Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng”:

Minh bạch, thẳng thắn và mang tính xây dựng

Thứ hai, 02/09/2019 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đó sẽ là tinh thần của Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng” dự kiến diễn ra vào ngày 4/9 tới đây, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức.

Chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn

Đã có rất nhiều những góc nhìn về câu chuyện của hạ tầng giao thông thời gian qua, không ít những tai tiếng, lùm xùm xung quanh, dai dẳng và đầy bức thiết do cách làm, cách triển  khai chưa thực sự “hợp lòng dân”. Cũng đã có những hiểu lầm, những “quy chụp”, những “vơ đũa cả nắm”... Đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội đang chiếm lĩnh, tin giả tràn lan, khiến dư luận nhiều phen “dậy sóng”. Thêm nữa, những vấn đề được đưa ra trên báo chí theo vụ việc, theo tuyến bài nhỏ lẻ, theo cách đưa thông tin cập nhật từng giây ở thời công nghệ số... khiến cho nhiều vụ việc bị đẩy đi quá xa, khó kiểm soát và định hướng. Điều đó tất nhiên, không tránh khỏi những hệ lụy, những áp lực cho “người trong cuộc”, từ các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các nhà báo, thậm chí cả người dân. Từ đó, dẫn đến những bất ổn trong tâm lý, trong tư duy và trong hành động.

Hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh: TL

Hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh: TL

Trên thực tế, hoạt động hợp tác công – tư PPP của Việt Nam tuy mới đi vào thực hiện trong mấy năm trở lại đây nhưng đã góp phần giải quyết được vấn đề hiệu quả thấp của đầu tư công, giải quyết vấn đề về vốn trong đầu tư toàn xã hội. Tác động tích cực nhất của hợp tác công - tư PPP là mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, thúc đẩy hoạt động của khu vực tư nhân trong việc góp trách nhiệm cùng với Nhà nước khai thác và xây dựng các công trình, hạng mục, dự án công cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Dĩ nhiên, cũng đã có nhiều bài học trong đầu tư, trong thực hiện và cần kíp phải điều chỉnh sớm. Cân bằng và công bằng cho vấn đề này, cần lắm một diễn đàn, một câu chuyện được bàn thảo minh bạch, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Rõ ràng đây không đơn giản chỉ là chuyện của một cá nhân, một doanh nghiệp, không chỉ là chuyện của thương mại, của đầu tư lời – lãi mà lớn hơn đó là chuyện của chính sách quốc gia. Đó là những nhức nhối trong cơ chế, trong những kẽ hở của Luật pháp, những trăn trở “mở lối” thu hút đầu tư sao cho hiệu quả... hướng đến một môi trường kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn. Bởi vậy, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội thảo này, như một cách để các bên liên quan được ngồi lại cùng nhau trên một “sân chơi” nhận diện thách thức, đối mặt khó khăn và tìm ra giải pháp.

Câu chuyện tại Hội thảo không chỉ nằm ở những bài tham luận, những ý kiến đóng góp mà đó còn là những thực tiễn sinh động được đưa ra bàn bạc, những kiến nghị sâu sắc của các chuyên gia, những đóng góp được xây dựng trên nền tảng của lý luận và thực tế. Ở đó còn có sự gặp gỡ giữa lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ như: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… Các cơ quan Trung ương như:  Các Ban Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy ban của Quốc hội; Các hội, hiệp hội liên quan; Một số đại biểu các tỉnh, thành phố; Các Ngân hàng: BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB... Đại diện các Nhà đầu tư BOT, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, giao thông, các cơ quan báo chí truyền thông...

Sự tham gia ấy, rõ ràng cho thấy tầm vóc của Hội thảo này, sự trách nhiệm trong tổ chức và cả những nỗ lực hướng đến mục tiêu chung sức, đồng lòng tháo gỡ những khó khăn, rào cản, những bất cập, hướng đến sự thông suốt trong thể chế, trong môi trường kinh doanh và nỗ lực “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư.

Toàn diện thông tin, đa dạng cách làm và đầy đủ giải pháp

Để có sức thuyết phục cho một chủ đề còn nhiều ý kiến trái chiều, chắc chắn không hề dễ dàng, đòi hỏi những vấn đề đặt ra, những câu chuyện được bàn phải “đúng, trúng và hiệu quả”. Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng” sẽ tập trung vào những nội dung nòng cốt, đang là “điểm nóng” để thảo luận. Đó không chỉ là những vấn đề tích cực, lạc quan, sự thay đổi đáng kể bộ mặt hạ tầng giao thông khi nhiều tuyến đường đưa vào khai thác, vận hành thời gian qua mà đó còn là việc nhìn thẳng vào sự thật của những vấn đề còn tồn tại, ở cả góc độ của chính sách, của doanh nghiệp, của truyền thông báo chí. Sẽ là cuộc hội thảo để “mổ xẻ” triệt để những bất cập, những nhức nhối trong thực tế để tìm ra những giải pháp phù hợp hơn.

Theo đó, sẽ có những đánh giá về thành tựu phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam, tác động kích hoạt thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội từ khi thực hiện chủ trương hợp tác công tư (PPP) thông qua các số liệu cụ thể về các công trình, dự án để chứng minh. Ngoài ra, sẽ đánh giá về công tác đầu tư, đấu thầu, quản lý vốn các công trình dự án hạ tầng giao thông trong thời gian qua.  Nguyên nhân những dự án đội vốn, những dự án không đội vốn. Những chủ trương, chính sách đúng và những rào cản, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật, trong quản lý điều hành về xây dựng, khai thác các công trình dự án hạ tầng giao thông. Những kiến nghị về sửa đổi luật, nghị định, thông tư. Bên cạnh đó, còn là chuyện thực trạng năng lực các nhà đầu tư trong nước, so sánh với các nhà đầu tư nước ngoài. Những bất cập, rủi ro và những hệ lụy khi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các công trình dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam. Đặc biệt, cũng sẽ có những đánh giá thực trạng báo chí truyền thông trong thời gian qua về lĩnh vực Hạ tầng giao thông, nhất là thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực này. Những hạn chế, bất cập, sai lệch... của báo chí, nguyên nhân và giải pháp khắc phục...

Trạm thu phí Cai Lậy.

Trạm thu phí Cai Lậy.

Hội thảo hứa hẹn sẽ đem lại sự toàn diện về thông tin, sự đa dạng về cách làm và đầy đủ giải pháp cho một vấn đề khó.  Từ đó, tiếp tục khẳng định việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có hình thức hợp tác công tư (PPP) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân về sự cần thiết phải đầu tư, tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai dự án và vận hành, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp tác PPP. Thêm nữa, giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, các đối tác liên quan nhận thức rõ, việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trung thực về các dự án hạ tầng giao thông sẽ giúp các cơ quan báo chí phản ánh kịp thời những thành tựu, cũng như những bất cập, những rào cản hiện nay về thực hiện chủ trương xây dựng phát triển hạ tầng giao thông. Từ đó khắc phục sự nhìn nhận thiên lệch, định kiến của cộng đồng xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước có thêm thông tin để điều chỉnh, định ra chính sách, cơ chế phù hợp nhằm phát triển bền vững hạ tầng giao thông của đất nước. 

Có thể nói rằng, khi mà, những góc nhìn định kiến, thiếu thiện chí, một bộ phận lớn nhân dân vẫn xem câu chuyện của hạ tầng giao thông là ung nhọt nhức nhối của xã hội cần được cắt bỏ thì nhiệm vụ của “chiếc cầu nối” giữa chủ trương, chính sách đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân thực sự là rất quan trọng. Điều đó cho thấy, Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng” do Hội Nhà báo Việt Nam và Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức là rất cập nhật, hứa hẹn có ý nghĩa và mang lại hiệu quả tích cực trong thực tiễn.

Hà Vân

PGS.TS. TRẦN CHỦNG - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM:

“Về thể chế, cần sớm có Luật về PPP”

Từ góc độ của một nhà khoa học, tôi kiến nghị một số giải pháp để các cơ quan Nhà nước, các Nhà đầu tư và các ngân hàng cung cấp tín dụng tham khảo. Theo tôi, về thể chế, cần sớm có Luật về Hợp tác công tư (PPP) nhằm thể chế hóa nhiều nội dung về PPP trong đó có những quy định rõ về công tác công bố dự án, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, tôn trọng nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP đặc biệt các quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư và quyết toán dự án. Về các loại Hợp đồng PPP, tôi nhất trí với quan điểm của UBTV Quốc hội tại Nghị quyết số 473/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 là “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân...”.

OngTranChung

Nhưng còn nhiều tuyến đường quốc lộ xuống cấp, nguồn vốn ngân sách không đủ cũng cần áp dụng các loại hợp đồng PPP mà ở đó Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và không thu phí từ người sử dụng. Về chia sẻ rủi ro trong các Hợp đồng BOT, tôi đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) và các Nhà Đầu tư cần thành lập các bộ phận chuyên nghiệp, chuyên môn sâu, có kinh nghiệm để tập trung thương thảo và chuẩn bị các hợp đồng. Nhận dạng được đầy đủ các loại rủi ro, thống nhất phương pháp đánh giá và xử lý rủi ro. Và khi có tranh chấp hợp đồng cần quy định chế tài xử lý tranh chấp. Đối với Luật Xây dựng, cần có các quy định riêng cho công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng áp dụng phương thức PPP. Vấn đề vốn tín dụng, chúng ta đang vay thương mại để đầu tư các dự án hạ tầng trong khi các dự án này không mang lại lợi nhuận tức thì mà phải kéo dài trong hàng chục năm.

Tại Anh có cơ chế tái cấp vốn cho các dự án PPP và thiết lập liên minh các ngân hàng, thu hút nhiều ngân hàng cùng tham gia các loại dự án dài hơi này. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần sớm có phương án tín dụng bền vững và lâu dài cho các dự án PPP phải sử dụng nguồn vốn trong nước. Vấn đề cuối cùng là sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền các địa phương có dự án đi qua. Chính quyền địa phương không chỉ lo giải phóng mặt bằng, tham gia góp ý cho dự án nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng cho người dân và địa phương (như đường gom, hầm dân sinh, đảm bảo chất lượng môi trường...) mà còn quan tâm đặc biệt tới đảm bảo trật tự an toàn tại các trạm thu phí và có trách nhiệm bảo vệ hành lang an toàn cho các tuyến cao tốc đi qua địa phương mình.

NHÀ BÁO TRẦN TIẾN DUẨN, - TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐIỆN TỬ VIETNAMPLUS:

“Cần khách quan, cân bằng khi thông tin”

3.TranTienDuan

Để làm tốt công tác tuyên truyền, Đảng và Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan cần thông tin rộng rãi chủ trương, chính sách pháp luật, định hướng đường lối phát triển hạ tầng giao thông trong đó chú trọng đến chính sách đầu tư, cơ chế công khai minh bạch và triển khai tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án tại nước ta. Mặt khác, cơ quan báo chí cần hiểu đầu tư PPP giao thông là vấn đề đúng khi huy động được nguồn tiền nước ngoài rót vốn vào Việt Nam trong bối cảnh ngân sách đầu tư Nhà nước cho các công trình giao thông còn hạn hẹp thì việc huy động dòng tiền này là việc làm vô cùng cần thiết. Từ đó, báo chí phải định hướng những vấn đề như: những ưu điểm của dự án giao thông được đầu tư theo hình thức PPP, kinh nghiệm thực tiễn từ nước ngoài về các dự án PPP, những rào cản đối với nhà đầu tư khi tham gia vào dự án PPP, cơ chế chính sách Nhà nước còn vướng ở chỗ nào để tháo gỡ kịp thời nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch… để người dân và nhà đầu tư thấy rằng, Nhà nước luôn đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.

Ngoài ra, về mặt truyền thông cũng nên cần có các bài viết khách quan, cân bằng mang tính xây dựng để tránh kích động người dân phản đối BOT giao thông bởi suy cho cùng đó cũng là giai đoạn sơ khai của đầu tư PPP khi các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, hệ thống cơ sở pháp luật của Nhà nước chưa hoàn thiện, đầy đủ nên nảy sinh những tồn tại, bất cập. Tuy nhiên, Nhà nước đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan vào cuộc để giải quyết nhanh chóng những tồn tại đó nhằm đem lại niềm tin cho người dân về việc đầu tư hạ tầng giao thông.

ĐẠI TÁ - NHÀ BÁO NGUYỄN HÒA VĂN – GIÁM ĐỐC CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM:

“Một số cơ quan báo chí đã làm nóng thêm dư luận”

Hoavan

Trên thế giới rất nhiều nước thực hiện thành công việc xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Thành công của họ không chỉ bởi những công trình giao thông hiện đại cùng với hiệu quả về kinh tế - xã hội do BOT mang lại, mà còn là sự ghi nhận của xã hội đối với những doanh nghiệp, doanh nhân đã dấn thân đầu tư vào lĩnh vực này. Thế giới là thế, nhưng ở Việt Nam ta, hiện đa số đồng bào, đồng chí đang có những nhìn nhận thiên lệch và định kiến với BOT? Báo chí và Truyền thông xã hội thường xuyên chỉ trích nhà đầu tư và cơ quan chức năng của Nhà nước. Rất ít bài báo và các ý kiến xuất hiện trên mạng xã hội ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến của các tổ chức, cá nhân, những kinh nghiệm, điển hình trong lĩnh vực đầu tư xây dựng quan trọng được ví là “mạch máu của nền kinh tế” này. Bên cạnh đó, lại có không ít các bài viết, hình ảnh trên báo chí điện tử, trang tin điện tử và mạng xã hội gần đây đã làm lu mờ, thậm chí là làm cản trở chủ trương đúng đắn về phát triển hạ tầng giao thông của Đảng và Nhà nước ta. Thường khi nói đến BOT là họ có dụng ý nói đến sự gian dối, nói đến lợi ích nhóm, là dự án béo bở làm giàu cho những công chức, doanh nhân tham gia dự án. Trong thông tin về BOT còn có một vài tờ báo đã đưa tin theo kiểu “bắc cầu” từ vụ việc này sang vụ việc khác, đưa tin không rõ ràng giữa nhà đầu tư chân chính và nhà đầu tư có vấn đề... gây hiểu lầm trong dư luận.

Công bằng mà nói, không trách được sự bức xúc của người dân, sự chỉ trích mạnh mẽ của Báo chí và Truyền thông xã hội về những tiêu cực trong thực hiện hợp tác công tư (PPP), trong đó có hợp đồng BOT. Sự thật khách quan được phản ánh, phơi bày trên báo chí và mạng xã hội là chuyện có thể hiểu được. Nguyên nhân chính của sự nhìn nhận sai lệch nói trên là do quá trình thực hiện chủ trương đúng đắn này, việc xây dựng luật pháp, chính sách chưa theo kịp yêu cầu, còn để tồn tại quá nhiều vướng mắc, bất cập. Sự suy thoái, tham nhũng của bộ máy công quyền và sự tham muốn lợi nhuận cao của một số nhà đầu tư nên đã hình thành nhóm lợi ích và sự gian dối để đạt được mục đích riêng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc chỉ trích, lên án tràn lan vô căn cứ, tạo thành phản ứng lan rộng, hiệu ứng kiểu domino khi chỉ có một xung đột nhỏ từ một số trạm thu phí, nhưng một số cơ quan báo chí đã đẩy vấn đề đi quá xa, làm nóng thêm dư luận, đi ngược lại hoặc sai lệch chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thậm chí nhiều nơi còn mong muốn Đảng, Nhà nước ngừng chủ trương xã hội hóa trong hợp tác công tư theo hình thức BOT.

Đây là định kiến xã hội rất nguy hiểm về một vấn đề lớn của quốc gia mà chúng ta hiện chưa hóa giải được. Vấn đề đặt ra hiện nay, Đảng, Nhà nước cần phải làm gì để chủ trương về PPP (BOT) tiếp tục được thực hiện một cách minh bạch, tích cực? Làm sao loại bỏ lợi ích nhóm trong BOT? Làm sao để BOT không còn các bất cập, rào cản?... Và hơn nữa là trả lại sự công bằng cho các nhà đầu tư BOT chân chính, trả lại giá trị đích thực của BOT. Chúng ta làm thế nào để người dân khi nghĩ đến BOT là nghĩ đến một chủ trương đúng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước, cho từng người dân. Làm thế nào để các nhà đầu tư khi đã bỏ vốn liếng, chấp nhận rủi ro, niềm tin và lòng nhiệt huyết vào những dự án thì họ không còn phải lo vượt các rào cản cơ chế, lo đối phó với công luận,...; họ yên tâm, hào hứng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.

Sông Mây (Ghi)

Tin khác

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

Hội Nhà báo TP Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, dựng sản phẩm báo chí Longform

(CLO) Ngày 27/3, Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng, phương pháp, tư duy dựng sản phẩm Longform bằng Canva và Sway cho các học viên là biên tập, phóng viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Công tác hội
Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

Hơn 200 vận động viên tham gia Hội khoẻ Báo Đảng các tỉnh Tây Bắc mở rộng

(CLO) Chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ; 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, ngày 23/3, Báo Sơn La tổ chức giải thể thao Phan Xi Păng Báo Đảng các tỉnh khu vực Trung du - Miền núi phía Tây Bắc lần thứ XVI, năm 2024.

Công tác hội
Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

Báo chí Cách mạng Việt Nam - thay đổi mạnh mẽ để giữ vững vị thế, hội nhập thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, Diễn đàn Báo chí Toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận, mổ xẻ và đưa ra giải pháp về các vấn đề bức thiết nhất của báo chí Việt Nam.

Công tác hội
Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

Hội Báo toàn quốc 2024: Quy mô, sôi động, giàu cảm xúc, nhiều ý nghĩa thiết thực

(NB&CL) Hội Báo Toàn quốc 2024 - một trong những sự kiện quy mô của giới báo chí trong năm 2024 - đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người làm báo và công chúng báo chí cả nước, là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Công tác hội
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phóng viên thường trú địa phương, bài học từ báo Thanh Niên

(CLO) Theo nhà báo Dương Danh Hữu: “Chính quyền địa phương cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí và phóng viên thường trú. Thông tin cần được cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, thường xuyên, đặc biệt là thông tin liên quan đến các vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm”.

Công tác hội