Mỗi ngày có gần 400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
(CLO) Theo báo cáo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, số doanh nghiệp mới thành lập cũng đang ở mức kỷ lục.
Theo thông tin từ Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, mỗi ngày, cả nước có khoảng 390 doanh nghiệp đã hoặc chuẩn bị phá sản.
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể là doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, mỗi ngày, cả nước có khoảng 390 doanh nghiệp đã hoặc chuẩn bị phá sản.
Trong số 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 37,1%); Xây dựng (chiếm 13,9%), Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 11,9%).
Theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng, chiếm 90,6%); ở quy mô từ 10 - 100 tỷ đồng, chiếm 8,8%; với quy mô trên 100 tỷ đồng chiếm 0,6%.
Trong khi đó, 24.660 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 36,6%); Xây dựng (chiếm 12%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 11,9%).
Theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng, chiếm 90,12%; ở quy mô vốn từ 10 - 100 tỷ đồng, chiếm 8,63%; với quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, chiếm 1,25%.
Thị trường đã có 9.942 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực có số doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (151,3%); Khai khoáng (117,1%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (43,4%).
Theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng, chiếm 89,3%; ở quy mô vốn từ 10 - 100 tỷ đồng, chiếm 9,6%; với quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, chiếm 1,1%.
Mặc dù số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh, thế nhưng, số doanh nghiệp mới thành lập cũng đang ở mức kỷ lục.
Báo cáo của Chính phủ cho biết: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 67.083 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.142 doanh nghiệp, tăng 3,9%.
Đáng chú ý là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch bệnh lần này vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm ngoái như: Bắc Giang (tăng 11,82%), TP.HCM (tăng 5,34%), Bắc Ninh (tăng 1,06%)...
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 2.095.163 tỷ đồng (tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 942.648 tỷ đồng (tăng 34,3%). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%.
Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khá mạnh so với năm ngoái nên nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là khá lớn. Số liệu doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực.
“Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiếp tục chịu tác động lớn từ dịch bệnh, thể hiện qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ”, báo cáo của Chính phủ nêu.