Mở tương lai cho gỗ Việt

Thứ năm, 31/01/2019 11:16 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngành gỗ, đặc biệt là chế biến gỗ của Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn từ hai Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới là FTA và CPTPP. Nếu hai Hiệp định này cùng thực thi trong năm 2019 sẽ có tác động rất lớn tới ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Trước mắt, CPTPP sẽ cho Việt Nam cơ hội ngay lập tức tiếp cận sâu rộng vào các thị trường như Canada, Peru và Mexico. Còn EU với dung lượng thị trường đồ gỗ hằng năm lên tới 80-90 tỷ USD sẽ là “kho báu” khi lượng đồ gỗ Việt Nam thâm nhập được thị trường này hiện mới ở mức chưa tới 800 triệu USD. Để rõ thêm những lợi thế của gỗ Việt, các nhà quản lý, chuyên gia đã có những trao đổi trong đầu Xuân năm mới về vấn đề này.

dong-goi-noi-that-go-xuat-khau-tai-mot-dn-o-dong-nai

+ Ông/bà đánh giá như thế nào về cơ hội của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sau khi Hiệp định CPTPP/EVFTA/VPA/FLEGT được ký kết và thực thi?

- Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores): Hiệp định CPTPP/EVFTA/VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Hiệp định VPA/FLEGT được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế, đặc biệt góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại các thị trường khác, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Tôn Quyền.

Ông Nguyễn Tôn Quyền.

Theo tôi, cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức. Riêng CPTPP có lợi thế hơn TPP ở chỗ, sau khi 11 quốc gia này ký kết, lập tức thuế về 0%, điều này rất có lợi cho sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Các quốc gia trong CPTPP rất hùng mạnh về lâm nghiệp, quản lý rừng rất tốt, rất bài bản nên chúng ta có thể học hỏi được quản trị doanh nghiệp trong ngành gỗ để làm thế nào có hiệu quả nhất, đặc biệt là kinh nghiệm trong sản xuất gỗ hợp pháp, bảo vệ môi trường.

- Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Các Hiệp định thương mại này sẽ tạo cho Việt Nam một vị thế, niềm tin lớn để hội nhập, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Nhiều nỗ lực đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận khi chúng ta đàm phán thành công để tiến tới ký kết các hiệp định này vì nhiều nước có làm trước nhưng đến nay vẫn chưa được ký. Điều này thể hiện tinh thần thái độ nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết trước đó chứ không chỉ riêng hiệp định VPA/FLEGT. Chúng ta sẽ tiến đến làm một cách chuẩn hóa, công khai minh bạch, hợp pháp và bền vững. Đây là yếu tố cấu thành tăng trưởng của chúng ta trong tương lai. Thứ nữa là chúng ta phải tăng cường áp dụng công nghệ tốt. Hiện nay, gỗ thành phẩm có giá khoảng 1.400-1.800 USD/m3, nhưng khi áp dụng công nghệ chế biến ở mức độ cao, có thể tăng tới 4.000 USD/m3. 

Ông Phạm Văn Điển.

Ông Phạm Văn Điển.

Về nguyên liệu, hiện chúng ta đang có 2,86 triệu ha, tiến tới sẽ phát triển lên khoảng 3,6 triệu ha trong khi đó nhu cầu về gỗ cũng như các sản phẩm của gỗ của các nước ngày một tăng tiến. Đây là cơ hội cho chúng ta tăng trưởng và thị trường gỗ luôn được coi là thị trường tiềm năng, không bao giờ sợ rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”.

- Bà Nguyễn Tường Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp): Với riêng ngành gỗ, Hiệp định VPA/FLEGT là hiệp định thương mại song phương, ràng buộc pháp lý giữa Việt Nam - EU. Sở dĩ chúng ta đàm phán trong 6 năm bền bỉ để ký được hiệp định này là vì tháng 3/2010, Nghị viện châu Âu đã ban hành Quy chế gỗ châu Âu (quy chế 995), quy định về gỗ hợp pháp. Doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam muốn xuất khẩu gỗ sang EU phải chứng minh được tính hợp pháp, thực hiện trách nhiệm giải trình và tuân thủ quy định của họ. Việc đạt được thỏa thuận và tiến tới ký Hiệp định VPA/FLEGT đã tạo điều kiện tương tự như việc mở thêm “nhiều cánh cửa” để các sản phẩm chế biến của gỗ Việt tiếp cận sâu rộng vào các thị trường như Canada, Peru và Mexico cũng như EU. Những thuận lợi này sẽ góp phần giúp ngắn thời gian như kỳ vọng mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra với ngành sản xuất, chế biến gỗ: 10 năm tới chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, là trung tâm hàng đầu về sản xuất đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu uy tín, hợp pháp của thế giới và phấn đấu đến năm 2025 phải đạt 18-20 tỷ USD.

+ Để tận dụng được hết những cơ hội của CPTPP/EVFTA/VPA/FLEGT, đứng về phía góc độ quản lý nhà nước chúng ta cần phải có những động thái gì, thưa ông/bà?

- Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Vifores: Tôi cho rằng nhà nước cần nhanh chóng nội lực hóa tất cả các cơ chế chính sách khi chúng ta cam kết trong CPTPP/EVFTA/VPA/FLEGT, cụ thể là Nghị định thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Việc này hết sức quan trọng vì khi thực thi VPA/FLEGT, có rất nhiều đối tác, trong đó có hộ trồng rừng, thương lái mua bán gỗ, vận tải gỗ… Tuy nhiên có một thực tế là những hiểu biết của họ về VPA/FLEGT rất hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải vươn lên mạnh mẽ. Không làm được điều đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ nhỏ sẽ bị phá sản.

- Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Định hướng và giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2025. Theo đó, chỉ số phấn đấu đến năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD, năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD. Cùng với đó là việc đẩy mạnh thể chế hóa Luật Lâm nghiệp. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai 4 Nghị định, 7 Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp, trong đó chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác, chế biến và thương mại lâm sản. Thông qua đó, thúc đẩy các Hiệp định song phương về lâm nghiệp để tăng cường hợp tác, sự hiểu biết và để phòng vệ thương mại, bảo vệ thương hiệu cho lâm sản gỗ Việt Nam, đặc biệt là các Hiệp định gắn với các nước Asean và 5 nước tiểu vùng sông Mekong.

- Bà Nguyễn Tường Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp): Hiệp định VPA/FLEGT được xây dựng dựa trên quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, có 4 nội dung cam kết mới đòi hỏi Việt Nam cần quy định bổ sung để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ. Đặc biệt, về quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu: Việt Nam sẽ áp dụng các bộ lọc rủi ro là “Loài rủi ro” và “Vùng địa lý rủi ro” để kiểm soát và quản lý gỗ nhập khẩu vào Việt Nam. Tôi tin rằng với việc thực hiện tốt 4 nội dung cam kết này thì gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam sẽ được “chắp cánh” để vươn tới thị trường các nước trong khu vực và thế giới.

Bà Nguyễn Tường Vân.

Bà Nguyễn Tường Vân.

+ Các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU đang có những động thái nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ, đặc biệt là gỗ bất hợp pháp. Vậy đâu là giải pháp thúc đẩy ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong thời gian tới?

- Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Vifores: Trước năm 2010, chúng ta quan điểm gỗ hợp pháp là tuân thủ tất cả các văn bản luật lệ, nghị định thông tư của Chính phủ Việt Nam. Từ năm 2010 đến 2016, trong 6 năm Việt Nam có bàn thảo lại với EU về xây dựng Hiệp định VPA/FLEGT nên có thay đổi một số điểm. Ví dụ, hiện nay, gỗ hợp pháp chúng ta phải tuân thủ luật Lacys của Mỹ, phải đảm bảo xuất xứ, đảm bảo khai báo theo yêu cầu của Mỹ.

Đối với EU, chúng ta phải đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, trong đó có 7 nguyên tắc, 56 tiêu chí và đến giờ chúng ta mới đưa ra khái niệm, định nghĩa và thống nhất nhau về mặt nguyên tắc, pháp lý. Thực tế, EU hiện nay đưa ra phương pháp trách nhiệm giải trình, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU phải giải trình những điều mà EU yêu cầu.

Bên cạnh đó, hiện nay, Úc cũng đã có văn bản cẩm nang gỗ hợp pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang xây dựng, các quốc gia đều hướng đến bảo vệ môi trường sử dụng gỗ hợp pháp. Vì vậy, muốn xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ chế biến từ gỗ sang các nước này, chúng ta phải tuân thủ quy định của họ.

Anh-1

- Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Chúng tôi đã lập kế hoạch mở rộng thị trường, chúng ta phải mở rộng thị trường để tránh bị áp thuế bán phá giá, nếu bán cho 1 nước truyền thống có mức tăng trưởng 3 năm liền ở hai con số thì sẽ bị điều tra về việc bán phá giá và áp thuế lên tới 25%. Bộ NN&PTNT xác định tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại đối với các thị trường tiềm năng như: Úc, Nga, Canada, Ấn độ, châu Phi và Nam Mỹ. Tiếp đó là triển khai Kế hoạch phát triển thương mại gỗ, chú ý đến gỗ cao su và gỗ vườn nhà (có thể lên 3 triệu m3/năm) gắn với chế biến để phục vụ xuất khẩu trong nhiều năm tới.

- Bà Nguyễn Tường Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp): Doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam muốn xuất khẩu gỗ sang EU phải chứng minh được tính hợp pháp, thực hiện trách nhiệm giải trình và tuân thủ quy định của họ. Nếu vi phạm quy chế 995, các lô hàng sẽ bị xử phạt, trả về, tịch thu, xử phạt, thậm chí có thể bị bỏ tù.

Tuy vậy, trong quy chế gỗ của EU cũng mở ra hướng hợp tác, theo đó, quốc gia nào muốn xuất khẩu gỗ vào EU mà không muốn lô hàng nào cũng phải giải trình thì ký Hiệp định đối tác tự nguyện, xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định EUTR 995 khi xuất khẩu vào EU. Về cấp phép FLEGT đã quy định: Chỉ cấp cho những lô gỗ xuất khẩu sang các nước thành viên EU. Đây được coi là “Giấy thông hành đặc biệt” do chính các cơ quan Việt Nam cấp để các lô hàng gỗ của ta được tự do vào EU mà không phải làm thủ tục xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Khi thực thi cơ chế này, DN nhóm 1 (doanh nghiệp tuân thủ pháp luật) sẽ có lợi ích nhất định, tất cả sẽ được thể chế hóa bằng nghị định. Dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành Nghị định hướng dẫn thực hiện hiệp định VPA/FLEGT, khi đó hiệp định mới được thực thi đầy đủ.

Minh Phượng (Ghi)

Tin khác

Giá vàng hôm nay: Biến động trái chiều, nơi tăng, nơi giảm

Giá vàng hôm nay: Biến động trái chiều, nơi tăng, nơi giảm

(CLO) Trong phiên giao dịch ngày (20/4), giá vàng trong nước có nhiều biến động trái chiều giữa các “nhà vàng”.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

Vào hè, thợ sửa điều hoà đắt “sô”, bỏ túi bạc triệu mỗi ngày

(CLO) Dù làm việc dưới thời tiết nắng nóng cùng cường độ công việc cao nhưng thợ lắp điều hòa phấn khởi bởi có thể “cá kiếm” hàng triệu đồng mỗi ngày.

Thị trường - Doanh nghiệp
Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

Đồng euro chạm mức thấp lịch sử trong giao dịch SWIFT

(CLO) Dữ liệu giao dịch do dịch vụ tài chính toàn cầu tổng hợp cho thấy tỷ trọng của đồng euro trong các hoạt động thanh toán xuyên biên giới toàn cầu thông qua hệ thống SWIFT vào tháng trước đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

(CLO) Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc đấu thầu vàng miếng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

(CLO) Nhà Trắng đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Venezuela. Động thái này diễn ra khi Venezuela đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.

Thị trường - Doanh nghiệp