"Mở khoá" đất đai, chống lãng phí: Tiếp sức cho kinh tế tư nhân phát triển!
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận đất đai nhưng theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo và Công luận (NB&CL), tại nhiều địa phương còn nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, cơ chế hỗ trợ và giá đất.

LỜI TÒA SOẠN: Đất đai – một trong những nguồn lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế – đang bị mắc kẹt trong những vòng xoáy thủ tục, tranh chấp và sự lãng phí kéo dài. Doanh nghiệp tư nhân, dù khát khao phát triển, vẫn gặp vô vàn rào cản khi tiếp cận đất đai để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Trước thực trạng đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4/5/2025, với thông điệp rõ ràng: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ; đưa vào khai thác nguồn lực đất đai bị lãng phí, đất công, trụ sở cơ quan không sử dụng, đất trong các vụ việc tranh chấp, vụ án kéo dài. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương.
Hơn 2.981 dự án chậm tiến độ, hàng nghìn khu đất công, trụ sở bỏ hoang, tài sản công bị lãng phí... đang chờ được giải phóng. Mỗi mảnh đất được “mở khóa” không chỉ giải phóng nguồn lực mà còn khơi dậy sức sống của nền kinh tế, tạo dư địa cho sự phát triển.
Với tinh thần ấy, Báo Nhà báo và Công luận thực hiện loạt bài: "Mở khoá" đất đai, chống lãng phí: Tiếp sức cho kinh tế tư nhân phát triển! – nhằm làm rõ những rào cản pháp lý, thể chế trong tiếp cận đất đai; đồng thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thực thi Nghị quyết 68-NQ/TW một cách hiệu quả, thực chất.


Tiếp cận đất đai để có tư liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp tư nhân là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi quỹ đất của các địa phương dần bị thu hẹp. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận đất đai, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận (NB&CL), tại nhiều địa phương còn nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, cơ chế hỗ trợ và giá đất.
Nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay siêu nhỏ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh đã được xây dựng, tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều rào cản dẫn đến hệ lụy đôi bên (nhà đầu tư – doanh nghiệp thuê đất) cùng chịu cảnh khó khăn, khi đất đai thì bỏ trống gây lãng phí, còn doanh nghiệp thì mỏi mòn chờ cơ chế ưu đãi thuê mua mặt bằng.
.png)
Thôn Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai), xã Như Quỳnh vốn được xem là “thủ phủ” tái chế rác thải nhựa của tỉnh Hưng Yên, suốt nhiều năm bị báo chí, dư luận phản ánh vì tình trạng sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, mọi chuyện vẫn không có nhiều thay đổi.
Theo tìm hiểu, làng nghề tái chế nhựa Minh Khai có khoảng hơn 580 cơ sở đang hoạt động, mỗi ngày tiếp nhận từ 700 đến 1.000 tấn nhựa phế liệu. Khảo sát năm 2024 xác định 2 khu vực ô nhiễm nghiêm trọng tại địa phương là tuyến đường vào Cụm công nghiệp Minh Khai (giai đoạn III) và bãi rác tập trung thôn Minh Khai, với tổng khối lượng chất thải rắn tồn lưu ước tính khoảng hơn 150.000m³.


Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Phùng Văn Vinh – Trưởng thôn Minh Khai cho biết, làng nghề phát triển từ cuối những năm 1980, khởi đầu từ nghề thu mua phế liệu, sau đó chuyển dần sang tái chế nhựa với hệ thống máy móc ngày càng hiện đại, có thiết bị trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, quá trình phát triển làng nghề gặp rất nhiều khó khăn do bất cập trong quy hoạch, quản lý và chính sách.
Theo ông Vinh, trước đây, tỉnh Hưng Yên có quy hoạch Khu làng nghề số 1, với diện tích cho thuê khoảng 200–500 m²/hộ, để di dời các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề ra. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, diện tích này không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Người dân tiếp tục sản xuất trong khu dân cư dẫn đến tình trạng vi phạm về xây dựng và môi trường. Một số cán bộ địa phương trước đây cũng đã bị xử lý do liên quan sai phạm trong quy hoạch, quản lý khu CCN.


Tiếp đó là CCN Minh Khai 2 - một phần của CCN làng nghề Minh Khai, được chia thành 2 giai đoạn và có tổng diện tích 28,5 héc ta, do Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) - Chi nhánh Hưng Yên làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo Trưởng thôn Minh Khai, việc thuê lại đất qua đơn vị trung gian khiến giá bị đội lên gấp đôi, từ giá gốc của tỉnh phê duyệt là 3,9 triệu đồng/m² lên 7 triệu đồng/m² hoặc hơn (thuê 50 năm).
Trưởng thôn Minh Khai Phùng Văn Vinh cho biết thêm, hiện nay, CCN Minh Khai 3 đã hoàn thành hạ tầng với diện tích khoảng 52,3ha, được chia thành 7 ô. Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, nhà đầu tư mới chỉ cho thuê được 3 ô, tức là khoảng 40% diện tích.

Ông Phùng Văn Vinh – Trưởng thôn Minh Khai
Trong khi đó, diện tích tối thiểu mỗi lô cho thuê phải từ 1.000 m² trở lên, giá do Công ty CP hạ tầng phát triển Minh Khai đưa ra là 12 triệu đồng/m² chưa thuế (tức khoảng 13,2 triệu đồng/m² sau thuế). “Mức giá và diện tích này quá sức với đa số hộ dân làng nghề vốn chủ yếu là hộ sản xuất nhỏ lẻ, phải vay ngân hàng mới đủ khả năng mua máy móc và xây dựng xưởng”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Phùng Văn Vinh, nhiều hộ mong muốn góp vốn chung để thuê đất nhưng lại không có cơ chế pháp lý rõ ràng nếu xảy ra tranh chấp, trong khi việc thành lập Công ty cổ phần để thuê đất cũng không đơn giản, vì tâm lý e ngại, thiếu hiểu biết pháp lý và đặc thù nghề nghiệp truyền thống mang tính hộ gia đình.
Chia sẻ với phóng viên, Trưởng thôn Minh Khai bày tỏ sự xót xa: “Còn khoảng 300 hộ kinh doanh, doanh nghiệp ở làng Khoai mong muốn có mặt bằng sản xuất kinh doanh, rời khỏi khu dân cư để không ảnh hưởng đến bà con, nhưng tiếp cận đất đai như bây giờ khó quá. Trong khi nhiều KCN, CCN lại cho thuê đất giá cao, đẩy cả người thuê và người cho thuê vào tình cảnh khó khăn. Đặc biệt là lãng phí đất đai nghiêm trọng, chúng tôi cũng đau xót lắm, nhìn đất đai, mặt bằng sạch đẹp mà tiếc”.


Từ khó khăn nêu trên, đại diện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại Minh Khai, ông Phùng Văn Vinh kiến nghị các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng: Xem xét lại quy định diện tích tối thiểu trong CCN Minh Khai 3, đề xuất giảm xuống mức 400–500 m² để phù hợp với khả năng kinh tế của hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Đồng thời, điều chỉnh mức giá cho thuê hạ tầng về mức hợp lý, tương đồng với các CCN trong tỉnh Hưng Yên, có thể áp dụng cơ chế hỗ trợ giá thuê cho hộ sản xuất làng nghề.
Ông Vinh cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ pháp lý, cơ chế góp vốn hợp pháp để nhiều hộ dân có thể liên kết thuê đất, thành lập doanh nghiệp mà không bị rủi ro pháp lý. “Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp thực sự lắng nghe và hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho người dân làng nghề. Bởi phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời việc tạo điều kiện tiếp cận đất đai, tín dụng và cơ chế quản lý phù hợp”, ông Vinh bày tỏ.

.png)
Tại tỉnh Bắc Ninh, nêu những khó khăn trong tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp, ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Lan Hưng cho biết, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất trong vòng 10 năm trở lại đây rất khó tiếp cận thuê mặt bằng. Theo quy định của Nhà nước, các trường hợp này phải vào các KCN mới được sản xuất kinh doanh. “Có doanh nghiệp làm thủ tục thuê đất sản xuất bên ngoài KCN cả chục năm vẫn chưa xong”, ông Toàn nói.
Cũng theo ông Vương Quốc Toàn, với các hộ sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ vào thuê đất tại KCN, bắt buộc phải thuê từ 1 ha trở lên với giá bình quân từ 35 tỷ tới 130 tỷ/1 héc ta. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hay hộ kinh doanh chỉ có khả năng thuê từ vài trăm đến 1000 m2 thì khó có khả năng tiếp cận được. “Đặc biệt tại các khu vực làng nghề, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh buộc phải di dời ra khỏi khu dân cư mà không tiếp cận được đất đai thì chỉ có bó tay. Trong khi trước đó, chính họ đồng thuận bàn giao đất nông nghiệp để đầu tư CCN nhưng không thuê lại được chính mảnh đất của mình vì giá quá cao”, ông Toàn nói.

Hiện nay 99% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên toàn quốc chưa lấp đầy, thậm chí, có nơi tới 60% diện tích còn bỏ trống gây lãng phí nguồn lực đất đai...
Ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Lan Hưng
Cũng theo đại diện của Công ty Lan Hưng, hiện nay 99% các KCN, CCN trên toàn quốc chưa lấp đầy, thậm chí, có nơi tới 60% diện tích còn bỏ trống gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Trao đổi với báo NB&CL, ông Vương Quốc Toàn cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành với kỳ vọng của doanh nghiệp tư nhân sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận đất đai, tránh lãng phí tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng này. Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ trực tiếp ra văn bản chỉ đạo dành đất sản xuất để doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thuê với giá ưu đãi.
Đồng thời, ông Toàn kiến nghị trước mắt, các KCN trên toàn quốc cần dành tối thiểu 30% đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thuê mua với giá ưu đãi để có mặt bằng kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Tôi kiến nghị Chính phủ cho mở mỗi xã một CCN từ 30 héc ta tới 60 héc ta, giao cho các Hội doanh nghiệp làm chủ đầu tư, được quy hoạch bài bản, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê từ vài trăm đến hơn 1000 m2 để họ sản xuất kinh doanh, với giá ưu đãi từ 2 đến 4 triệu/m2 tùy theo địa bàn. Như vậy, doanh nghiệp đều có đất để sản xuất. Tôi cũng đề nghị các Ngân hàng đồng hành cho vay 70% giá trị đất mà doanh nghiệp thuê. Tôi mong rằng, kiến nghị của tôi được Chính phủ quan tâm. Có làm được như vậy thì Nghị quyết 68 khả thi, đi vào cuộc sống, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tránh lãng phí nguồn lực đất đai…”, ông Toàn kiến nghị.
Không chỉ gặp khó trong tiếp cận đất đai, Doanh nghiệp tư nhân còn phải đau đầu trước những vướng mắc về quy định, thủ tục trong định giá đất và giải phóng mặt bằng. Nội dung này sẽ được làm rõ trong Bài 2: Doanh nghiệp “khóc ròng” vì chờ định giá đất, giải phóng mặt bằng!

