Mở rộng thẩm quyền cho cấp xã mà không nâng cao năng lực dễ dẫn đến ‘giao việc mà không giao quyền thực chất’
(CLO) Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn – Đoàn TP Hà Nội cho rằng nếu chỉ mở rộng thẩm quyền cho cấp xã mà không đi đôi với nâng cao năng lực, thì rất dễ dẫn đến tình trạng “giao việc mà không giao quyền thực chất”.
Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đề nghị bổ sung quy định mở rộng thẩm quyền cho UBND các đô thị lớn
Tham gia thảo luận về việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, được quy định tại Chương 3 của dự thảo Luật, , đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai – Đoàn TP Hà Nội đồng tình với các quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và ủy quyền đã từng bước thể chế hóa tốt các chủ trương của Đảng. Trong bối cảnh không còn cấp huyện, việc chuyển toàn bộ thẩm quyền của cấp huyện xuống cấp xã là cần thiết...
Tại Điều 39 của dự thảo Luật quy định về cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã cho phép thành lập các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Về việc này, đại biểu Đoàn TP Hà Nội đồng tình ủng hộ, bởi quy định này phù hợp với việc chuyển thẩm quyền từ cấp huyện xuống cấp xã.
Đại biểu Bùi Huyền Mai đề nghị bổ sung quy định mở rộng thẩm quyền cho UBND các đô thị lớn, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để linh hoạt tổ chức các cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc thù quản lý đô thị. Ví dụ với quy mô dân số của một số phường tại Hà Nội lên đến 100.000 dân, việc tổ chức cơ quan chuyên môn là rất cần thiết.
“Đồng thời, cần trao thêm thẩm quyền cho cấp tỉnh, cụ thể là UBND thành phố để chủ động bố trí đội ngũ cán bộ, công chức dựa trên khối lượng công việc và quy mô dân số, ngoài quy định hiện hành về số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã”, đại biểu Bùi Huyền Mai kiến nghị.

Quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền quản lý di sản cho cấp xã
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn – Đoàn TP Hà Nội đánh giá cao việc bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân xã trong việc quyết định các biện pháp phát triển văn hóa; quyết định các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn; cũng như thông qua quy hoạch sử dụng đất... là bước tiến quan trọng để cấp xã chủ động hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản tại chỗ. Đây là hành lang pháp lý cần thiết để các địa phương có thể tu bổ đình, đền, duy trì lễ hội truyền thống, phục dựng nghề thủ công và giữ gìn không gian văn hóa làng xã.
Ngoài ra, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, quy định cho phép cấp xã quyết định các biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, tín ngưỡng tôn giáo nếu được triển khai tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động hơn trong gìn giữ tri thức bản địa, ngôn ngữ dân tộc, hát dân ca, nghi lễ truyền thống vốn đang có nguy cơ mai một nhanh chóng.
Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Hà Nội cho rằng nếu chỉ mở rộng thẩm quyền mà không đi đôi với nâng cao năng lực, thì rất dễ dẫn đến tình trạng “giao việc mà không giao quyền thực chất”. Hiện nay, nhiều cán bộ văn hóa xã còn thiếu kiến thức chuyên môn về bảo tồn di sản, thiếu nguồn kinh phí, thiếu hướng dẫn kỹ thuật. Một số xã muốn phục dựng lễ hội hoặc tu bổ di tích cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu, trình hồ sơ cho ai, và phối hợp với ngành nào.
Từ đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề xuất: Thứ nhất, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đi kèm với Luật, trong đó quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền quản lý di sản cho cấp xã, đặc biệt là những di sản đã được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia trở xuống.
Thứ hai, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ văn hóa xã về chuyên môn bảo tồn, kỹ năng lập hồ sơ di sản, và cách huy động nguồn lực xã hội hóa. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ các xã khó khăn tiếp cận Quỹ bảo tồn di sản.
Thứ ba, khuyến khích các xã xây dựng quy chế cộng đồng trong quản lý di sản – lấy người dân làm trung tâm, để việc bảo tồn không chỉ mang tính hình thức mà thực sự là hành động gìn giữ ký ức và bản sắc của cộng đồng.

Phát huy tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm
Góp ý tại thảo luận về thẩm quyền tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại Điều 9, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh - Đoàn TP Đà Nẵng đề nghị phân quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định đối với cấp xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho địa phương trong tổ chức cấp chính quyền cấp xã phù hợp tình hình thực tế, diễn biến đời sống kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở địa phương, quy mô diện tích, dân số và trình độ quản lý, mức độ ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước.
Trường hợp đối với xã vùng biên giới, hải đảo và xã giáp ranh giữa 2 tỉnh thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để bảo đảm vai trò kiểm soát và thống nhất trong quản lý nhà nước, cũng như dự lường các yếu tố phức tạp bên ngoài phạm vi quản lý của một địa phương.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, quá trình tổ chức mô hình chính quyền cấp xã mới chắc chắc sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn và pháp lý cần hoàn thiện song, không vì thế mà chúng ta đưa ra các chế định dẫn đến tập trung quyền lực ở cấp tỉnh, cần kiên định nguyên tắc trao quyền cho cấp xã.
"Trong quá trình đó, các cơ quan Trung ương và cấp tỉnh có vai trò và trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ mọi mặt như: hỗ trợ nhân lực, đào tạo chuyên môn, chuyển giao công nghệ, dữ liệu và ứng dụng trong giai đoạn đầu để ổn định, hoàn thiện mô hình, giúp cho chính quyền cấp xã, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới", ông Minh nói.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị tại Khoản 4, Điều 11 cân nhắc không nên bổ sung quy định “Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã” để phát huy tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.