám ít nhất một lần mỗi năm là 25.000 tỷ đồng.
Hơn thế, “việc miễn 100% viện phí không đơn giản như miễn học phí bởi chi phí điều trị của mỗi bệnh nhân khác nhau, có người chỉ vài trăm nghìn cho một lần khám, nhưng cũng có người phải chi trả đến vài tỉ đồng, đặc biệt là bệnh nhân ung thư”- ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng dẫn chứng. Rào cản tài chính quá lớn, vì thế, nhìn ra thế giới, nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người cao như Mỹ (70.000 USD) cũng chưa thể miễn phí y tế cho toàn dân.
Rào cản lớn nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua, nhất là khi chúng ta đang mong muốn biến một chính sách nhân văn thành hiện thực. Xung quanh việc đi tìm lời giải cho bài toán tài chính này, PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cần có 3 nguồn chính để triển khai chủ trương này. Một là, về bảo hiểm y tế, phải phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, toàn diện và đa dạng các hình thức bảo hiểm. Hai là, Nhà nước cần có nguồn lực tài chính để đầu tư, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và cho y tế chuyên sâu. Ba là, cần nguồn lực quan trọng từ xã hội hóa, huy động từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các quỹ xã hội. “Nếu chúng ta làm tốt việc huy động từ cả ba nguồn này, cùng với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại và quyết tâm của toàn xã hội, tôi tin rằng mục tiêu miễn viện phí vào năm 2030-2035 là hoàn toàn khả thi”, ông Cơ khẳng định.
Sửa Luật Bảo hiểm y tế - bước đi đầu tiên của lộ trình bài bản?
Để tiến đến miễn phí y tế đòi hỏi sự phân bổ ngân sách rất lớn cho ngành y tế và cần thời gian, vì thế, phần đa các chuyên gia đồng nhất quan điểm rằng để triển khai chính sách miễn viện phí được hiệu quả cần một lộ trình rõ ràng, cùng với nguồn lực tài chính lớn và bền vững còn cần sự đồng thuận từ các bộ, ngành và đặc biệt là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực. Trong đó quan trọng nhất, như nhìn nhận của GS.TS. Nguyễn Anh Trí, để thực hiện được việc hỗ trợ kinh phí để miễn viện phí cho toàn dân cần phải phối hợp song hành, gắn kết chặt chẽ cùng với bảo hiểm y tế (BHYT). Nói cách khác, việc hỗ trợ để miễn viện phí có thể được thực hiện thông qua bảo hiểm y tế toàn dân.
Như vậy, lộ trình cho việc hiện thực hoá quyết sách miễn viện phí toàn dân đang được nhìn nhận sẽ phải bắt đầu từ bảo hiểm y tế. Cụ thể, cần lấp đầy khoảng trống gần 6% dân số chưa tham gia BHYT. “Chúng ta cần hướng đến bao phủ BHYT toàn dân để người bệnh được hỗ trợ như nhau. Đối với người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ngân sách có thể hỗ trợ 100% chi phí BHYT, đây là giải pháp thiết thực để nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân”, TS.BS. Trần Thanh Tùng - Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ.
Cũng liên quan tới BHYT và sửa Luật BHYT, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho rằng để thực hiện chính sách miễn phí viện phí, cần có nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế, vì thế, cần phải đánh giá mức đóng quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã phù hợp hay chưa, sử dụng quỹ đã hợp lý hay chưa, mô hình các bệnh viện hiện nay quy hoạch đã phù hợp hay chưa?
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận, chính sách BHYT, mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song trong bối cảnh kỹ thuật y tế không ngừng phát triển, danh mục thuốc, vật tư và kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của BHYT cần tiếp tục được cập nhật để người bệnh không bị bỏ lại phía sau vì rào cản tài chính.
“Những tồn tại này đặt ra yêu cầu cấp thiết: phải đảm bảo đầy đủ, thực chất quyền lợi của người bệnh, đặc biệt trong quá trình chẩn đoán và điều trị – không chỉ ở khía cạnh chuyên môn hay kỹ thuật, mà còn ở góc độ thể chế, công bằng xã hội và đạo đức phục vụ. Ngành y tế vẫn đang ra sức nỗ lực để từng bước khắc phục những hạn chế này”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, sắp tới Bộ sẽ đề xuất sửa đổi Luật BHYT, hướng đến mở rộng quyền lợi người dân, cập nhật danh mục chi trả thường xuyên hơn và tiến tới khám chữa bệnh miễn phí toàn dân. Một hướng đi quan trọng khác là tái cơ cấu mức đóng BHYT, hiện đang ở mức 4,5% lương cơ sở – đảm bảo cân đối quỹ trong ngắn hạn nhưng cần điều chỉnh để theo kịp mục tiêu miễn viện phí. Cùng đó, Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt chẽ việc lạm dụng, trục lợi từ việc cung cấp miễn phí dịch vụ khám chữa bệnh, gây lãng phí nguồn lực, quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh…
Nhà văn tài danh Lỗ Tấn năm xưa từng viết ở đoạn cuối truyện ngắn Cố hương: “Kỳ thực trên đời này làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường đấy thôi”. Với lộ trình miễn viện phí toàn dân, đó chắc chắn là lộ trình không dễ dàng và cần thêm nhiều thời gian. Nhưng nếu hết thảy chúng ta có chung niềm tin, chung niềm quyết tâm, cùng sự đồng lòng vào cuộc với quyết tâm lớn và lộ trình bài bản, thì hoàn toàn có thể tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương này, để chắc chắn rằng sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau, trên hành trình đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới.