Minh họa trên báo: Điều không thể mất!

Thứ ba, 18/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Có thời kỳ, khi công nghệ in ấn và đòi hỏi của thông tin khác bây giờ, minh họa trên báo là một công việc quan trọng và đòi hỏi nhiều kỹ năng của người họa sĩ. Ngày nay, mở một trang báo giấy ra, hiếm khi người ta bắt gặp một bức tranh minh họa.

Vậy có khi nào tranh minh họa sẽ biến mất hẳn khỏi những trang báo giấy?

“Chắc chắn là không mất được” – Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm nói. “Chừng nào người ta còn cần đến hình ảnh trên trang báo thì công việc vẽ tranh minh họa sẽ còn tồn tại”, họa sĩ nói rất hứng khởi.

Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm là họa sĩ minh họa cho nhiều tờ báo và sách giáo khoa trong suốt 25 năm qua. Tốt nghiệp ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cuộc đời bất ngờ đưa họa sĩ Lê Tâm sang công việc làm họa sĩ cho báo.

Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm

Họa sĩ Nguyễn Lê Tâm

Biết tôi muốn tìm hiểu về công việc làm họa sĩ minh họa - trình bày báo, anh Lê Tâm cười: “Thật ra, đầu tiên phải quay trở lại câu hỏi đầu tiên của việc vẽ minh họa. Đó là minh họa để làm gì?”.

“Minh họa trước hết là hình, nó tương tự với ảnh và khác với chữ. Mở một trang báo ra, có hai thứ đập vào mắt người đọc, đó là hình và chữ. Theo nguyên tắc thị giác, bao giờ người ta cũng nhìn vào hình, thấy hình hấp dẫn rồi sẽ sang tít bài báo – thứ chữ to, rồi cuối cùng mới là phần chữ nhỏ.

Tranh, ảnh có những hiệu quả về thông tin và cảm giác tốt hơn phần chữ rất nhiều. Ví như hàng trăm chữ miêu tả một thảm họa về thiên nhiên sẽ không bao giờ đạt hiệu quả về cảm xúc hơn một bức ảnh về chính thảm họa ấy. Hoặc sẽ có những minh họa thể hiện được toàn bộ một vụ án theo trình tự không gian, thời gian. Đấy là những điều hấp dẫn người đọc. Ảnh trên báo càng ngày càng to. Báo giấy hiện đại rất chú ý tới ảnh, thậm chí phần ảnh chiếm tới 50% của một trang báo khổ A3”- anh Lê Tâm nói.

Với tranh minh họa cũng vậy, nó đảm nhận vai trò “lôi kéo thị giác” để người ta có sự thích thú với việc đọc nội dung. Tuy nhiên, ảnh minh họa làm được những việc mà ảnh không làm được. Ví dụ có những đề tài trên báo như bài bình luận chính trị hay bài viết về vấn đề tình dục, thật khó để tìm một bức ảnh truyền tải đầy đủ nội dung hoặc bổ sung ý nghĩa cho phần chữ. Lúc này, tranh minh họa, tranh biếm họa, hoặc các sơ đồ, đồ thị sẽ có giá trị truyền tải nội dung có tính khái quát rất cao. Đó là điều mà ảnh chụp không thể thay thế.

“Khoảng thời gian tôi vẽ minh họa nhiều nhất là trước năm 2000, nhất là khi thực hiện minh họa cho báo Nhi đồng. Những câu chuyện của các tác giả văn học sẽ được tôi chuyển thể thành tranh minh họa. Có những số báo tôi vẽ từ đầu tới cuối và thậm chí có một năm tôi được báo Nhi đồng tặng thưởng danh hiệu Họa sĩ vẽ minh họa hay nhất trong năm. Đấy là những dấu ấn đáng nhớ khi tôi vẽ minh họa”- họa sĩ Nguyễn Lê Tâm kể.

06

Đòi hỏi của một họa sĩ minh họa là gì? Họa sĩ vẽ minh họa không phải là muốn vẽ gì thì vẽ. Người họa sĩ ấy cần hiểu được câu chuyện và làm cho câu chuyện thăng hoa theo cách của mình. Họ thật sự cần một tư duy “hiểm hóc” – điều hoàn toàn không giống với người làm nội dung khác.

Nhớ lại giai đoạn cách đây hai chục năm, họa sĩ Nguyễn Lê Tâm kể: “Công việc vẽ minh họa và trình bày báo khiến cho tôi có một hứng thú đặc biệt là khi tôi vẽ minh họa cho báo Văn nghệ Trẻ và báo An ninh thế giới Cuối tháng. Ở báo Văn nghệ Trẻ khi ấy, anh Nguyễn Quang Thiều – người chịu trách nhiệm nội dung đã ra một đề bài là: “Cần một tờ báo như... Tây”. Sau này, ở tờ An ninh thế giới cuối tháng, Tổng Biên tập Hữu Ước cũng đòi hỏi một tờ báo thật “mới” trong trình bày. Tôi được thỏa mãn trong sáng tạo. Suốt một thời gian rất dài, báo chí coi tranh minh họa như một kẻ “lấp chỗ trống” thì đến cuối những năm 90, đầu năm 2000, tờ Văn nghệ Trẻ và An ninh thế giới Cuối tháng giống như một cú đột phá vào nghiệp vụ trình bày báo. Một trang báo có nhiều ảnh hơn, ảnh to hơn, có những “khoảng trống”  trên trang như một quãng nghỉ cho mắt. Những điều đó thu hút người đọc. Sau này có nhiều tờ ra đời cũng đi theo con đường này, tuy vậy, để có được thành công như sự ghi nhận của đời sống thì hai tờ báo này vẫn như một tượng đài rất khó vượt qua, thậm chí có thể nói là chưa tờ báo nào vượt qua được”.

Ngày nay, khi những nguyên tắc của thông tin và đòi hỏi của đời sống đối với báo chí đã có nhiều thay đổi so với cách đây 20 năm thì công việc minh họa cho báo vẫn không có nhiều thay đổi. Kể cả trên báo điện tử thì nó cũng cần tranh minh họa và thực tế là được minh họa rất nhiều. Nếu trên báo giấy có một câu nói vui là “viết ngắn thôi cho thiên hạ được nhờ”, thì trên báo điện tử không bị giới hạn bởi “đường biên” dung lượng trang báo. Có một chuyên ngành trong minh họa báo ngày càng được các báo chú ý, đó chính là “infographic” – một dạng minh họa tổng hợp bao gồm cả hình ảnh, ảnh chụp, tranh vẽ, đồ thị. Và chỉ trong một trang infographic có thể đảm bảo được  nội dung thay thế cho hàng nghìn chữ.

Trong các tờ báo ở nước ta hiện nay còn có một tờ báo tập hợp được các họa sĩ kỳ tài và các tranh minh họa trên báo hoàn toàn có thể tách riêng khỏi nội dung mà đứng độc lập như một tác phẩm giá vẽ. Đó là báo Văn nghệ - Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện riêng và rất dài xin được hẹn vào một bài viết khác.

Tử Hưng

Tin khác

Chiêm ngưỡng hàng sao đen trăm tuổi ở phố Lò Đúc (Hà Nội)

Chiêm ngưỡng hàng sao đen trăm tuổi ở phố Lò Đúc (Hà Nội)

(CLO) Những cây sao đen trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được trồng từ thời Pháp có tuổi đời khoảng 120 năm mang nhiều giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học và bảo tồn nguồn gen quý hiếm, gắn bó từ rất lâu với người dân Thủ đô.

Đời sống văn hóa
Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

(CLO) Cánh rừng sơn tra ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang đua nhau bung nở rực sáng khắp các bản làng. Từ thung lũng đến triền núi đều được bao phủ một lớp màu trắng muốt như điểm tô thêm bức tranh đa sắc màu của miền núi rừng Tây Bắc.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

(CLO) Tối 28/3, tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng), UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ qua Chương trình biểu diễn dân gian Holi.

Đời sống văn hóa
Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

(CLO) Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng diễn ra tại chùa Quán Thế Âm trong 4 ngày từ 26 đến 29/3.

Đời sống văn hóa
Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

(CLO) Tối 28/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2024”.

Đời sống văn hóa