“Mở Xưởng” - Một kết hợp thú vị giữa nghệ sĩ Việt Nam và Italy

Thứ năm, 31/10/2019 09:50 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Open Studio, tạm dịch là “Mở Xưởng” – Là tên một workshop nghệ thuật của ba nghệ sĩ: Irene Dorigotti (Italy), Ngọc Nâu và Lê Thu Minh đã đưa ra phác họa về con người và đô thị đương đại – Một trật tự trong sự hỗn độn đang tồn tại xung quanh mỗi chúng ta.

“Mở Xưởng” ra mắt công chúng tại Vicas Art Studio. Một nơi vốn là “studio” – luôn rộng cửa chào đón tất cả những người yêu nghệ thuật – thì nay trở thành một “xưởng” – nơi hoàn toàn mang dấu ấn cá nhân  của nghệ sĩ.

Đương nhiên, như mọi nơi riêng tư, “Mở Xưởng” cũng có những quy tắc mà các nghệ sĩ đang làm chủ nơi này đặt ra. Phía ngoài cửa triển lãm, một tấm bảng ghi rõ: “Bạn tham gia vào Xưởng theo nhóm đông nhất là 10 người/lượt. Làm ơn giữ trật tự như bước vào một ngôi đền vậy”.

Mở “Mở Xưởng”, khán giả trở thành nhân vật chủ động tham gia vào tác phẩm. Ảnh: Việt Hưng

Mở “Mở Xưởng”, khán giả trở thành nhân vật chủ động tham gia vào tác phẩm. Ảnh: Việt Hưng

Một dự án nghệ thuật sắp đặt âm thanh, ánh sáng và phải chờ đợi để được nhìn ngắm, tất cả những điều này khiến cho cá nhân tôi cảm thấy có chút phấn khích hơn bình thường mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tôi tới Vicas Art Studio.

Nguyên tắc vào Xưởng ghi: “Đây là một không gian thống nhất và toàn vẹn về trải nghiệm, một sinh thể duy nhất hướng tới triết lý chứ không chỉ đơn thuần là những cá nhân riêng lẻ.

Mục tiêu là dựng lên một không gian mộng tưởng, trong đó các nghệ sĩ đề xuất những đối thoại mà ở đó, khán giản trở thành nhân vật chủ động tham gia vào tác phẩm”.

Có lẽ bởi các nghệ sĩ đã cho công chúng một sự chủ động nhất định trong thưởng lãm mà tác phẩm của “Mở Xưởng” không trở nên quá xa lạ. Một đám đông giữa ngã tư; Một hồ sen tàn úa; Một chiếc xe chở rác; Những thanh âm của thành phố; Những nghi thức tâm linh để con người gửi gắm nỗi niềm tới đấng tối cao siêu hình... Tất cả đều rất quen thuộc bởi chúng ta luôn nhìn thấy chúng hàng ngày. Vào ngay lúc này.

Ba nghệ sĩ đã chọn Hà Nội làm bối cảnh với tư cách là một đô thị đương đại – như những gì chúng ta vẫn thấy, nhưng theo một cách hoàn toàn khác thông thường.

Irene Dorigotti nói “Hà Nội như một ma trận”. Trong “Mở Xưởng”, Hà Nội hiện lên như một ví dụ về đô thị đương đại, luôn ồn ào, bụi bặm, đông đúc. Nguyên nhân từ chính những con-người-đô-thị lặp đi lặp lại những hành vi bình thường. Những hình ảnh và tạp âm hỗn độn, chồng chéo gây ra cảm xúc về những ngột ngạt trong đô thị.

Ngọc Nâu và Irene Dorigotti (từ phải qua) trong quá trình thực hiện tác phẩm. Ảnh: Lưu Phong Nhã, chụp tại Black Bear Tattoo

Ngọc Nâu và Irene Dorigotti (từ phải qua) trong quá trình thực hiện tác phẩm. Ảnh: Lưu Phong Nhã, chụp tại Black Bear Tattoo

Nhưng sau tất cả những bụi bặm và xô bồ, người ta nhận ra, chính con người đang tạo ra thành phố và ngược lại, chính thành phố – như một không gian sống – đã tạo ra những tập tính mới của loài người như một phần không thể tách rời. Dù cho có yêu, ghét, thích hoặc không thích thì những trạng thái cảm xúc ấy đều rất thuần khiết và tạo ra một vẻ đẹp đích thực. Có lẽ vì thế, tác phẩm của các nghệ sĩ được mang tên: “Hà Nội, tình yêu của tôi” (nguyên văn: “Hanoi mon amour”).

“Mở Xưởng” nằm trong khuôn khổ của một workshop trao đổi nghệ thuật đương đại do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và Đại sứ quán Ý tại Hà Nội hợp tác thực hiện nhân kỷ niệm năm thứ 15 Ngày Nghệ thuật đương đại Ý (11/10/2019).

Ông Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho biết: “Cách đây mấy tháng, tôi và Đại sứ Italy bàn về việc hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Có thể thấy, nghệ thuật Italy là niềm mơ ước của nhiều người mong muốn được chiêm ngưỡng. Trong khi đó, VICAS có mở một trung tâm chuyên về nghệ thuật đương đại, lĩnh vực đang cần có nhiều trợ giúp để phát triển. Đại sứ Italy đã cùng chúng tôi nuôi dưỡng giấc mơ của các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại”.

“Mở Xưởng” được mở ra nhằm thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Ý trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, từ đó mở ra các khả năng trao đổi và xúc tiến các hoạt động, chương trình và dự án về văn hóa, nghệ thuật giữa các đơn vị, tổ chức, nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo Việt Nam và Ý trong thời gian tới.

Irene Dorigotti là một nhà nghiên cứu nhân học hình ảnh (Visual Anthropologist). Cô yêu thích việc làm phim và thực hành nghệ thuật truyền thông mới (New Media Art). Irene luôn bị hấp dẫn bởi những nền văn hóa truyền thống khác nhau. Vì vậy mà cô lựa chọn theo đuổi ngành Nhân chủng học và đi đến nhiều nền văn hóa khác nhau để gặp gỡ và tìm hiểu về các dân tộc như Kosovo, Serbia, Croatia, Slovenia, Australia, Jamaica, Madagascar, Senegal, và Rwanda. Irene đã hoạt động như một người bảo vệ hòa bình tại Kosovo. Sau trải nghiệm đó, cô bắt đầu quan tâm đến những vấn đề phổ quát của giá trị cuộc sống. Cô làm việc với những nạn nhân chiến tranh, ở đó phản chiếu những thay đổi to lớn về sự sống trong tương lai.

Ngọc Nâu tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành Lịch sử và Lý luận Mỹ thuật. Ngọc Nâu làm việc với tư cách nghệ sĩ đa phương tiện, cô đã có kinh nghiệm làm việc với hình ảnh động, nhiếp ảnh cắt dán, chiếu phim video, hologram và cường thực. Cô tham gia vào nhiều triển lãm và các dự án nghệ thuật trong và ngoài nước.

Lê Thu Minh từng tham gia nhiều workshop về phim tài liệu tại trung tâm TPD (2011), Doclab (2016). Một số phim tài liệu ngắn đã thực hiện của cô gồm: Nguyên Linh, Mùa hè Nghiêm, Thân yêu, Tiếng Thanh Hay Nhất. Hiện tại, Thu Minh tham gia các hoạt động làm phim độc lập và khảo sát dự án phim tài liệu cá nhân về văn hóa truyền thống và đi những bước đầu tiên trên con đường tìm hiểu về nhạc thể nghiệm.

Không như các triển lãm thuần túy về biểu đạt như hội họa, điện ảnh hay âm nhạc, “Mở Xưởng” là một tập hợp cách thức trình diễn đa dạng bao gồm video, âm thanh và ánh sáng được sắp xếp một cách có chủ ý. Một số người tham dự triển lãm tỏ ra khó hiểu về ý đồ của các nghệ sĩ cũng như cách thức biểu đạt của tác phẩm. Tuy nhiên, nếu đã từng tiếp cận với một số xu hướng nghiên cứu mới về nghệ thuật cũng như các khái niệm trong Nhân học thì có thể người xem sẽ có hình dung rõ ràng hơn về toàn bộ workshop này.

Trò chuyện với Irene Dorigotti về dự án, cô cho biết, cô và hai nghệ sĩ người Việt là Ngọc Nâu, Lê Thu Minh đã có rất nhiều trao đổi và đi thực địa. Cả ba người thực hiện dự án đều có sự thống nhất về ý đồ của tác phẩm bao gồm các vấn đề về “môi trường”, “thế nhân sinh” và “các tác động con người trong không gian sống của mình”. Đó cũng chính là mạch ý nghĩa xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm nằm trong dự án “Mở Xưởng”.

Trong khoa học về địa chất Trái Đất có một khái niệm là “Anthropocene” (thế nhân sinh) nói về việc con người tương tác với môi trường sống của mình và từ đó tạo ra một thế địa chất mới. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khái niệm này được sử dụng rộng rãi và đang trở thành một xu hướng nghiên cứu mới về con người đồng thời gây nhiều ảnh hưởng tới các xu hướng sáng tạo nghệ thuật đương đại.

Bằng sự kết hợp sáng tạo của ba nghệ sĩ, Hà Nội hiện ra chân thực, khác lạ nhưng cũng là một phép ẩn dụ về cách con người ứng xử với môi trường sống xung quanh. Mà thật ra, câu chuyện con người ứng xử với môi trường sống của mình thì lại không phải chỉ của riêng Hà Nội.

Tử Hưng

Tin khác

Huyện Gia Viễn (Ninh Bình): Tổ chức lễ dâng hương tại Đền Thánh Nguyễn

Huyện Gia Viễn (Ninh Bình): Tổ chức lễ dâng hương tại Đền Thánh Nguyễn

(CLO) Sáng 16/4/2024, tại khuôn viên khu di tích lịch sử - văn hóa đền Thánh Nguyễn, các lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Viễn tổ chức Lễ dâng hương.

Đời sống văn hóa
Ra mắt 30 cuốn sách nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt 30 cuốn sách nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024); đồng thời, đây cũng là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.

Đời sống văn hóa
Phê duyệt mẫu logo tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phê duyệt mẫu logo tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Tạ Quang Đông vừa ký Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Đời sống văn hóa
Về đất Tổ nghe Xoan làng cổ

Về đất Tổ nghe Xoan làng cổ

(CLO) Trải qua hàng ngàn năm, nghệ thuật hát Xoan (tỉnh Phú Thọ) vẫn trường tồn với thời gian, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hát Xoan làng cổ trở thành một dấu ấn riêng biệt để du khách thập phương lại có thêm lý do tìm về nơi miền quê đất Tổ.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Gần 1.000 thiết bị bay không người lái sẽ trình diễn 'đại tiệc ánh sáng' tại Lễ hội Hoa Lư 2024

Ninh Bình: Gần 1.000 thiết bị bay không người lái sẽ trình diễn "đại tiệc ánh sáng" tại Lễ hội Hoa Lư 2024

(CLO) Màn trình diễn ánh sáng hiện đại (Drone light) với gần 1 nghìn máy bay tự động trong chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2024 tại Ninh Bình hứa hẹn mang đến những cảm xúc lắng đọng và sự mãn nhãn cho người xem.

Đời sống văn hóa