Mở đường thời "NEO" tiền

29/12/2015 14:53

Sửa đường thời “neo” tiền đã khó nói chi chuyện mở tuyến đường mới giữa bạt ngàn rừng núi cheo leo. Nhưng cung đường Tây Nghệ An đã hiện lên như một kỳ tích. Vì sao?

(NBCL) Sửa đường thời “neo” tiền đã khó nói chi chuyện mở tuyến đường mới giữa bạt ngàn rừng núi cheo leo. Nhưng cung đường Tây Nghệ An đã hiện lên như một kỳ tích. Vì sao?

Bí bách

Nhìn lên tấm bản đồ miền Tây Nghệ An, chúng tôi mới hình dung được tuyến đường ghập ghềnh nối ngang địa hình phần chóp đỉnh. Điểm mở ra bắt đầu từ bản Pạng, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong qua ngã ba Xốp Chảo cũng thuộc xã này, nối thượng nguồn hồ thủy điện Bản Vẽ tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương rồi chạy về thị trấn Mường Xén, huyện rẻo cao Kỳ Sơn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải, chủ đầu tư “Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tây Nghệ An” Nguyễn Hồng Kỳ thở phào: “Bao năm rồi, Nghệ An xác định đây là tuyến đường huyết mạch nối các huyện biên giới, rẻo cao với trung du, đồng bằng và thành phố Vinh nhưng tuyến đường vẫn nằm “thao thức” trong ý nghĩ của các thế hệ đi trước. Bởi, đường dài hơn 200 km chạy qua biết bao đèo dốc, khe suối, nếu tiền không “khỏe” thì không thể đụng đến”. Tâm sự của ông Kỳ khiến tôi sực nhớ một ước mơ độc đáo những năm 1990 của ông Cao Tiến Tấn (nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn) là chỉ mỗi chữ: “đường, đường và đường”.

[caption id="attachment_73370" align="aligncenter" width="633"]1 Lễ khánh thành đường Tây Nghệ An ngày 30/6/2015.[/caption]

Ông Kỳ khắc họa: “Kỳ Sơn và Quế Phong chỉ cách khoảng 100 km đường chim bay nhưng người dân thiểu số của hai huyện muốn qua lại thì phải đi hơn 600 km đường theo hình chữ V. Nghĩa là từ Kỳ Sơn xuống thành phố Vinh theo quốc lộ 7 rồi chuyển hướng sang quốc lộ 48 ngược lên Quế Phong. Cách trở như thế nói sao chuyện thúc đẩy phát triển kinh tế miền núi. Ngoài ra còn ảnh hưởng không ít đến an ninh quốc phòng vùng biên, nhất là vấn nạn di cư tự do của một số người Mông. Đó chính là sự bí bách khiến chúng tôi trăn trở tìm cách để mở tuyến đường huyết mạch càng sớm càng tốt”.

Gian khổ

Năm 2011 chúng tôi bắt đầu vào cuộc mở tuyến đường Tây nguyên Nghệ An. Đang lúc khó khăn chồng chất, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 2355 về Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An, lộ trình đến năm 2016 trong đó nêu rõ “Phấn đấu hoàn thành xây dựng, nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông quan trọng: đường tỉnh lộ 541, 543 (đường Tây Nghệ An)”. Đề án được phê duyệt như một “cứu cánh” nhưng toàn bộ vẫn nằm trên giấy tờ vì năm 2013 vẫn là thời điểm “thắt chặt đầu tư công” do Nhà nước thiếu tiền. “Vậy ngồi chờ khi nào Nhà nước rót tiền thì làm tiếp hay tiếp tục “bứt phá” theo cách làm của ngành. Câu trả lời là phải hoàn thành vào tháng 6-2015”- ông Kỳ cả quyết.

Những ngày đầu vào cuộc, ông Hồ Viết Vinh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, phó Ban điều hành dự án cho biết gian khổ ngay từ khi đặt bước chân vô rừng đi làm khảo sát thiết kế. Ông nói: “Khổ vô vàn. Đi bộ hàng trăm cây số giữa rừng rậm. Trèo dốc dựng đứng bị trượt ngã, đêm ngủ giữa rừng sên vắt bám đầy là chuyện thường. Gạo mang theo khi ăn hết thì dùng ngô, sắn của bà con dân tộc. Khổ để chọn được tuyến tốt nhất, đỡ tốn kém nhất là yêu cầu số một”.

[caption id="attachment_73371" align="aligncenter" width="633"]2 Đường hiên ngang vượt qua sông qua núi.[/caption]

Khi bắt đầu tổ chức thi công lại nảy sinh những gian khổ mới. Do “đánh” (mở) hai đầu “đánh” lại và giữa “đánh” ra nên phải tìm cách nào đỡ tốn kém nhất để đưa máy móc, nguyên vật liệu vào tuyến giữa. Công việc đang trôi chảy thì trời mưa hàng tuần. Đồi núi mới bạt ta luy dương sập xuống, tắc tị từng khúc đường. Hơn cả gian khổ là tai nạn rình rập. Xe ô tô của anh Nguyễn Duy An, Phó phòng Dự án 1 đang xuống dốc thì bị trượt ngang, mất tay lái, may đâm vào vách ta luy dương.

Đi tuyến

Cuối năm 2013, tiến độ được đẩy nhanh nhờ có một ít vốn từ Trung ương. Cứ 5 km một công trường ầm ào tiếng máy gạt, máy xúc, máy nghiền đá. Theo lịch trình, mỗi quý đoàn kiểm tra của tỉnh đi một chuyến. Riêng ban điều hành dự án “cắm chốt” với các nhà thầu. Ông Kỳ và lãnh đạo sở mỗi tháng lên một lần, trực tiếp họp và chỉ đạo ngay trong lán công trường.

Trong các đợt đi tuyến, lãnh đạo sở và ban dự án đã nghe thấu tâm tư của các nhà thầu về việc mở đường, xây cầu giữa rừng núi nhưng rất khó khăn về vốn. Nhưng nghe để bàn cách tháo gỡ khó khăn, tính toán mọi phương án để tiến chứ không được phép lùi lại hoặc dãn tiến độ.

Kết cục có bốn nhà thầu bị “trảm” vì không đảm bảo năng lực tài chính, không chịu được áp lực, thi công kém chất lượng. “Chúng tôi phải rất quyết liệt, đồng thời có đồng vốn nào là chi ngay thì mới đảm bảo cho tuyến đường mở đến đâu chắc đến đó. Có trường hợp một mố trụ cầu Nậm Nơn bị dịch chuyển 30 - 40cm do tác động của công trình thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi phải mời cơ quan vật lí địa cầu thiết kế lại để thi công mới. 41cầu chuẩn thì tuyến đường hơn 200 km mới hoàn hảo”- ông Kỳ nói.

[caption id="attachment_73372" align="aligncenter" width="633"]3 Những ngày đầu chiến dịch mở đường phía Tây Nghệ An.[/caption]

Tháng 6-2015 lễ khánh thành tuyến đường Tây Nghệ An diễn ra kịp chào mừng Đại hội tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVIII. Hiện ba xã Mai Sơn, Nhuôn Mai, Hữu Khuông đã có đường vào trung tâm xã. Bà con người dân tộc đã biết trồng chanh leo, chăn nuôi trâu bò đàn đưa về xuôi bán. Nhiều ngôi nhà mới đã xuất hiện hai bên tuyến đường được xem như một kỳ tích.

Một điều vui khác, đón Tết dương lịch năm nay, chúng tôi thanh toán hết nợ cho các nhà thầu. Vấn đề được nhất của tuyến đường này còn là bài học kinh nghiệm về cách mở đường thời thiếu vốn, ít tiền mà chúng tôi đã trải nghiệm - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ trải lòng với chúng tôi như vậy.

Vũ Toàn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Mở đường thời "NEO" tiền
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO